Những nhân viên bị lãng quên trong ngành Giáo dục: Phụ hồ, bán chè trang trải cuộc sống
“Nghề kế toán chắc giàu lắm!”, mỗi lần nghe câu nói này, nhiều viên chức kế toán trường học không khỏi chạnh lòng. Bởi ít ai biết được, đằng sau “định kiến người đời” về sự giàu sang của nghề kế toán, để có thể trang trải cuộc sống, nhiều viên chức ngành này đã phải “ngậm đắng nuốt cay”, làm đủ việc từ phụ hồ dịp hè, đến bán chè online mỗi tối.
Một người kiêm nhiệm kế toán nhiều trường
Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30.5.2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiều điểm mới về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Phải thừa nhận rằng, thông tư này đã nâng hệ số lương giáo viên mới ra trường, chấm dứt tình trạng giáo viên có bằng đại học phải hưởng lương trung cấp.
Tuy nhiên, những người không trực tiếp làm công tác giảng dạy nhưng âm thầm giải quyết hầu hết những công việc trong trường học như nhân viên thư viện; thiết bị, thí nghiệm; công nghệ thông tin; kế toán; thủ quỹ; văn thư; y tế; hỗ trợ giáo dục người khuyết tật; giáo vụ… lại không được đề cập đến. Trong đó, nhiều viên chức kế toán phải kiêm nhiệm công việc kế toán của 1-3 trường cùng một lúc.
Với tấm bằng trung cấp kế toán, chị Nguyễn Thị Thu Hằng (phường Tân Long, TP Thái Nguyên) bắt đầu đi làm từ tháng 5.2005 tại Trường Tiểu học Vô Tranh (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên). Năm 2008, chị Hằng chuyển công tác đến Trường Tiểu học Giang Tiên (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) với vị trí viên chức kế toán.
Đến tháng 6.2016, chị Hằng chuyển sang công tác tại Trường THCS Giang Tiên (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên). Trước đó, năm 2012, chị Hằng có bằng đại học sau thời gian dài bỏ công sức và tiền bạc theo học một lớp liên thông. Mặc dù có bằng đại học hơn 10 năm, nhưng hiện nay, chị Hằng vẫn chỉ hưởng hệ số bậc lương trung cấp.
Không chỉ vậy, từ năm 2019 đến nay, dù là viên chức kế toán trường học của Trường THCS Giang Tiên, chị Hằng vẫn phải kiêm nhiệm vị trí kế toán của Trường Tiểu học Giang Tiên và không có bất kỳ khoản phụ cấp nào khác.
Theo chị Hằng, làm song song hai công việc khiến chị dễ nhầm lẫn khi chị phải quản lý 7 phần mềm của 1 trường như: quản lý tài sản, bảo hiểm, thuế, kế toán, quản lý tiền lương, chế độ của giáo viên và học sinh… Hàng tháng phải xử lý nhiều đầu mục kiêm nhiệm như: đối chiếu tiền ăn, đối chiếu buổi nghỉ, rà soát việc thu tiền từ phụ huynh.
“Công việc của một kế toán luôn đòi hỏi độ chính xác cao. Chỉ riêng việc tính tiền ăn bán trú đã chiếm một nửa thời gian của tôi hàng tuần. Công việc chồng chất buộc tôi làm thêm giờ, luôn phải mang hồ sơ về nhà để hoàn thành”, chị Hằng nói.
Kiêm nhiệm một lúc 2 trường, nhưng mức thu nhập của chị Hằng thấp nhất so với các vị trí khác ở cả 2 trường. Là người làm bảng lương cho người lao động, chị Hằng luôn cảm thấy chạnh lòng với đồng lương của chính mình.
Chồng chị Hằng là lao động tự do, không có việc làm ổn định, con gái đầu lòng đang học lớp 12, năm học tới sẽ bước vào cấp học mới. Nỗi lo về mọi khoản chi phí trong gia đình khiến nữ viên chức phải căn ke từng đồng.
Xách vữa thuê để trang trải cuộc sống
Cùng chung một nỗi niềm, chị Trần Thị Hồng – viên chức kế toán tại Trường Mầm non Dương Đức (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) – đang phải làm nhiều việc một lúc như: kế toán các khoản thu ngoài ngân sách, học phí, kế toán mảng bán trú, công đoàn…
Ngoài ra, chị Hồng phải làm nhiều việc “không tên” khác như: văn thư, tạp vụ… với đồng lương chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng.
Năm 2021, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Kế hoạch thi nâng ngạch công chức từ ngạch chuyên viên lên ngạch chuyên viên chính của tỉnh Bắc Giang. Chị Hồng may mắn là trong số ít viên chức kế toán trường học vượt qua kỳ thi này và được nâng ngạch, hưởng mức lương xứng đáng với tấm bằng đại học.
Cuộc sống hôn nhân không được trọn vẹn, một mình chị phải nuôi 2 con nhỏ, 1 cháu học lớp 9, 1 cháu học lớp 3. Với mức lương ít ỏi, chị Hồng phải đi làm phụ hồ mỗi dịp nghỉ hè hoặc cuối tuần để có tiền lo cho các con. Còn mỗi buổi tối, khi người ta nghỉ ngơi, chị phải nấu chè bán online, kiếm tiền lo cho các con, làm sao cho các con ăn học thành người.
“Mang tiếng là một kế toán, công tác trong ngành giáo dục nhưng đến hè hoặc tranh thủ cuối tuần, tôi đi phụ hồ thêm để có tiền lo cho học phí, lo cuộc sống cho các cháu. Một ngày đi làm phụ hồ, tôi nhận được hơn 300.000 đồng và được nuôi cơm bữa trưa, còn làm kế toán ở trường thì chưa nhận về nổi 200.000 đồng”, chị Hằng tâm sự.
Tác giả: Nhóm PV
Nguồn: laodong.vn