Nghệ An: Công ty TNHH Cảng Cửa Lò nhận “trát phạt” do vi phạm PCCC
Đưa hạng mục công trình vào sử dụng, hoạt động khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy, Công ty TNHH Cảng Cửa Lò đã bị UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định xử phạt…
Chưa nghiệm thu đã đưa vào hoạt động…
Mới đây, ông Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ký quyết định số 273/QĐ-XPHC về việc xử phạt hành chính đối với Công ty TNHH Cảng Cửa Lò do vi phạm về lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy (PCCC). Dựa theo quy định tại khoản 4, Điều 38 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ, số tiền mà doanh nghiệp này phải nộp phạt là 80 triệu đồng.
Trước đó, ngày 28/11/2023, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Nghệ An đã lập biên bản vi phạm hành chính số 43/BB-VPHC đối với Công ty TNHH Cảng Cửa Lò khi phát hiện đơn vị này vi phạm trong lĩnh vực PCCC.
Cụ thể, cơ quan chức năng phát hiện doanh nghiệp đã đưa các hạng mục: Kho 1, kho 2, kho 3 và nhà văn phòng cao 3 tầng ở phường Nghi Thủy, TX Cửa Lò, tỉnh Nghệ An vào sử dụng, hoạt động khi chưa có văn bản chấp thuận kết của nghiệm thu về PCCC. Biên bản sau đó đã được Công an tỉnh cơ bản thống nhất, báo cáo đề xuất UBND tỉnh Nghệ An xử lý vụ việc.
Trên cơ sở đó cùng các quy định pháp luật liên quan, UBND tỉnh Nghệ An đã ra quyết định xử phạt đối với Công ty TNHH Cảng Cửa Lò với số tiền là 80 triệu đồng. Bên cạnh đó, buộc doanh nghiệp này phải thực hiện việc nghiệm thu về PCCC, quy định tại điểm b, khoản 6, Điều 38 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ.
Được biết, Công ty TNHH Cảng Cửa Lò có địa chỉ tại số 10, đường Trường Thi, TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Quốc Khánh – giám đốc công ty.
Trước đó, thời điểm đầu năm 2023, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã liên tiếp xử phạt hàng loạt doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn về các hành vi vi phạm trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; PCCC&CNCH.
Điển hình như: Vào ngày 7/2/2023, UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định xử phạt Công ty TNHH Xuân Ngọc có địa chỉ tại khối 11, phường Lê Lợi, TP Vinh với số tiền 90 triệu đồng cùng lý do vi phạm đưa công trình vào sử dụng, hoạt động khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt về PCCC.
Theo báo cáo của Cục Thống kê Nghệ An về tình hình cháy, nổ trong năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 113 vụ, tăng 15,31%; làm chết 3 người, giảm 5 người; bị thương 12 người, tăng 5 người; với tổng thiệt hại ước tỉnh khoảng 16,4 tỷ đồng, tăng 6,9 tỷ đồng so với năm 2022.
Cùng ngày, UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục ra quyết định số 42/QĐ-XPHC đối với Công ty CP Kinh doanh Thương mại Á Đông đăng ký kinh doanh ngành nghề chính là cưa, xẻ, bào gỗ và bảo quản gỗ; địa chỉ tại lô số 8, KCN nhỏ Hưng Lộc, xã Hưng Lộc, TP Vinh. Hành vi của đơn vị này là đưa công trình vào sử dụng, hoạt động khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt về PCCC.
Với hành vi trên, công ty bị xử phạt số tiền 90.000 000 đồng theo quy định tại khoản 5, Điều 38 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Ngoài quyết định xử phạt này, UBND tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ việc thẩm duyệt, nghiệm thu PCCC.
Thực hiện nghiêm việc nghiệm thu về PCCC
Qua tìm hiểu của PV, vào ngày 7/12/2023, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Công văn số 10444/UBND-NC về việc triển khai Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới.
Trong nội dung nêu rõ nhiệm vụ cụ thể cho Công an tỉnh, đó là thực hiện nghiêm quy trình, quy chế thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy trên tinh thần công khai, minh bạch, nghiêm cấm các hành vi tiêu cực trong công tác này.
Bên cạnh đó, tham mưu UBND tỉnh làm rõ sai phạm để xử lý kiên quyết, dứt điểm đối với các cơ sở đã rà soát theo Công điện số 825/CĐ-TTg ngày 15/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ, trường hợp có dấu hiệu tội phạm phải chuyển Cơ quan điều tra để xử lý theo quy định.
Liên quan đến vấn đề này, trong bản Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) mới đây cho thấy, có thêm nhiều quy định hoàn toàn mới về việc nghiệm thu, kiểm tra nghiệm thu về PCCC.
Cụ thể, theo khoản 2 Điều 14, Dự thảo Luật PCCC&CNCH, sau khi tổ chức nghiệm thu dự án, công trình thuộc danh mục phải thẩm định thiết kế theo quy định thì chủ đầu tư phải gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý chuyên ngành để kiểm tra kết quả nghiệm thu về PCCC.
Đáng chú ý, doanh nghiệp chỉ được phép đưa hạng mục công trình, công trình đã được xây dựng hoàn thành vào khai thác, sử dụng sau khi được cơ quan quản lý chuyên ngành đã thẩm định thiết kế kiểm tra và cấp văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu.
Trường hợp đưa hạng mục công trình, công trình vào sử dụng, hoạt động khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC, doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 60 – 100 triệu đồng; quy định tại khoản 4 Điều 38 và khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật PCCC&CNCH cũng sửa yêu cầu đối với thiết kế xây dựng công trình phải có giải pháp PCCC. So với khoản 1 Điều 15 Luật PCCC hiện hành, nội dung lập dự án, thiết kế xây dựng công trình phải có giải pháp, thiết kế về phòng cháy và chữa cháy không còn yêu cầu phải có địa điểm xây dựng và dự toán kinh phí cho các hạng mục phòng cháy và chữa cháy.
Ngoài ra, các nội dung về “Hệ thống kỹ thuật an toàn về phòng cháy và chữa cháy”; “Các yêu cầu khác phục vụ phòng cháy và chữa cháy”, được thay thế bằng: “Bậc chịu lửa, giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan”; “Hệ thống chống khói”; “Hệ thống phòng cháy và chữa cháy”…