Không có sự chỉ đạo nào từ các cấp quản lý

Trao đổi với Báo Thanh tra về nội dung có sự tác động nào từ giáo viên, nhà trường hay phòng giáo dục trong việc phụ huynh lựa chọn Bộ sách Thực hành và Phát triển năng lực làm sách bổ trợ trong quá trình học tập của học sinh, bà Hoàng Phương Thảo – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Vinh cho biết, không có chuyện các cấp quản lý thông báo hay gợi ý về quyển sách này.

“Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Vinh thực hiện rất nghiêm túc chỉ thị của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như công văn của sở, ngay bản thân phòng cũng phát hành một văn bản, yêu cầu các nhà trường đặc biệt không được kèm bất kỳ một quyển sách bổ trợ nào theo sách giáo khoa”, bà Thảo khẳng định.

Bà Thảo cũng thông tin thêm, liên quan đến các thông tin Báo Thanh tra đã đề cập, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Vinh đã chỉ đạo đơn vị liên quan kiểm tra tất cả các trường, hầu hết các trường báo về không phải 100% các trường đều sử dụng Bộ sách Thực hành và Phát triển năng lực, mà chỉ chiếm tỉ lệ phần trăm rất ít trong các nhà trường.

Với câu hỏi, bằng cách nào Bộ sách Thực hành và Phát triển năng lực tiếp cận được với phụ huynh, bà Hoàng Phương Thảo thông tin, có nhiều kênh để có thể tiếp cận, hiện nay các nhà xuất bản đầu tư cho hoạt động marketing, quảng cáo rất nhiều.

Đặc biệt, với Bộ sách Thực hành và Phát triển năng lực, tại TP Vinh các điểm bán sách giáo khoa rất nhiều. Có thể phụ huynh đi nhà sách, được giới thiệu, thấy nội dung hay thì về giới thiệu lại cho giáo viên và phụ huynh khác.

Phụ huynh đã lựa chọn quyển sách nào, thì cô phải hướng dẫn theo sách đó. Còn vấn đề có hay không sự liên kết, chỉ đạo từ trên xuống dưới bắt phụ huynh, học sinh phải mua, phải đưa quyển này vào là không có. Nó chỉ là sách bổ trợ như tất cả các sách bổ trợ khác, chỉ giới thiệu cho phụ huynh và phụ huynh tự lựa chọn.

Sẽ chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Trao đổi thêm nội dung liên quan đến thực hiện văn bản chấn chỉnh về việc sử dụng sách giáo khoa, sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn, tong đó, nghiêm cấm việc giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kì hình thức nào của Sở Giáo dục và Đào tạo trước đó, bà Hoàng Phương Thảo khẳng định, phòng đã quán triệt vấn đề này.

“Chỉ đạo thì phòng không chỉ đạo, nhưng tôi cũng không dám chắc chắn rằng tất cả giáo viên của phòng sẽ thực hiện tốt được văn bản. Có thể có một số nào đó. Nếu như có trường hợp vi phạm, thì sẽ không nhân nhượng, cương quyết xử lý theo quy định”, bà Thảo nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Vinh khẳng định thêm, về mặt cá nhân không hề nhận được bất cứ phản ánh, thông tin nào từ giáo viên, phụ huynh, học sinh về sách bổ trợ chưa phù hợp.

Bộ sách Thực hành và Phát triển năng lực đi đúng với hướng phát triển năng lực học sinh

Trong khi đó, trao đổi thêm về việc Bộ sách Thực hành và Phát triển năng lực tiếp cận đến với phụ huynh và học sinh, bà Ngô Thị Nguyệt, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thông tin, hiện nay, gần như trên các trường tại TP Vinh, các ấn phẩm về sách chủ yếu đều qua các công ty sách thiết bị.

Một số phụ huynh thì tự mua, nhưng cũng có nhiều phụ huynh đăng ký mua qua trường, trường làm việc với công ty sách và thiết bị. Cái này nằm trong danh mục bổ trợ, mà đã bổ trợ thì nhà trường thông báo để phụ huynh biết hiện nay cập nhật các tài liệu, vì nếu không nói thì phụ huynh có thể không biết.

“Tức là mình thông báo cho phụ huynh biết là tài liệu đi kèm sách giáo khoa này, tài liệu bổ trợ của bên này, của bên kia. Cái đó, chắc cũng sẽ là bình đẳng như các bộ khác thôi”, bà Nguyệt cho hay.

Nói về thông tin có thẩm định chất lượng Bộ sách Thực hành và Phát triển năng lực hay không? Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP Vinh cho biết, trách nhiệm không thể thẩm định. Nhưng bộ sách này được phát hành từ Công ty Sách và Thiết bị thì khi xuất bản đã được qua thẩm định rồi.

“Trong quá trình sử dụng Bộ sách Thực hành và Phát triển năng lực, phòng có nắm bắt từ phía giáo viên sử dụng, từ phía cán bộ quản lý để xem bộ sách có phù hợp hay không thì có nhiều ý kiến phản hồi cho rằng bộ sách này đi đúng với hướng phát triển năng lực học sinh”, bà Nguyệt ý kiến.

Những vấn đề còn bỏ ngỏ

Như Báo Thanh tra đã đề cập, chương trình tiểu học trên địa bàn TP Vinh đang sử dụng 2 bộ sách vào giảng dạy, bao gồm môn Tiếng Việt sẽ học của Cánh diều (Nhà Xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh), các môn còn lại học của Kết nối tri thức (Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam).

Tuy nhiên, nhiều học sinh không sử dụng vở bài tập của 2 bộ sách trên, mà lại sử dụng bài tập từ Bộ sách Thực hành và Phát triển năng lực do Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản. Sau mỗi quyển sách Thực hành và Phát triển năng lực đều có ghi chú với nội dung: Bạn đọc có thể mua sách tại Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Nghệ An (Công ty Sách Nghệ An).

Được biết, Nghệ An là địa phương hiếm hoi trên cả nước đưa thêm một bộ sách bổ trợ vào các trường tiểu học. Đa số, các địa phương khác khi sử dụng sách giáo khoa Cánh diều sẽ sử dụng luôn sách bổ trợ của Cánh diều, sử dụng sách giáo khoa Kết nối tri thức sẽ sử dụng luôn vở bài tập của Bộ sách Kết nối tri thức.

Cần lưu ý, giá sách của Bộ sách Thực hành và Phát triển năng lực cao hơn khá nhiều với sách bổ trợ đi theo sách giáo khoa, điều này đặt ra nghi vấn có hay không “cái bắt tay” của nhóm lợi ích trong việc sử dụng sách bổ trợ tại các trường tiểu học ở TP Vinh?

Đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Vinh và các cơ quan chức năng làm rõ.

Theo Nhóm Phóng Viên

Nguồn: Thanhtra.com.vn