Nghệ An: Nỗi lo “vàng thau lẫn lộn” hàng hóa dịp cận Tết
Hoạt động buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ ở Nghệ An đang trở nên phức tạp, khó lường trong thời điểm cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024…
Giai đoạn từ đầu năm đến nay, khi mà nhu cầu tiêu dùng tăng cao thì cũng là lúc các loại hàng hóa giả nhãn mác thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài thâm nhập mạnh vào thị trường Nghệ An. Điều này đã dấy lên sự lo ngại trong giới kinh doanh làm ăn chân chính cũng như gây thất thoát nguồn thu ngân sách của địa phương.
Có dấu hiệu gia tăng…
Dẫn thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Nghệ An được biết, vào ngày 8/1/2024, Đội QLTT số 6 tiến hành kiểm tra một cửa hàng kinh doanh trên địa bàn phường Hòa Hiếu, TX Thái Hòa; qua đó, phát hiện chủ cơ sở này đang bày bán 12 đôi giày thể thao mang nhãn hiệu Nike có dấu hiệu giả mạo.
Tại thời điểm kiển tra, chủ cửa hàng kinh doanh đã không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, giấy tờ liên quan để chứng minh nguồn gốc của số hàng hóa nêu trên. Bởi vậy, Đội QLTT số 6 đã lập biên bản tạm giữ, niêm phong toàn bộ tang vật để tiếp tục xác minh, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Hay như vụ việc bán hàng mỹ phẩm trên sàn thương mại điện tử nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ thông báo với Bộ Công thương theo quy định hiện hành bị các đơn vị chức năng TP Vinh, tỉnh Nghệ An phát hiện, xử lý vào trung tuần tháng 1/2024 vừa qua.
Cụ thể, vào ngày 16/1, Đội QLTT số 11 đã phối hợp với Công an TP Vinh, kiểm tra cơ sở kinh doanh mỹ phẩm do ông L.Q.T., có địa chỉ tại đường Lê Hồng Phong, TP Vinh, tỉnh Nghệ An làm chủ. Cơ sở kinh doanh của ông T. đang vận hành một website thương mại điện tử bán hàng có giỏ hàng trực tuyến để đăng bán các sản phẩm mỹ phẩm chưa thực hiện nghĩa vụ thông báo với Bộ Công thương theo quy định. Do vậy, cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính 15 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng vi phạm…
Điểm trên đó chỉ là 2 trong số hàng loạt vụ vi phạm bị các đơn vị chức năng tỉnh Nghệ An phát hiện, xử lý trong tháng 1 vừa qua. Từ đó, có thể thấy, tình trạng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh chung và niềm tin của người tiêu dùng.
Trên thực tế, chúng ta cũng có thể dễ dàng nhận ra trên khắp các trục đường trung tâm TP Vinh trong những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 này, đó là các cửa hàng quần áo, giày dép, shop thời trang trở nên nhộn nhịp, sôi động hơn hẳn.
Tuy nhiên, qua quan sát nhanh, PV nhận thấy các loại mặt hàng đa phần đều được bày bán gắn mác nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới như: Adidas, Louis Vuitton, Gucci,… với giá tiền rẻ hơn nhiều so với hàng chính hãng khi chỉ rơi vào khoảng từ 200.000 – 1.000.000 đồng/chiếc.
Điều đáng nói ở đây, mặc dù khách hàng biết là “dởm”, kém chất lượng nhưng vẫn mua mặt hàng này. Bởi lẽ, khách hàng cho rằng, để sở hữu 1 chiếc áo hàng hiệu quá nhiều tiền, trong khi chỉ mấy trăm ngàn là đã thỏa mãn được nhu cầu tiêu dùng của mình.
Chia sẻ với PV, chị Cao Thị Thùy Dung (35 tuổi, trú tại xã Nghi Phú, TP Vinh, tỉnh Nghệ An) cho biết: Hiện nay, đa phần các thương hiệu nổi tiếng đều bị làm giả và xuất hiện tràn lan trên thị trường. Nhiều món hàng được làm giả nhãn mác một cách tinh vi với hình dạng hết sức đa dạng, bắt mắt cùng giá cả phải chăng nên dễ qua mắt được khách hàng.
Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, để ngăn chặn vấn nạn trên, trước hết các đơn vị chức năng liên quan cần tăng cường kiểm tra việc sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vào những này còn lại của năm cũ âm lịch. Đồng thời, tiếp tục kiểm tra, kiểm soát triệt để vấn đề chấp hành pháp luật thương mại trên thị trường của các đơn vị sản xuất và kinh doanh.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát
Nhận định về thị trường hàng hóa hiện nay, một lãnh đạo của Cục QLTT tỉnh Nghệ An cho biết, thời điểm cận Tết Nguyên đán, hàng hóa cung cấp từ các nơi về địa bàn tỉnh Nghệ An khá nhiều và đây cũng là thời điểm các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái trở nên phức tạp.
“Các hành vi vi phạm chủ yếu vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm. Đáng chú ý là các hoạt động lợi dụng thương mại điện tử, các trang mạng xã hội facebook, zalo để kinh doanh các loại hàng hóa nhập lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ” – vị lãnh đạo này thông tin.
Do vậy, Cục QLTT tỉnh Nghệ An khuyến cáo người dân, nếu phát hiện các cửa hàng, bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, kém chất lượng thì phải báo ngay cho lực lượng QLTT để ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Liên quan đến vấn đề này, vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành Kế hoạch số 10/KH-UBND ngày 8/1/2024 về việc “Tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024”.
Trong đó, yêu cầu các cơ quan ban, ngành liên quan tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đầu cơ găm hàng, niêm yết giá, thương mại điện tử, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng…
Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh như: Vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại.
Kiểm tra các loại hàng hóa vi phạm về hàng cấm nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm về an toàn thực phẩm và các loại hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm tiêu dùng hàng ngày có nhu cầu tăng trong dịp Tết.
Đặc biệt, lực lượng QLTT cần phối hợp, trao đổi thông tin với các lực lượng chức năng khác như: Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Thanh tra chuyên ngành để tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại tại các khu vực biên giới, cảng biển, cảng hàng không, kho hàng, điểm tập kết hàng hóa và thị trường nội địa.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Công Thương tập trung theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu, hàng hóa có nhu cầu cao hoặc có biến động nhiều về giá trên địa bàn, để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng về biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường…