Người nhập cư vào TP.HCM giảm mạnh, ‘thủ phủ nhà trọ’ thưa vắng người thuê

'Thủ phủ nhà trọ' cho lao động nghèo nay loe hoe người ở. Có dãy trọ trống hơn một nửa phòng, treo bảng cho thuê cả năm không ai tới hỏi.

Thủ phủ nhà trọ” của TP.HCM đìu hiu trong một tối trung tuần tháng 10. Nằm gần Công ty Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân), đây là nơi “tạm trú” của rất nhiều công nhân và một số lao động tự do. Giá thuê phòng dao động từ vài trăm nghìn đến 4 triệu đồng

Theo ông Phạm Chánh Trung – chi cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, từ năm 2021, sau đại dịch COVID-19, lần đầu tiên TP.HCM chứng kiến số lượng suy giảm về người nhập cư.

Năm 2023, tỉ lệ người nhập cư chỉ còn 0,67%, tương ứng số lượng người nhập cư chỉ khoảng 65.000 người. Ông Trung đánh giá lần đầu tiên TP.HCM không còn là điểm đến lý tưởng của người nhập cư từ các tỉnh thành.

Không chỉ biểu hiện bằng con số, thực trạng này còn được minh chứng rõ nét bởi cảnh đìu hiu, vắng vẻ ở những xóm trọ cho lao động nghèo. Người thuê nhà lần lượt trả phòng về quê, chủ nhà treo bảng “cho thuê phòng” cả năm không ai tới hỏi.

Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online tối 15-10, trong con hẻm trên đường số 5 (phường Tân Tạo A, quận Bình Tân) – nơi vốn được xem là “thủ phủ nhà trọ” của TP.HCM, đập vào mắt là hàng chục tấm bảng thông báo còn phòng trống kèm số điện thoại liên hệ.

Hỏi thăm vài chủ trọ và người thuê, ai nấy đều lắc đầu ngao ngán. Họ cho hay cảnh xóm trọ vắng hoe đã bắt đầu từ sau đại dịch, đến nay ngày càng nhiều người trả phòng. Có dãy trọ 28 phòng mà chỉ 10 phòng có người thuê, có dãy 21 phòng thì có tới 13 phòng trống…

Một số hình ảnh vắng vẻ nơi “thủ phủ nhà trọ” của TP.HCM:

Người nhập cư vào TP.HCM giảm mạnh, xóm trọ nghèo trống hơn nửa phòng - Ảnh 2.

Chia sẻ với phóng viên, chủ dãy trọ này cho biết từ sau dịch COVID-19, người thuê trả phòng ngày càng nhiều, trong khi người đến hỏi thuê thì gần như không có. Dãy trọ của chị 21 phòng nhưng hiện chỉ 8 phòng có người ở. Phải gồng gánh nhiều chi phí, chủ nhà như chị rơi vào cảnh dở khóc dở cười

Người nhập cư vào TP.HCM giảm mạnh, xóm trọ nghèo hơn nửa phòng trống trơn - Ảnh 3.

Dãy trọ đầu hẻm treo bảng còn phòng, giá thuê tầng trệt 900.000 đồng, trên lầu 750.000 đồng. Song bà Thủy (61 tuổi, quản lý dãy trọ) cho biết chủ nhà sẵn sàng giảm giá cho ai tới hỏi thuê. “Cả năm nay, người dọn ra liên tục nhưng người tới thuê không có, dãy trọ chỉ 12 phòng mà không lúc nào đầy đủ”, bà Thủy kể

Người nhập cư vào TP.HCM giảm mạnh, xóm trọ nghèo trống hơn nửa phòng - Ảnh 4.

Chị Đẹp (35 tuổi, quê Đồng Tháp) sống trong căn phòng trọ vài m2 cùng chồng và con nhỏ. Là công nhân Công ty Pouyuen với mức lương hơn 6 triệu đồng, chị kể tháng nào cũng thiếu trước hụt sau. Chứng kiến nhiều người bỏ phố về quê, chị cũng chạnh lòng nhưng vẫn cố bám trụ vì “ở đâu cũng khổ”

Người nhập cư vào TP.HCM giảm mạnh, 'thủ phủ nhà trọ' thưa vắng người thuê - Ảnh 5.

Anh Sơn (42 tuổi, quê Ninh Bình) cho biết đã thuê trọ tại khu vực này từ năm 2007. Cũng là công nhân, thu nhập của anh ở mức 8-9 triệu đồng/tháng. Anh nhận xét tiền trọ không tăng, tiền lương cũng không tăng, nhưng phí sinh hoạt tăng mới chính là lý do khiến nhiều người bỏ phố về quê

Người nhập cư vào TP.HCM giảm mạnh, 'thủ phủ nhà trọ' hơn nửa phòng trống trơn - Ảnh 6.

Một người thuê trọ khác chia sẻ người trả phòng không chỉ về quê mà một số chuyển ra các tỉnh lân cận TP.HCM như Long An, Bình Dương, Đồng Nai… để vào làm ở các khu công nghiệp. “Thu nhập chưa chắc cao hơn nhưng chi phí sống thấp hơn”, người này nói

Năm 2020, TP.HCM đón nhận gần 170.000 – 180.000 dân nhập cư, bổ sung nguồn nhân lực cho TP.HCM. Nhưng đến năm 2023, số lượng người nhập cư chỉ khoảng 65.000 người. Lần đầu tiên, TP.HCM không còn là “miền đất hứa”…

Người nhập cư vào TP.HCM giảm mạnh, xóm trọ nghèo trống hơn nửa phòng - Ảnh 9.

Cách “thủ phủ nhà trọ” hơn 4km, trên đường Lâm Hoành (quận Bình Tân), một dãy nhà trọ cũng hiu hắt ánh đèn với tấm bảng cho thuê phòng trọ

Người nhập cư vào TP.HCM giảm mạnh, xóm trọ nghèo trống hơn nửa phòng - Ảnh 10.

Với những người còn ở lại, mong ước về một cuộc sống khá khẩm nơi đô thị xa hoa như ngày mới đặt chân lên Sài Gòn ít nhiều đã thuyên giảm. Như tâm sự của bà Thủy, chị Đẹp hay anh Sơn, họ đều bám trụ lại xóm trọ nghèo ở TP.HCM đến chừng nào hay chừng đó bởi về quê cũng vậy…

Theo: Phương Nhi

Nguồn: tuoitre.vn