Lan tỏa thương hiệu du lịch Cửa Lò
Với rất nhiều khách du lịch, đến Cửa Lò không chỉ có tắm biển, thưởng thức hải sản tươi ngon, tham quan danh lam thắng cảnh... mà còn được cảm nhận về một vùng đất năng động, hiện đại của thị xã biển đang trên đà phát triển, đổi thay, vừa giữ được nét truyền thống của người dân làng chài mộc mạc, hiếu khách, chân tình.
Đến để yêu…
Trong cái nắng vàng ươm những ngày đầu tháng 7 – tháng cao điểm của mùa du lịch, sau hai năm ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19, cũng như rất nhiều điểm du lịch khác trong cả nước, thị xã Cửa Lò thực sự nhộn nhịp bởi du khách khắp nơi đã chọn nơi đây là điểm đến trên hành trình thăm quan, nghỉ dưỡng.
Dạo quanh một vòng thị xã không khó để bắt gặp rất nhiều biển số xe ngoại tỉnh như Hà Nội, Bắc Giang, Thái Nguyên… đậu chật kín các khách sạn, nhà nghỉ. Kể cả những nhà nghỉ, khách sạn lối 3, lối 4 đến thời điểm này cũng đã đông nghịt khách. Theo báo cáo của Phòng Văn hóa du lịch thị xã Cửa Lò, trong mùa du lịch hè, đặc biệt trong tháng 6 và đầu tháng 7 này, mỗi ngày Cửa Lò đón khoảng trên dưới 1,5 vạn khách, trong đó khoảng 30 – 35% lưu trú qua đêm. Tổng lượng khách du lịch 6 tháng đầu năm ước đạt 1,260 triệu lượt khách, đạt 8 % kế hoạch, trong đó khách lưu trú 430 ngàn lượt, đạt 83% kế hoạch. Doanh thu từ các hoạt động dịch vụ, du lịch đạt 1.280 tỷ đồng, đạt 84% kế hoạch. Đây là tín hiệu đáng mừng cho du lịch Cửa Lò sau 2 năm đóng băng bởi dịch Covid -19. Điều gì của Cửa Lò làm cho du khách nhớ, yêu đến vậy?
Có mặt tại cơ sở Yên Hương chuyên bán các loại hải sản tươi khô ở khối 7, phường Nghi Thủy. Lúc này cơ sở khá đông khách du lịch đến tham quan, chọn mua đồ hải sản làm quà sau chuyến du lịch. Chị chủ cơ sở vừa tươi cười chào mời, giới thiệu từng loại và không quên kèm theo giá cụ thể của từng mặt hàng, vừa nhanh tay chọn lựa, tư vấn cho khách những món hàng mà khách yêu cầu.
Chị Nguyễn Thị Thu Lan (du khách đến từ Thái Nguyên) đang tỉ mỉ chọn mua những con mực khô vui vẻ cho biết: Đây là lần thứ 3 gia đình chị chọn Cửa Lò, và lần nào cũng đi rất đông. Như năm nay, tổng cộng đoàn của chị gồm 12 thành viên, tất cả đều là anh chị em và các con cháu. Chị bảo rằng ban đầu cũng có nhiều ý kiến đi Sầm Sơn, Đà Nẵng, Nha Trang… những cuối cùng số đông đã chọn Cửa Lò. Bởi nhiều lý do: thứ nhất là quãng đường di chuyển vừa tầm với tất cả các thành viên; thứ 2 là giá cả ở Cửa Lò rất hợp lý (từ phòng nghỉ, ăn uống, dịch vụ); Thứ 3 là Cửa Lò có bãi tắm đẹp, hải sản tươi ngon. Và điều quan trọng là Cửa Lò vừa mang dáng dấp phố thị sầm uất, vừa gìn giữ được nét đẹp của làng chài. Ở nơi đây còn có rất nhiều di tích lịch sử gắn với vùng đất mà không phải nơi nào, vùng đất nào cũng có.
Còn với anh Trịnh Xuân Hồng (du khách đến từ Hà Nội) thì mỗi lần đến với Cửa Lò gia đình anh lại có cảm nhận rất khác. Như năm nay, sau 2 năm dịch bệnh không được đi du lịch, anh đã chọn Cửa Lò để nghỉ dưỡng cùng vợ và các con. “Trước đây gia đình tôi cũng đã có dịp về Cửa Lò bởi cả gia đình đều mê vì bãi biển Cửa Lò đẹp, thoải và tắm rất đã. Lần này về Cửa Lò, tôi đã dành thời gian để tìm hiểu những điểm đến ở Cửa Lò. Vì thế, khi vào đây vợ chồng tôi quyết định dành 1 ngày để đi thăm quan các cơ sở chế biến nước mắm, cơ sở nướng cá… được tận mắt chứng kiến quy trình chế biến các loại hải sản, các con tôi rất háo hức vì lâu nay chỉ thấy trên ti vi… Thời gian không nhiều nên hiện tại chúng tôi vẫn chưa tham quan được các di tích lịch sử trên địa bàn. Nhưng không sao, đó là cơ hội để chúng tôi sẽ quay lại Cửa Lò”.
Trăn trở của những người dân làm du lịch
Không quay lại sao được, không yêu sao được mảnh đất, con người nơi đây bởi họ luôn đau đáu, chăm chút từng sản phẩm, từng dịch vụ… với mong muốn đem đến cho khách du lịch những sản phẩm tốt nhất. Đó chính là sự trăn trở của bà Nguyễn Thị Việt (chủ cơ sở sản xuất nước mắm Loan Việt) – làng nghề nước mắm Hải Giang 1. Trải qua hơn 30 năm làm nghề chế biến nước mắm theo phương thức truyền thống, với bà Việt làm nghề phải bằng cái tâm. Cái tâm của người làm nghề ở đây là “sạch từ đầu vào cho đến đầu ra và nói không với chất bảo quản”. Với bà Việt, nghề làm nước mắm, khâu nào cũng rất quan trọng. Nguyên liệu để làm ra những giọt nước mắm có mùi vị thơm ngon, màu phải đạt đến độ cánh gián thì người làm nghề phải chọn nguyên liệu tươi và chưa qua ướp đá (theo bí quyết của bà Việt, cá đã cấp đông làm mắm sẽ không thơm ngon). Muối để ướp cá phải là muối sạch và để càng lâu càng tốt (muối mua về, để khô ráo tầm trên 1 năm mới đưa vào để ướp cá làm nước mắm). Chượp làm nước mắm phải là chượp sành hoặc chượp xi măng những bên trong phải được láng kỹ, những cái chượp này sau khi rửa sạch, phải phơi dưới ánh nắng liên tục cho hết mùi rồi mới sử dụng.
Với kinh nghiệm hơn 30 năm trong nghề của mình, cơ sở chế biến của bà Việt chỉ chọn cá trỏng đen để làm nước mắm (vì đây là loại cá có độ thơm ngon), với 1 tấn cá thì cần ướp 2 tạ muối, nếu ướp ít hơn chắc chắn mắm sẽ bị hỏng, khi đó có bổ sung thêm muối thì chượp mắm cũng không bao giờ ngon, màu nước mắm sẽ bị đen, có mùi hôi. Như cơ sở sản xuất của bà Việt mỗi năm ướp khoảng 10 tấn cá, nước mắm của bà sản xuất ra chủ yếu bán cho khách quen, khách du lịch. Có nhiều khách mua 1 lần thấy ngon và cứ thế mỗi năm chỉ cần gọi điện là bà lại đóng gói, chộn rộn chuyển hàng cho khách trong Nam, ngoài Bắc…
Nước mắm làng nghề Hải Giang 1 được làm theo quy trình truyền thống, có mùi thơm đặc trưng và màu vàng như mật ong. Clip: Thanh Thủy
Bà Nguyễn Thị Việt cho rằng: Mừng vì khách nhớ đến mình, vui vì nước mắm của làng nghề được người tiêu dùng yêu thích, và thấy bản thân cần phải cố gắng hơn nữa để phục vụ khách tốt hơn, để khách nhớ đến mình lâu hơn, người làm nghề chỉ thế mà thấy hạnh phúc.
“Với nghề làm phục vụ đúng là không có gì vui hơn, hạnh phúc hơn khi khách nhớ đến mình, tìm đến mình” – đó cũng là tâm sự của chị Nguyễn Thị Hương – chủ nhà hàng Hương Sơn. Bởi sau thời gian dài ảnh hưởng của dịch Covid – 19, khi du lịch được phục hồi, nhiều khách hàng đã “không bỏ chị” mà vẫn tìm đến nhà hàng để ủng hộ chị, khiến chị cảm động lắm. Chính tình cảm đó là nguồn động viên để vợ chồng chị trăn trở, thay đổi nhiều hơn trong cách thức phục vụ, trong khâu chế biến, chọn lựa thực phẩm. Như mùa du lịch này, để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, chị Hương tuyển thêm nhân viên chạy bàn, sửa chữa lại quán ốt, mua sắm thêm nhiều vật dụng, trang trí lại các phòng ăn cho hợp lý… Chị luôn căn dặn đội ngũ phục vụ là luôn phải niềm nở khi khách đến, vui vẻ chào hỏi khi khách ra về. Riêng thực đơn nhà hàng luôn đa dạng phù hợp với nhiều đối tượng thực khách.
Những trăn trở của bà Việt, chị Hương là niềm chung của tất cả người dân làm du lịch ở Cửa Lò, dù họ chưa chuyên nghiệp, chưa được đào tạo bài bản nhưng họ phục vụ du khách bằng cái tâm, bằng tấm lòng của người dân vùng biển “quen ăn sóng nói gió”. Chúng ta đi du lịch là để tìm hiểu văn hóa vùng miền, để hiểu thêm một lần nữa mảnh đất, con người nơi ta đến. Mỗi miền quê, vùng đất sẽ cho ta những trải nghiệm khác nhau về ẩm thực, về con người, về dịch vụ… tất cả sẽ góp phần tạo nên nét văn hóa đặc sắc của mảnh đất hình chữ S thân yêu. Và Cửa Lò cũng vậy, trong chỉ đạo chung của thị xã, mỗi người dân phải là một tuyên truyền viên về du lịch – Cửa Lò đã và đang hướng tới điều tốt đẹp đó với mục tiêu xây dựng một thị xã biển “an toàn, thân thiện, mến khách”.
Phấn đấu đón và phục vụ hơn 3,1 triệu lượt khách du lịch
Sau hơn hai năm ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19, cũng như rất nhiều điểm du lịch khác trong cả nước, thị xã du lịch biển Cửa Lò đã có nhiều đổi thay với mục tiêu đón và phục vụ hơn 3,1 triệu lượt khách du lịch, tăng 42,5% so với năm 2020, doanh thu du lịch đạt 3.300 tỷ đồng, tăng 47,7% so với năm 2020.
Để đạt mục tiêu đó, 6 tháng đầu năm 2022, UBND thị xã chỉ đạo các phòng ban đơn vị liên quan khảo sát xây dựng các sản phẩm du lịch tại Cửa Lò; tuyên truyền, quảng bá Cửa Lò là điểm đến du lịch an toàn với du khách, vừa kết hợp phòng chống dịch với phát triển kinh tế. Công tác quản lý nhà nước về hoạt động du lịch nhất là chủ trương “5 không” ngay từ đầu năm được triển khai thực hiện quyết liệt. Phối hợp với thành phố Vinh, huyện Nam Đàn tổ chức hội nghị liên kết, hợp tác phát triển du lịch “Ba địa phương một hành trình, nhiều trải nghiệm”. Đặc biệt trong năm 2022 này, thay vì chỉ tập trung trong mấy tháng hè, du lịch Cửa Lò sẽ kéo dài trong suốt cả năm, từ ngày khai mạc 9/4 cho đến ngày 31/12/2022 với rất nhiều các hoạt động để làm nổi bật du lịch Cửa Lò, lan tỏa đến du khách gần xa và bạn bè quốc tế. Tiêu biểu như giải cờ người; chương trình Lễ hội Âm nhạc đường phố; Chương trình nghệ thuật về miền ví, giặm; Giải Karate, bóng chuyền trong nhà, bóng chuyền bãi biển toàn tỉnh; Hội thi hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch; Hội thi đầu bếp giỏi thị xã; Chung kết cuộc thi tìm kiếm tài năng Got Talent tỉnh Nghệ An; Lễ hội Cầu Ngư tại phường Nghi Hải… Điểm nhấn là khai mạc Lễ hội du lịch Cửa Lò và chương trình nghệ thuật với chủ đề “Cửa Lò tình yêu biển và khát vọng tỏa sáng” tạo ấn tượng trong lòng du khách.
Đặc biệt trong tháng 7 này, lần đầu tiên thị xã Cửa Lò tổ chức lễ hội khinh khí cầu tại bãi biển phía Đông Quảng trường Bình Minh và một số địa điểm khác trên địa bàn thị xã. Đây là một trong các hoạt động nổi bật trong mùa du lịch năm 2022. Đến với ngày hội, nhân dân và du khách có dịp được chiêm ngưỡng những màn biểu diễn khinh khí cầu đẹp mắt, mang lại cảm giác phấn khởi và thích thú. Nếu có nhu cầu, du khách sẽ được trải nghiệm bằng cách ngồi trên khinh khí cầu bay lên cao để ngắm toàn cảnh Cửa Lò và các vùng phụ cận. Cùng với Lễ hội khinh khí cầu, cũng trong tháng 7, tại thị xã biển xinh đẹp này còn diễn ra lễ hội Phúc Lục Ngoạt và màn thả đèn hoa đăng diễn ra ở cầu Cửa Hội vào tối 16/7.
Song song với các hoạt động văn hóa – thể thao – lễ hội, thị xã Cửa Lò cũng đã tập trung xây dựng các cơ sở hạ tầng du lịch, chỉnh trang đô thị xanh – sạch – đẹp để đón du khách; vận động xã hội hóa lắp đèn led, đèn trang trí tại các trục đường chính, tu sửa, nâng cấp các cổng chào điện tử, thay thế, nâng cấp, thêm mới các điểm check-in làm bằng hoa, cây cảnh thân thiện với môi trường. Tăng cường sự phối hợp với Công an, Đội Quản lý thị trường đô thị, Đội an ninh du lịch các phường trong quản lý hoạt động du lịch, đảm bảo an toàn cho du khách trong quá trình tắm biển, vui chơi, thăm quan.
Một giải pháp mà thị xã đặc biệt chú trọng để thu hút khách du lịch đó là việc xây dựng các điểm đến. Trong đó, tập trung là các điểm đến tại phường Nghi Thủy với việc hình thành phố đi bộ, phố ẩm thực, phố mua sắm, khôi phục các điểm đến tâm linh và các nét văn hóa truyền thống. Từ điểm đến Nghi Thủy, Cửa Lò dần mở rộng xây dựng điểm đến, sản phẩm du lịch mới cho cả 7 phường trên địa bàn.
Ông Hoàng Văn Phúc – Phó Chủ tịch UBND Thị xã Cửa Lò cho biết: Để lan tỏa hơn thương hiệu du lịch Cửa Lò, thời gian tới, thị xã tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá Cửa Lò là điểm đến an toàn, thân thiện, tăng cường liên kết, kết nối du lịch với các tỉnh trong khu vực Bắc Trung Bộ. Có các biện pháp kích cầu du lịch như tăng chất lượng dịch vụ để thu hút khách. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các sự kiện hoạt động điểm đến du lịch Cửa Lò 2022 trên các kênh sóng Đài truyền hình Việt Nam, VTC, các ấn phẩm du lịch, website của Tổng cục Du lịch, tỉnh Nghệ An, Cửa Lò và các doanh nghiệp du lịch. Cập nhật trên website nghean.gov.vn, cổng thông tin điện tử, trên smartphone về các sự kiện tổ chức tại Cửa Lò… Với sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, đồng thuận của mỗi người dân, du lịch Cửa Lò sẽ là điểm sáng trong bản đồ du lịch Việt Nam, sự lựa chọn của du khách trong nước, quốc tế./.
Theo Thanh Thủy
Link gốc: https://baonghean.vn/lan-toa-thuong-hieu-du-lich-cua-lo-post256059.html