Nghệ An: Dự án cảng biển Đông Hồi bị “tắc” do đâu?
Hơn một thập kỷ trôi qua, dự án xây dựng cảng biển Đông Hồi ở xã Quỳnh Lập, TX Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An vẫn “dậm chân tại chỗ”, chưa thể triển khai thực hiện.
Nguyên nhân được chỉ ra, đó là bởi nguồn vốn huy động đầu tư quá lớn, lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng; do vậy, những năm qua, tỉnh Nghệ An loay hoay trong việc tìm kiếm các nhà đầu tư để xây dựng dự án.
Hơn 1 thập kỷ mòn mỏi chờ đợi…
Qua tìm hiểu PV được biết, cách đây hơn 12 năm về trước, cảng biển Đông Hồi được phê duyệt quy hoạch chi tiết là cảng chuyên dùng phục vụ nhu cầu xuất nhập hàng hóa cho nhà máy nhiệt điện, nhà máy thép, vật liệu xây dựng trong Khu công nghiệp Đông Hồi và vùng lân cận.
Khu bến cảng có diện tích rộng 1.096,7ha, bao gồm cả phần diện tích xây dựng trên đất liền và diện tích xây dựng trên mặt nước; với tổng kinh phí dự toán giai đoạn từ năm 2009 – 2015 là 10.574 tỷ đồng, giai đoạn đến năm 2020 là 16.555 tỷ đồng, trong đó có hạng mục đê chắn sóng và luồng tàu. Việc xây dựng dự án chủ yếu sử dụng nguồn vốn tự huy động của chủ đầu tư Khu công nghiệp Đông Hồi, các cơ quan, doanh nghiệp tham gia đầu tư, hoạt động tại khu công nghiệp cùng các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
Theo quy hoạch, khu bến cảng Đông Hồi sẽ được chia thành 4 phân khu chức năng, bao gồm: Bến cảng nhà máy nhiệt điện, bến cảng nhà máy thép, bến cảng xi măng, vật liệu xây dựng và các khu chức năng khác. Trong số đó, kinh phí đầu tư dành cho khu bến cảng xi măng chiếm phần lớn, gần 8.000 tỷ đồng. Dự kiến sau khi hoàn thành, khu bến cảng Đông Hồi sẽ đáp ứng nhu cầu xây dựng 19 bến cảng chuyên dùng liền bờ với tổng chiều dài 4.450m cho tàu trọng tải đến 50.000 DWT, thông qua lượng hàng 5,8 -7 triệu tấn/năm.
Lý thuyết là vậy, thế nhưng thực tế mà PV ghi nhận được vào đầu tháng 12 vừa qua lại hoàn toàn trái ngược. Bởi gần như tất cả các hạng mục của dự án vẫn chưa được triển khai thi công thực hiện.
Cụ thể, phần diện tích ngoài mặt nước, hệ thống hạ tầng kỹ thuật dùng chung như đê chắn sóng, luồng tàu, các cầu cảng vẫn chưa có. Trong khi đó, trên đất liền chỉ có mỗi tuyến đường nối từ Quốc lộ 48D (hay con gọi là đường 36) dài khoảng 400m; còn các hạng mục công trình phụ trợ như: Cổng cảng, nhà điều hành, hệ thống kho, bãi, nhà để xe, hệ thống phòng cháy, chữa chãy… mới chỉ được “phác họa” trên giấy chứ chưa được xây dựng.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Thủy ở xã Quỳnh Lập, TX Hoàng Mai cho biết: “Thời điểm trước, khi nghe thông tin sắp có dự án bến cảng tại đây, người dân chúng tôi, ai ai cũng rất vui mừng, phấn khởi. Bởi vì khi có khu bến cảng sẽ kéo theo các ngành công nghiệp, dịch vụ khác phát triển; đời sống của người dân địa phương cũng từ đó được nâng lên, cải thiện đáng kể. Thế nhưng, đến nay đã hơn một thập kỷ trôi qua, chúng tôi vẫn chưa thấy cảng đâu”.
Không chỉ là sự mong mỏi, thiết tha của người dân, chính quyền địa phương cũng rất muốn dự án được sớm triển khai. Ông Nguyễn Văn Nho – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lập, TX Hoàng Mai chia sẻ: Trong 12 năm qua, tại các cuộc tiếp xúc cử tri hay họp hội đồng nhân dân, có rất nhiều ý kiến phản ánh thời gian quy hoạch cảng Đông Hồi quá dài mà vẫn chưa triển khai, ảnh hưởng tới đời sống kinh tế, sinh hoạt của nhân dân. Do vậy, chúng tôi rất mong dự án sớm được triển khai; còn nếu không thì cũng phải có phương án khác để người dân địa phương ổn định cuộc sống.
Lý giải nguyên nhân
Qua tìm hiểu được biết, sau khi có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết, đã có các nhà đầu tư đăng ký nghiên cứu đầu tư xây dựng các bến cảng phục vụ các nhà máy tại Khu bến cảng Đông Hồi. Điển hình như: Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, với quy mô 4 bến; Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam, 10 bến; Công ty TNHH Thanh Thành Đạt, 1 bến…
Thế nhưng, các dự án đều bị trì trệ trong việc triển khai đầu tư xây dựng do chưa có nhà đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật dùng chung cho cả Khu bến cảng. Đơn cử như việc đầu tư xây dựng đê chắn sóng và luồng tàu vào cảng. Đây là một dự án bước đầu, rất quan trọng nhằm đảm bảo an toàn cho các công trình bến cảng trong điều kiện sóng gió do bão và duy trì sự tĩnh lặng của bể cảng Đông Hồi, đáp ứng điều kiện khai thác cho các bến cảng trong khu bến.
Công tác bố trí nguồn vốn cho dự án này gặp khó khăn bởi không nằm trong danh mục dự án ưu tiên đầu tư theo Quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24/6/2014. Trong khi đó, kinh phí thực hiện dự án thì lại rất lớn, lên đến trên 2.600 tỷ đồng.
Liên quan đến vấn đề cảng biển Đông Hồi, ông Phạm Văn Hào – Phó Chủ tịch UBND TX Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An cho biết: Thị xã luôn mong muốn dự án sớm được triển khai nhằm phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng; phục vụ cho sự phát triển kinh tế – xã hội tỉnh nhà. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư cho dự án là rất lớn, vượt quá tầm của địa phương.
“Vừa qua, trong Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có đề cập đến việc phát triển khu vực cảng Đông Hồi. Hiện nay, Bộ KH&ĐT đang xây dựng kế hoạch để triển khai chương trình hành động của Nghị quyết 39. Hy vọng rằng, với sự giúp sức của trung ương, dự án sẽ sớm được triển khai thực hiện”, vị Phó Chủ tịch UBND TX Hoàng Mai cho biết thêm.
Tương tự, đại diện Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An cũng cho biết, cảng Đông Hồi được Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2011, giai đoạn phát triển đến năm 2020. Tuy nhiên, do nguồn lực bị chậm nên dự án chưa thể triển khai từ nhiều năm qua.
“Thời gian vừa qua, tỉnh tập trung cho điều chỉnh quy hoạch tổng thể quốc gia về cảng biển. Hiện, quy hoạch tổng thể quốc gia đã xong, đang tập trung hoàn thành quy hoạch chi tiết nhóm, tức quy hoạch vùng đất, vùng nước… Trên cơ sở đó, địa phương sẽ triển khai lập điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch cảng Đông Hồi để có lộ trình đầu tư, phát triển phù hợp”, vị này thông tin thêm.