Ngành Công Thương Nghệ An: Một năm nhìn lại
2022 đánh dấu một năm đầy nỗ lực của ngành Công Thương Nghệ An khi liên tục phải vượt qua những khó khăn do biến động thị trường.
2022 đánh dấu một năm đầy nỗ lực của ngành Công Thương Nghệ An khi liên tục phải vượt qua những khó khăn do biến động thị trường, ảnh hưởng của dịch Covid-19, bão lũ để gặt hái được thành tựu quan trọng, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế – xã hội chung của địa phương.
Trong tình hình kinh tế Việt Nam nói chung, kinh tế tỉnh Nghệ An nói riêng tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn mà cụ thể là tình hình thời tiết diễn biến bất thường, thiên tai, lũ, lụt, giá cả nguyên, nhiên vật liệu tăng cao… đã ảnh hưởng không nhỏ đến thực hiện kế hoạch phát triển của ngành.
Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của tỉnh Nghệ An và ngành Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả năm 2022 ước tăng 13-14%. Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 19,73%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,05%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 22%. Dự ước giá trị sản xuất công nghiệp năm 2022 đạt khoảng 88.800 tỷ đồng, tăng 14-15% so với năm 2021. Các sản phẩm công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm 2021 như: Than sạch 17 ngàn tấn, tăng 13%; khai thác đá xây dựng 5,6 triệu m3, tăng 10%; xi măng 11 triệu tấn, tăng 25%; linh kiện điện tử 400 triệu sản phẩm, tăng 54%; điện sản xuất 3.900 triệu kWh, tăng 34%; bia các loại tăng 22%… Một số sản phẩm giảm hoặc không đạt kế hoạch như: Bột đá trắng các loại ước đạt 900 ngàn tấn/KH 1.200 ngàn tấn; phân bón đạt 45 ngàn tấn; bao bì ước đạt 62 triệu bao; sợi ước đạt 15.000 tấn; ván MDF và gỗ ghép thanh ước đạt 180 ngàn m3…
Trong năm, hoạt động thương mại trên địa bàn không có nhiều biến động, cung cầu hàng hóa vật tư được đảm bảo. Các chỉ tiêu về thương mại đều vượt kế hoạch. Tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 83.000 tỷ đồng, tăng 24,16% so với năm 2021 và vượt 12,16% kế hoạch đề ra.
Trong điều kiện kinh tế thị trường ngày càng khó khăn, tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi hơn, nhưng ngành Công Thương đã chủ trì phối hợp kiểm tra kiểm soát thị trường, tập trung chống buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, góp phần bình ổn thị trường, bảo vệ quyền lợi cho những nhà sản xuất chân chính và người tiêu dùng.
Xuất khẩu tiếp tục đạt những thành tích rất đáng ghi nhận. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022 ước đạt 2,52 tỷ USD, tăng 3,7% so với năm 2021, vượt 7,2% kế hoạch năm. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 2022 ước đạt 2,17 tỷ USD, tăng 2,6% so với năm 2021, vượt 8,4% kế hoạch.
Trong đó, nhiều mặt hàng tăng trưởng so với cùng kỳ 2021 như linh kiện điện thoại tăng 35,4%, dệt may tăng 19,6%; dây điện và cáp điện tăng 219,5%; hoa quả chế biến và nước hoa quả tăng 17%; bột đá vôi trắng siêu mịn tăng 17,3%; viên nén gỗ tăng 320%; giày dép các loại tăng 531%…
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu năm 2022 ước đạt 1.200 triệu USD, tăng 20% so với năm 2021. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là: Nguyên phụ liệu dệt may, da giày, linh kiện điện thoại, xăng dầu, máy móc, thiết bị, thép các loại, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất khác… Hoạt động nhập khẩu có sự gia tăng do mở rộng các lĩnh vực sản xuất, các doanh nghiệp tìm nguồn nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu, vật tư, linh kiện là đầu vào để đảm bảo ổn định sản xuất.
Bên cạnh đó, việc triển khai công tác khuyến công, xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp có nhiều đổi mới, mang lại hiệu quả thiết thực. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất được duy trì và tăng trưởng khá, giải quyết việc làm cho người lao động và ổn định đời sống dân cư.
Ông Phạm Văn Hóa – Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An – chia sẻ, năm 2023 ngành Công Thương sẽ thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo, lãnh đạo của tỉnh Nghệ An trong phát triển ngành trên địa bàn, tăng cường công tác mời gọi đầu tư phát triển công nghiệp trên cơ sở quy hoạch đã được tỉnh phê duyệt, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã được cấp chủ trương đầu tư để sớm hoàn thành đi vào sản xuất, thực hiện tốt đề án cơ cấu lại ngành Công nghiệp, phối hợp với các sở, ngành, địa phương nắm chắc tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 103.000 – 103.500 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt từ 15-16%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 85.000 tỷ đồng, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 2.500 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 1.500 triệu USD.
Tin tưởng rằng, với những mục tiêu và giải pháp thực hiện đã đề ra, ngành Công Thương Nghệ An sẽ tiếp tục gặt hái được những thành công mới trong năm 2023.
Theo Thu Trinh
Link gốc: https://congthuong.vn/nganh-cong-thuong-nghe-an-mot-nam-nhin-lai-232973.html