Nga kích hoạt tổ hợp tên lửa chống tăng tự hành Shturm-S trong chiến dịch quân sự ở Ukraine
Bộ Quốc phòng Nga vừa công bố đoạn video hoạt động chiến đấu của tổ hợp tên lửa chống tăng tự hành Shturm-S trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Video ghi lại thời khắc tổ hợp tên lửa này phá hủy các phương tiện bọc thép của quân đội Ukraine.
Hiện phía Ukraine chưa bình luận về các thông tin mà quân đội Nga đưa ra.
Video hoạt động của hệ thống tên lửa chống tăng tự hành Shturm-S. Nguồn: Bộ Quốc phòng Nga
9P149 Shturm-S là tổ hợp tên lửa chống tăng do Liên Xô phát triển từ những năm 1970, được đưa vào biên chế trong quân đội từ năm 1979.
Tổ hợp tên lửa được thiết kế với nhiệm vụ chính là đánh chặn các xe tăng, xe bọc thép, bộ binh; đồng thời phá hủy các công trình công sự của đối phương; trực thăng có tầm bay thấp và di chuyển chậm.
Tổ hợp Shturm-S có trọng lượng 12,3 tấn; chiều dài 6,45 m; chiều rộng 2,88 m và chiều cao là 1,8 m. Tổ hợp tên lửa này được đặt trên khung gầm xe bọc thép đa năng MT-LB sử dụng động cơ diesel YaMZ-238V công suất 240 mã lực cho phép nó di chuyển với vận tốc 61-65 km/h với phạm vi hoạt động là 500 km. Ngoài ra, xe có thể lội nước với vận tốc 9 km/h, vượt tường cao 0,6 m; rãnh rộng 2,4 m, theo Military.
9P149 Shturm-S sử dụng tên lửa chống tăng 9M114 (hay còn được gọi là AT-6a / SPIRAL) dẫn đường bằng tần số vô tuyến vận tốc cao. Tên lửa có tốc độ bắn của nó là 2-4 phát/ phút với tổng số tên lửa mang theo là 12 quả. Tầm bắn của 400-5000 m, với xác suất bắn trúng đầu tiên là 90%.
Tên lửa có trọng lượng 46,5 kg; chiều dài 1,63 m; đường kính 0,13 m. Việc sử dụng đầu đạn HEAT sẽ giúp tên lửa chống lại xe tăng và xe bọc thép với khả năng xuyên giáp đạt 550-600 mm. Ngoài ra nó cũng có thể sử dụng đầu đạn nhiệt áp dùng để tiêu diệt sinh lực địch, các tòa nhà, khu căn cứ kiên cố cũng như các phương tiện cơ giới.
Phương tiện có một ống phóng, được nạp đạn tự động từ băng đạn nằm bên trong thân tàu. Trong trường hợp khẩn cấp, đạn cũng có thể nạp hoàn toàn thủ công. Vỏ của Shturm-S được tạo bởi những lớp giáp bảo vệ phi hành đoàn trước các loại vũ khí nhỏ và các mảnh đạn pháo. Bên cạnh đó, xe cũng được trang bị hệ thống bảo vệ NBC.
Điểm hạn chế của 9P149 Shturm-S là chúng không thể bắn khi đang di chuyển cũng như không có vũ khí trang bị thứ cấp để tự bảo vệ.
Theo Như Quỳnh
Link gốc: https://tienphong.vn/nga-kich-hoat-to-hop-ten-lua-chong-tang-tu-hanh-shturm-s-trong-chien-dich-quan-su-o-ukraine-post1478146.tpo