Nhiều doanh nghiệp bán xăng lẻ nguy cơ đóng cửa
Đến nay, nhiều cây xăng bán lẻ ở nhiều địa phương vẫn dừng hoạt động với nhiều lý do khác nhau, trong đó, nguyên nhân phổ biến nhất là thua lỗ kéo dài.
Tình trạng này được ghi nhân nhiều chủ yếu ở chuỗi doanh nghiệp bán lẻ ở khu vực phía Nam, miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên.
Tại Nghệ An, do kinh doanh liên tục bị lỗ trong bối cảnh nguồn cung cũng gặp nhiều khó khăn, các đầu mối hạn chế bán đồng thời cắt chiết khấu nên nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã có đơn xin tạm dừng bán.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng Nghệ An, mới đây nhất, Cửa hàng xăng dầu lương thực Yên Thành khối II (xã Văn Thành, thị trấn Yên Thành) có văn bản gửi Sở Công Thương xin dừng hoạt động từ ngày 10/1/2023. Lý do trả lại giấy phép kinh doanh được doanh nghiệp đưa ra là do không gồng lỗ nổi, càng bán càng lỗ, chiết khấu chỉ được 200-400 đồng/lít xăng…
Theo báo cáo của Sở Công Thương Nghệ An, nhiều doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn huyện Yên Thành, thị trấn Đô Lương, huyện Quỳnh Lưu cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong duy trì hoạt động vì bị thua lỗ kéo dài. Nếu tình trạng này không dứt, việc nghỉ bán của các doanh nghiệp bán lẻ hoàn toàn có thể xảy ra.
Từ năm 2021 đến nay, có trên 20 cây xăng dầu ở Nghệ An dừng hoạt động do làm ăn thua lỗ. Sở Công Thương Nghệ An đang tiếp tục chỉ đạo các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối kinh doanh xăng dầu trên địa bàn chủ động cân đối nguồn cung sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu, nhằm đảm bảo duy trì nguồn cung xăng dầu liên tục, cung cấp đầy đủ xăng dầu cho các thương nhân nhượng quyền thương mại để tránh thiếu hụt.
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện một số doanh nghiệp bán lẻ ở TPHCM, Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, đang lên kế hoạch thu hẹp kinh doanh do bị lỗ khá lớn. Ông T.V.H, giám đốc một doanh nghiệp xăng dầu ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng thông tin, do lỗ liên tục trong cả năm 2022, ông đã phải nghiến răng bán bớt 1 cây xăng để cầm cự. Nếu tình hình không được cải thiện thời gian tới chắc ông cũng phải tính tới rút hẳn khỏi thị trường để bảo toàn vốn.
Doanh nghiệp kiến nghị giải pháp gỡ khó
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Đình Sơn, Giám đốc Công ty TNHH An Phước An (Đồng Nai) cho rằng, xăng dầu là mặt hàng vẫn có sự kiểm soát về giá và chịu sự điều hành, can thiệp của nhà nước. Việc duy trì chiết khấu cố định hiện không phù hợp với mô hình kinh doanh ở Việt Nam hiện nay, vì triệt tiêu động lực cạnh tranh. Lúc này người bán 100 m3 xăng dầu/tháng với người bán 1.000 m3 xăng dầu/tháng đều được trả công như nhau.
Theo ông Sơn, nếu muốn thị trường xăng dầu ổn định Nhà nước nên quy định mức chiết khấu tối thiểu cho các doanh nghiệp bán lẻ. Thực tế cho thấy chi phí xây dựng một cây xăng khoảng 5 – 6 tỷ đồng. Trừ các khoản đầu tư, vay ngân hàng, chi phí vận chuyển xăng dầu, nhân công, điện, nước, thuế cho mỗi lít xăng vào khoảng 500 đồng. Nếu kinh doanh thuận lợi, chủ cây xăng sẽ có lãi khoảng 20 -30 triệu đồng/tháng.
“Với số tiền nhiều tỷ đồng bỏ ra đầu tư, người bán lẻ đang nhặt từng đồng tiền lẻ. Đó là trong trường hợp kinh doanh có lãi bình thường. Còn hơn 1 năm qua, doanh nghiệp liên tục bị cắt chiết khấu, bị lỗ đến mức phải đóng cửa vì không còn tiền để duy trì việc bán lỗ”, ông Sơn cho hay.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, đề xuất mức chiết khấu cố định là không cần thiết và đẩy nền kinh tế quay trở lại thời bao cấp.
“Tôi ủng hộ quan điểm nghị định về kinh doanh xăng dầu sửa đổi nên đề cập về mức thù lao tối thiểu cho bán lẻ xăng dầu để họ hoạt động ổn định. Tuy nhiên, chiết khấu bao nhiêu thể hiện trong hợp đồng mua bán giữa đầu mối và thương nhân phân phối với bán lẻ, không thể đưa quy định tỉ lệ phần trăm vào nghị định về kinh doanh xăng dầu sửa đổi”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Bộ Công Thương vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát quy trình cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý; giấy chứng nhận của cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu.
Thục Quyên
Theo Phạm Tuyên
Link gốc: https://tienphong.vn/nhieu-doanh-nghiep-ban-xang-le-nguy-co-dong-cua-post1508195.tpo