Nghệ An: Xây dựng hệ sinh thái công nghiệp xanh thân thiện với môi trường
Bình quân 03 năm (2021 – 2023), tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp tỉnh Nghệ An bình quân đạt 11,18%; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 10,62%.
Theo báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 23/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030 tỉnh Nghệ An đã đạt được những kết quả nhất định. Công tác xây dựng quy hoạch, xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án triển khai Nghị quyết số 07 nhìn chung được ban hành kịp thời và thực hiện hiệu quả. Hệ thống cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được tập trung chỉ đạo rà soát xây dựng, bổ sung góp phần khuyến khích, thúc đẩy đầu tư sản xuất kinh doanh.
Trong 03 năm (2021 – 2023), bình quân tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt 11,18%. Mục tiêu đến năm 2025 đạt 13,5-14,5%. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 10,62%. Mục tiêu đến năm 2025 đạt 16,5-17,5%. Có thể thấy hệ thống hạ tầng thiết yếu Khu kinh tế Đông Nam, hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp (như VSIP, WHA, Hoàng Mai I) được đầu tư nhanh và đồng bộ. Hoạt động thu hút doanh nghiệp đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp đạt được những kết quả tích cực.
Qua đó, thu hút đầu tư đạt được những thành tựu đáng kể; trong hai năm liên tiếp (2022 và 2023), Nghệ An là một trong 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước (năm 2023 thuộc nhóm 8 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước). Tỉnh đã thu hút một số dự án có quy mô lớn như: Luxshare-ICT, Everwin Precision, Goertek Vina, Juteng, Foxconn, YoungJin… từng bước hình thành trung tâm sản xuất sản phẩm điện tử, thiết bị công nghệ thuộc chuỗi cung ứng toàn cầu tại khu vực Bắc Trung bộ.
Công nghiệp nông thôn tiếp tục phát triển sôi động, nhiều sản phẩm của các làng nghề tiểu thủ công nghiệp, từ các cơ sở công nghiệp nông thôn được bình chọn đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP; tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, đóng góp tích cực vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Tỷ trọng cơ cấu ngành công nghiệp trong tổng sản phẩm (GRDP) đến năm 2023 chiếm 17,38%. Cơ cấu nội ngành công nghiệp có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao và kim ngạch xuất khẩu lớn, giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác…
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung, trong 02 năm 2022-2023 hậu đại dịch Covid-19 cùng với suy thoái kinh tế toàn cầu đã làm giảm nhu cầu sản xuất, giảm các đơn hàng xuất khẩu. Trong bối cảnh đó, việc duy trì được mức tăng trưởng giá trị công nghiệp hơn 11% là kết quả tích cực. Việc đạt mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết số 07 trong hai năm tới là rất khả quan, bởi trong thời gian qua, thu hút các dự án FDI của tỉnh là rất tốt. Trong năm nay và năm tới, nhiều dự án FDI sẽ đi vào hoạt động nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành, các địa phương, đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp đã được đề ra trong Nghị quyết số 07 để đạt các mục tiêu, chỉ tiêu.
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, đồng chí Thái Thanh Quý đánh giá: Giai đoạn vừa qua có rất nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu, những kết quả đạt được là hết sức tích cực. Điều đáng mừng trong những năm gần đây tỉnh đã chuẩn bị tốt các điều kiện để thu hút đầu tư.
Tuy nhiên trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy lưu ý cần tập trung nguồn lực để mở rộng các khu công nghiệp và mở rộng Khu kinh tế Đông Nam. Đồng thời cần phải xây dựng hệ tiêu chí ưu tiên thu hút đầu tư trong điều kiện quỹ đất dần bị thu hẹp, nhất là thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp VSIP, WHA, Hoàng Mai I. Hạn chế tối đa việc bố trí các cơ sở sản xuất công nghiệp nằm rải rác hoặc xen dắm trong khu dân cư, cần thu hút đầu tư dự án vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế. Cùng với đó, quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp.
Quan điểm của tỉnh Nghệ An là phát triển bền vững, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp xanh thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, cần quan tâm thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với các làng nghề để đảm bảo đúng quy hoạch, đảm bảo môi trường và nâng cao giá trị sản xuất.
Tác giả: Tuấn Quỳnh
Nguồn: kinhtemoitruong.vn