Nghệ An: Nghiêm cấm các hành vi tiêu cực trong thực hiện quy trình thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy
UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành văn bản yêu cầu các Sở, ban, ngành địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy trong đầu tư xây dựng.
Theo đó, ngày 7/12, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Công văn số 10444/UBND-NC, về việc triển khai Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới.
Tại Công văn số 10444, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã coi trọng công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, thực chất các văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; tăng cường kiểm tra, đánh giá tình hình, kết quả triển khai thực hiện, nhất là ở cơ sở, không để tình trạng xảy ra vụ cháy, nổ mới quan tâm đến công tác này.
Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của chính quyền các cấp về phòng cháy, chữa cháy, xây dựng, điện lực, kịp thời khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót, nhất là ở cơ sở. Xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có) theo đúng quy định pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nguồn lực xã hội cho việc phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng, hậu cần đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trong tình hình mới, trong đó tập trung nâng cao năng lực của lực lượng phòng cháy, chữa cháy; củng cố các lực lượng tại khu dân cư, cơ sở; làm tốt công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch hạ tầng (giao thông, nguồn nước…); xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các lực lượng làm nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
UBND tỉnh Nghệ An giao Công an tỉnh chủ trì, tham mưu tiếp tục triển khai quyết liệt công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ nhằm ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt xảy ra cháy gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó, tập trung hoàn thành tổng rà soát, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy, tham mưu các giải pháp trước mắt và lâu dài bảo đảm hạn chế cháy, nổ và giảm thiểu tối đa thiệt hại, hậu quả do cháy, nổ gây ra (hoàn thành trước ngày 31/12/2023). Thực hiện nghiêm quy trình, quy chế thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy, kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên tinh thần công khai, minh bạch, không gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; nghiêm cấm các hành vi tiêu cực trong công tác này.
Sở Xây dựng tăng cường tham mưu, chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc việc quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, trật tự xây dựng trên địa bàn. Chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh phối hợp với Bộ Xây dựng, tổ chức thanh tra toàn diện hoạt động quản lý xây dựng nhà riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật (thực hiện khi có chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Xây dựng). Tham mưu triển khai thực hiện quy định về cấp nước phòng cháy, chữa cháy khi lập quy hoạch, dự án xây dựng mới hoặc cải tạo đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; ưu tiên mọi nguồn nước sử dụng cho phòng cháy, chữa cháy.
Sở Văn hóa và Thể thao thường xuyên theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, thị xã kiểm soát chặt chẽ các điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật trước khi cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường và rút giấy phép kinh doanh ngay đối với các cơ sở không đủ điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự theo kiến nghị của ngành Công an hoặc các cơ quan có thẩm quyền.
Sở Công Thương chỉ đạo đơn vị điện lực tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn về an toàn phòng cháy, chữa cháy trong sử dụng điện; thực hiện tổng rà soát, kiểm tra an toàn trong lắp đặt, sử dụng điện đối với các công trình, cơ sở, hộ gia đình, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Sở Giáo dục và Đào tạo khẩn trương triển khai thực hiện lồng ghép, tích hợp nội dung, kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ vào chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm trong cơ sở giáo dục theo quy định. Đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho học sinh, sinh viên phù hợp với lứa tuổi.
Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí, hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh tăng cường tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao ý thức phòng ngừa, kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn của người dân…
Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam tăng cường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan, ban, ngành trong công tác cấp phép, kiểm tra, giám sát nắm tình hình đối với các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, các đơn vị quản lý khu công nghiệp và các doanh nghiệp đầu tư thứ cấp trong khu công nghiệp, đặc biệt là việc chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy trong đầu tư xây dựng.
UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các đơn vị liên quan, chủ công, nòng cốt là Công an cấp huyện và UBND cấp xã triển khai quyết liệt, hiệu quả các mặt công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, trong đó tiếp tục xây dựng và duy trì hoạt động có hiệu quả các mô hình đảm bảo an toàn về cháy, nổ, cứu nạn cứu hộ tại các khu dân cư, hộ gia đình, các địa bàn cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao. Tăng cường phổ biến kiến thức, tập huấn kỹ năng an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, thoát nạn cho người dân, trong năm 2023, hoàn thành chỉ tiêu trên toàn tỉnh mỗi hộ gia đình phải có ít nhất 01 người được tập huấn kỹ năng chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, 100% người làm nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy phải được tổ chức tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ theo quy định của pháp luật. Vận động mỗi hộ gia đình trang bị tối thiểu 01 bình chữa cháy. 100% các cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy phải bảo đảm đầy đủ các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy và chuẩn bị các phương tiện cần thiết để sẵn sàng chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tại chỗ, ngay từ cơ sở (hoàn thành trước ngày 31/12/2023).
Đồng thời, gắn trách nhiệm của từng chủ thể trên địa bàn quản lý trong thực hiện công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ để có biện pháp kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm nếu xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng trên địa bàn. Theo dõi, đôn đốc các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp và đơn vị được UBND cấp huyện giao quản lý các cụm công nghiệp, các chủ đầu tư hoạt động trong các cụm công nghiệp khắc phục đầy đủ các tồn tại và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy trong đầu tư xây dựng và trong quá trình hoạt động.