Nghệ An “stop” các dự án chậm tiến độ, không khả thi

Câu chuyện xử lý các dự án chậm tiến độ vẫn đang là “bài toán” khó giải đối với tỉnh Nghệ An khi số liệu về những dự án kiểu như thế này trong mấy năm liên tục được nhắc tới…

Mới đây, tỉnh Nghệ An đã yêu cầu chấm dứt hoạt động đối với nhiều dự án “treo”, chậm tiến độ trên địa bàn. Đây được xem là một động thái hết sức quyết liệt của lãnh đạo tỉnh nhằm xóa bỏ triệt để những “điểm đen” trong quy hoạch, tránh lãng phí nguồn lực của địa phương.

“Bài toán” khó giải?

Thực trạng trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện đang tồn tại loạt dự án “treo”, chậm tiến độ, gây ra sự lãng phí nguồn tài nguyên đất đai cùng nhiều hệ lụy rất lớn sau đó đang là thực trạng tồn tại lâu nay trên địa bàn. Mặc dù đây không phải là vấn đề mới nhưng lại được dư luận, người dân địa phương rất quan tâm và thường là đề tài “nóng” trong mỗi kỳ họp hội đồng.

Tuy nhiên, trên thực tế câu chuyện xử lý các dự án chậm tiến độ vẫn đang là “bài toán” khó giải đối với tỉnh Nghệ An khi số liệu về những dự án kiểu như thế này trong mấy năm gần qua đều không mấy thuyên giảm.

Theo thống kê, tính đến tháng 8/2023, năm nay tỉnh Nghệ An đã cấp mới cho 10 dự án với tổng vốn đầu tư 4.263,7 tỷ đồng; điều chỉnh 15 lượt dự án, trong đó 2 lượt dự án điều chỉnh vốn tăng 18,9 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều dự án lớn, quy mô lên đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng trên diện tích quy hoạch sử dụng đất hàng trăm ha.

Dự án khu đô thị Đồng Dâu kết hợp nhà ở cho người có thu nhập thấp do Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Đại Huệ đến nay vẫn chưa hoàn thiện theo tiến độ đặt ra

Điều này đã tạo cơ hội cho Nghệ An sớm “nâng cấp” đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa, hiện đại hóa; vươn lên trở thành tỉnh có nền kinh tế trọng điểm, là một trong những động lực tăng trưởng của vùng Bắc Trung bộ nói riêng, cả nước nói chung.

Cũng phải nhìn nhận thực tế rằng, song song với việc thu hút đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư cho các dự án mới thì tiến độ thực hiện dự án của các chủ đầu tư như thế nào là vấn đề cần được tỉnh quan tâm, xử lý quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa.

Bởi lẽ, thực tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện nay, vẫn còn tồn tại rất nhiều dự án chậm tiến độ, không khả thi, gây lãng phí nguồn lực đất đai của địa phương cũng như đem đến nhiều hệ lụy sau đó khiến cho người dân và dư luận rất bức xúc.

Kiên quyết xóa sổ “điểm đen” quy hoạch

Nắm bắt thực trạng trên, ngày 12/9, UBND tỉnh Nghệ An đã có công văn số 2842/QĐ.UBND quyết định phê duyệt kết quả kiểm tra của đoàn kiểm tra liên ngành năm 20222 về việc kiểm tra các dự án đầu tư trên địa bàn đợt 2. Trong đó, nêu rõ quyết định chấm dứt hoạt động, hủy bỏ các văn bản pháp lý có liên quan đối với 7 dự án vì lý do chậm tiến độ, đến nay nhà đầu tư chưa thực hiện ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án, chưa hoàn thành các thủ tục tiếp theo để triển khai thực hiện dự án…

Cụ thể, các dự án “treo” bị tỉnh nhấn nút “stop”, dừng hoạt động lần này, bao gồm: Dự án Trường mầm non quốc tế Kids House ở phường Quán Bàu (TP Vinh), do Công ty TNHH Đầu tư giáo dục và giải trí Tuổi Thơ làm chủ đầu tư; Dự án mở rộng Nhà máy cấu kiện bê tông đúc sẵn và các sản phẩm bê tông dự ứng lực tại xã Nam Giang (huyện Nam Đàn), do Công ty TNHH Hòa Hiệp làm chủ đầu tư; Dự án Cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng tại xã Diễn Phúc (huyện Diễn Châu), do Công ty CP Đầu tư DV&TM Hân Châu làm chủ đầu tư; Dự án Khu nhà hàng, khách sạn ở xã Đông Hiếu (TX Thái Hòa), do Công ty TNHH Phú Hà An làm chủ đầu tư.

Không dừng lại ở đó, một số dự án chậm tiến độ, chây ì triển khai thực hiện khác cũng bị liệt vào danh mục này, đơn cử như: Dự án Nhà máy sản xuất và chế biến quặng vàng gốc ở xã Châu Hạnh (huyện Quỳ Châu), do Công ty CP Tập đoàn khoáng sản Á Cường và Công ty CP Đô Linh làm chủ đầu tư; Dự án Đầu tư thí điểm trạm xử lý rác thải sinh hoạt quy mô nhỏ ở xã Châu Hội (huyện Quỳ Châu), do Công ty CP Tập đoàn công nghệ T-tech Việt Nam làm chủ đầu tư; Nhà máy sản xuất ngói lợp (đất sét nung công nghệ cao), do Công ty TNHH An Trạch Sơn làm chủ đầu tư. Địa điểm thực hiện Cụm công nghiệp Thượng Sơn, huyện Đô Lương.

Khu đất hơn 41 ha của Dự án Đại học Công nghệ Vạn Xuân ở TX. Cửa Lò đã bị thu hồi do chậm tiến độ kéo dài

Cũng tại quyết định số 2842, UBND tỉnh Nghệ An đã giao trách nhiệm cho Sở KH&ĐT phải thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động dự án, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có) theo quy định của pháp luật. Đồng thời, chủ động liên hệ, thông báo cho các chủ đầu tư biết về việc chấm dứt hoạt động, hủy bỏ các văn bản pháp lý có liên quan đối với các dự án; thông báo trên trang thông tin điện tử của Sở KH&ĐT và của tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh cũng đề nghị sở này chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, UBND cấp huyện và các cơ quan liên quan, tham mưu, xử lý đối với các dự án đã ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật.

Liên quan đến vấn đề trên, ngoài các sở ngành liên quan, lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu UBND cấp huyện, nơi có các dự án bị chấm dứt hoạt động nêu trên phải thực hiện nghiêm túc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước, nhất là quản lý chặt chẽ các phần đất đã giải phóng mặt bằng mà nhà nước thu hồi nếu có…

Đây được xem là một trong những động thái thể hiện sự quyết liệt từ phía những người đứng đầu tỉnh Nghệ An nhằm nhằm giải quyết dứt điểm những “điểm đen” trong quy hoạch, tránh lãng phí nguồn lực của địa phương cũng như giảm thiểu những hệ lụy về sau.

Vậy nhưng, những người đứng đầu tỉnh cũng cần phải thẳng thắn xem xét lại nguồn cơn do đâu mà “vấn nạn” dự án “treo”, dự án chậm tiến độ mãi không được giải quyết triệt để?

Phải chăng, ngoài những nguyên nhân khách quan thì trách nhiệm của các đơn vị tham mưu trong việc thực hiện công tác chuyên môn cũng cần phải xem xét lại một cách kỹ càng, cụ thể. Bởi lẽ, nếu đơn vị tham mưu thực hiện tốt các dự báo đánh giá về tính khả thi của dự án, các biến động của nền kinh tế, năng lực, tiềm lực tài chính ứng phó của nhà đầu tư thì sẽ giảm thiểu rất nhiều khả năng xảy ra biến cố… chậm tiến độ!.

Tác giả: Hồng Quang

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn