Nghệ An: Đất nền hạ nhiệt, nhiều giao dịch bị ‘bỏ cọc’
Sau thời gian đất nền “sốt”, thời điểm này thị trường bất động sản ở địa bàn Nghệ An đã có dấu hiệu hạ nhiệt, nhiều giao dịch đã bị “bỏ cọc”, một số phiên đấu giá đất có ít người tham gia.
Nhiều nhà đầu tư “bỏ cọc”
Tại địa bàn huyện Yên Thành, thời gian trước Tết, thị trường đất nền sôi động, các phiên đấu giá đất đều đông nghịt người tham gia. Tại các vùng thôn quê, nườm nượp từng đoàn người về đua nhau mua bán đất nhưng nay đã giảm rõ rệt, giá đất có dấu hiệu đi ngang.
Anh Trần Văn M. ở xã Nam Thành (huyện Yên Thành) cho biết: Hồi năm 2020 tôi có đầu tư 4 lô đất nền ở các xã, đợt tháng 3/2022 có khách trả chênh mỗi lô 500 triệu đồng nhưng không bán vì kỳ vọng giá sẽ tiếp tục tăng. Thời gian gần đây muốn bán nhưng cũng không “thoát” được hàng!
Một người chuyên làm nghề môi giới đất ở Yên Thành cho biết: Thời gian gần đây số lượng cuộc gọi, tin nhắn đưa đi xem đất giảm rõ rệt, thậm chí nhiều người còn bỏ, rút tiền cọc, không giao dịch. Một số xã trên địa bàn huyện Yên Thành, các phiên đấu giá đất thành công nhưng vẫn lo các nhà đầu tư “bỏ cọc” bởi đấu giá đất vẫn còn cao. Như tại các xã Xuân Thành, Long Thành, Hoa Thành đất sau trúng đấu giá đạt từ 1,5 – 2 tỷ đồng.
Cũng nằm trong tình trạng trên, địa bàn huyện Diễn Châu, thị trường bất động sản vốn rất sôi động thì nay thoắt bỗng ảm đạm. Theo một số người làm nghề môi giới, mấy tuần nay người đi xem các dự án bất động sản trên địa bàn Diễn Châu vắng hẳn, một số người trước đó “cọc” đất nhưng nay xin rút.
Đối với đất nền ở các xã cũng vắng khách giao dịch, một số giao dịch mua đi bán lại cũng bị “bỏ cọc”. Anh Nguyễn Nam M. ở xã Diễn Ngọc chia sẻ: Cách đây hơn 1 tháng, tôi đặt cọc mua lô đất ở Diễn Lợi 2,3 tỷ đồng, qua 20 ngày chờ bán lướt mà không ai hỏi nên tôi phải “bỏ cọc” mất 100 triệu đồng, còn hơn là phải gánh lãi tiền vay ngân hàng 2,3 tỷ đồng.
Qua tìm hiểu cho thấy, với những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, đầu tư bằng vốn tự có thì không bán cắt lỗ, giảm giá trong thời gian này. Tuy nhiên trong trường hợp nhiều người phải vay ngân hàng nhưng đang bị “chôn” vốn tại bất động sản, muốn bán cắt lỗ nhưng cũng rất khó.
Tình trạng bỏ cọc cũng một phần bởi giá khởi điểm đấu giá đất ở một số địa phương quá cao. Như thông báo đấu giá quyền sử dụng đất tại phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai ngày 9/4/2022 đấu 44 lô đất giá khởi điểm thấp nhất 2,5 tỷ đồng, cao nhất trên 4,4 tỷ đồng. Tại xã miền núi Tân Thành (Yên Thành), một số lô đất giá khởi điểm gần 4 tỷ đồng.
Tại địa bàn các huyện Đô Lương, thị xã Hoàng Mai, thời điểm “nóng” các phiên đấu giá sôi nổi, có những lô đất đấu giá cao từ 5,5 đến 6 tỷ đồng. Tuy nhiên theo một số nhà đầu tư thì giá bị đẩy lên “ảo”, với tình trạng đất có dấu hiệu hạ nhiệt, đi ngang như hiện nay các lô đất đó cũng dễ bị “bỏ cọc”.
Siết chặt thị trường bất động sản
Có nhiều nguyên nhân đất nền hạ nhiệt thời gian qua. Trước hết là do các ngân hàng hạn chế tín dụng cho đầu cơ bất động sản. Một số ngân hàng tạm ngưng giải ngân các khoản tín dụng bất động sản dù đã được phê duyệt hồ sơ để rà soát toàn hệ thống, trong khi đó, nhiều địa phương đã tạm dừng giải quyết thủ tục liên quan việc chia tách thửa; đồng thời kiểm soát các hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn.
Các cơ quan chức năng Nghệ An cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý các sàn giao dịch và các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Các sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn tỉnh sẽ phải thực hiện báo cáo định kỳ hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản qua sàn và chịu trách nhiệm về hồ sơ, thông tin cung cấp. Đồng thời, chấn chỉnh các chủ đầu tư của các dự án khu dân cư, khu đô thị chưa đủ điều kiện mở bán nhưng đã chuyển nhượng bán “lúa non” dưới dạng góp vốn.
Cục Thuế Nghệ An tăng cường quản lý đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản của người dân, doanh nghiệp. Các chi cục thuế phối hợp với UBND các huyện, thành phố trong tỉnh quản lý nhằm chống thất thu thuế.
Ông Nguyễn Thế Phiệt – Trưởng phòng Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Nghệ An cho biết thêm: Thời gian qua Chính phủ và các ban, ngành liên quan chấn chỉnh hạn chế tình trạng “sốt đất”. Các cơ quan truyền thông tích cực vào cuộc, nên nhiều người dân không còn tình trạng quay cuồng vào đất, nhà đầu tư thận trọng hơn khi đầu tư bất động sản.
Thời gian tới, Sở Xây dựng tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định pháp luật về đầu tư kinh doanh bất động sản để các doanh nghiệp, người dân biết và chấp hành theo đúng quy định; tiếp tục quán triệt và tham mưu đề xuất cho UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.
Cùng với đó, quản lý tốt các hoạt động giao dịch bất động sản, kiểm soát chặt chẽ các thông tin rao bán, các nội dung quảng bá sai sự thật nhằm trục lợi bất chính; thường xuyên công bố, cập nhật đầy đủ thông tin, tình trạng các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh về các dự án đủ điều kiện đưa bất động sản vào kinh doanh, dự án chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh để người dân kịp thời nắm bắt thông tin thị trường bất động sản.
Theo Văn Trường/Báo Nghệ an
Link gốc: https://baonghean.vn/nghe-an-dat-nen-ha-nhiet-nhieu-giao-dich-bi-bo-coc-306422.html