Nghệ An: Cần quan tâm xây dựng mô hình bán trú kiểu mới ở miền núi
Theo các đại biểu HĐND, huyện miền núi đi lại khó khăn nhưng không có mô hình bán trú, học sinh phải ở trong nhà dân dẫn đến khó quản lý và nảy sinh nhiều hệ lụy.
Tại cuộc thảo luận tổ trong chương trình kỳ hợp thứ 17, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII nhiều đại biểu quan tâm đến các vấn đề liên quan đến giáo dục miền núi.
Theo đại biểu Đinh Hồng Vinh – Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, huyện miền núi cao đi lại khó khăn nhưng không có mô hình bán trú, học sinh phải ở trong trọ ở nhà dân dẫn đến khó quản lý. Từ đó, nảy sinh nhiều vấn đề hệ lụy như: tảo hơn sớm, hôn nhân cận huyết thống cũng như đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Đại biểu này, đề nghị tỉnh, ngành giáo dục quan tâm, kiến nghị xây dựng mô hình trường bán trú kiểu mới trên địa bàn các huyện Con Cuông, Quỳ Châu, Quế Phong đảm bảo điều kiện học tập cho các em học sinh…
Liên quan tới vấn đề giáo dục huyện miền núi Nghệ An, các đại biểu nêu dẫn chứng tại các trường học trên địa bàn huyện Kỳ Sơn còn thiếu thốn cơ sở vật chất, trong đó có 8 phòng học của trường Tiểu học Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn nằm sát với Quốc lộ 7, nằm sát với đường biên giới nước bạn Lào.
Một số đại biểu đề xuất tỉnh và ngành giáo dục quan tâm, đầu tư nâng cấp các cơ sở vật chất đảm bảo an toàn học tập cho các em học sinh tại trường. Ngoài ra, các cấp, ngành, địa phương cũng cần quan tâm chăm sóc các cháu là trẻ em vùng cao, đặc biệt là các cháu có bố mẹ đi làm ăn xa ở các tỉnh phía Nam.
Trong khi đó, đại biểu Moong Văn Tình (Kỳ Sơn) phản ánh, trong điều kiện miền núi khó khăn, tỉnh cần quan tâm tới vấn đề học tập, khôi phục lại chế độ hỗ trợ cho các em học sinh để khích lệ các em học tập tốt hơn. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh ở các huyện miền núi còn diễn ra nhiều nơi, tỉnh cần cơ chế thu hút giáo viên tiếng Anh tại các vùng miền núi của tỉnh.
Về các vấn đề liên quan tới giáo dục, ông Đào Quang Lợi – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, Nghệ An là một trong những tỉnh tiên phong trong cả nước thực hiện mô hình bán trú cho học sinh dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các mô hình trường bán trú ở bậc tiểu học còn nhiều khó khăn, nhất là điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị sinh hoạt.
Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng Dự thảo chế độ hỗ trợ cho các trường THPT dân tộc bán trú kiểu mới. Đây là mô hình chưa có tiền lệ trong cả nước. Dự kiến năm 2024 sẽ trình hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.
Về đề xuất xây dựng, tăng cường cơ sở vật chất cho 8 phòng học của trường Tiểu học Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị Tỉnh hỗ trợ, quan tâm, đầu tư nâng cấp đáp ứng nhu cầu học tập của các em.
Về việc thiếu nguồn giáo viên tiếng Anh, ông Đào Quang Lợi cho biết, trong thời gian qua, tỉnh đã quan tâm tăng chỉ tiêu tuyển sinh giáo viên tiếng Anh và chỉ tiêu giáo viên tại các trường nhưng hiện nay vẫn không đủ nguồn.
Bên cạnh đó, ngành đã vận dụng tổ chức dạy liên trường, dạy liên cấp nhưng về lâu dài thì việc thu hút giáo viên tiếng Anh tại các trường miền núi, trung du vẫn đang là vấn đề khó. Đây cũng là tình trạng chung của cả nước nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng…