Lãi suất vay mua ô tô trả góp cao ngất, đại lý gồng mình chạy doanh số
Càng về cuối năm, nhu cầu mua xe ô tô của người dân tăng cao, nhưng năm 2022 rào cản từ ngân hàng khi mua trả góp đang là vấn đề với nhiều người.
Việt Nam là một trong những thị trường ô tô phát triển mạnh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, số lượng xe lăn bánh ở nước ta phần lớn là những ô tô vay mua trả góp nhằm mục đích kinh doanh dịch vụ.
Năm 2022, do nhiều lý do khách quan nên người dùng rất khó mua trả góp dù cuối năm là thời điểm mua cầu mua xe của người dân tăng mạnh.
Nhu cầu mua ô tô cao dịp cuối năm
Như thường lệ, quý IV hàng năm cho đến trước Tết nguyên đán là những tháng vàng của thị trường ô tô Việt Nam. Cuối năm, nhu cầu mua xe của dân tăng cao để phục vụ nhu cầu di chuyển dịp Tết nên doanh số những tháng này ở Việt Nam luôn ấn tượng.
Theo báo cáo doanh số bán hàng của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số 2 tháng cuối năm 2021 và tháng đầu năm 2022 tăng trưởng ấn tượng.
Cụ thể, tháng 11, toàn thị trường Việt tiêu thụ 38.656 xe ô tô các loại, tháng 12 là 46.754 xe và tháng 1/2022 đạt 30.742 xe. Những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 trước Tết nguyên đán, doanh số thị bán ô tô ở Việt Nam đều tăng trưởng trung bình 30-50% so với cùng kỳ hàng năm và tăng 20-40% so với tháng trước đó.
Điều này chứng tỏ sức mua của người dân tăng mạnh so với những tháng trước đó tạo nên những tháng vàng của thị trường ô tô Việt Nam. Năm nay, nhu cầu của người tiêu dùng vẫn không giảm, đặc biệt trong năm lượng xe khan hiếm do tình trạng thiếu chip.
“Hàng năm, nhưng tháng cuối năm và trước Tết, các đại lý đều chạy doanh số rất tốt để tổng kết cuối năm. Tôi cũng vậy, những tháng này doanh số bán xe đều tăng gần gấp đôi so với những tháng giữa năm. Năm nay, nhu cầu vẫn cao nhưng do nhiều lý do khiến nhiều hợp đồng mua xe của khách hàng không thể được thực hiện”, anh Vũ Đăng – tư vấn bán hàng chia sẻ.
Khó mua xe vì khó vay ngân hàng, người dùng chuyển hướng, đại lý thở dài…!
“Từ đầu tháng đến giờ, đã 3 khách của tôi làm hồ sơ vay trả góp để mua xe nhưng rồi cuối cùng lại không chốt. Đa số đều than lãi suất ngân hàng quá cao, nhiều ngân hàng yêu cầu số tiền trả trước cao nên họ không vay nữa vì mỗi tháng trả cả lãi và gốc đến gần 20 triệu đồng”, anh Đăng nói thêm.
Theo tìm hiểu của Dân Việt, những năm trước, ngân hàng tung ra nhiều chương trình ưu đãi dành cho khách hàng vay mua ô tô trả góp. Đặc biệt, lãi suất ngân hàng chỉ dao động ở mức 7-9%/năm và có nhiều hãng xe liên kết với một số ngân hàng và trả lãi 2 năm đầu cho người dùng như VinFast từng áp dụng với loạt xe xăng trước đây.
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, lãi suất ngân hàng đã tăng mạnh hơn rất nhiều so với trước ảnh hưởng đến quyết định mua xe của người dùng.
“Sau nhiều vụ việc liên quan đến ngân hàng diễn ra trong thời gian vừa qua, lãi suất đã được điều chỉnh tăng cao với người vay. Theo đó, mức lãi suất cố định trong năm đầu của một số ngân hàng lớn tại Việt Nam cho người vay mua trả góp ô tô dao động từ 12 – 14%/năm, như ngân hàng tôi là 12,5%/năm”, một tư vấn ngân hàng cho biết.
Cũng theo nhân viên này chia sẻ, với người vay mua ô tô trả góp, chỉ có năm đầu tiên lãi suất cố định, từ các năm sau sẽ thả nổi tăng hay giảm tùy thuộc vào từng ngân hàng.
“Tùy thuộc vào từng thời điểm, kể từ năm thứ 2, người mua ô tô trả góp sẽ phải trả lãi theo điều chỉnh của ngân hàng có thể tăng hoặc giảm”, nhân viên này khẳng định.
Do lãi suất ngân hàng tăng cao trong năm nay nên nhiều người đã chuyển hướng mua ô tô từ mới sang cũ để phù hợp với điều kiện kinh tế hơn.
Chị Nguyễn Kim Thu (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Gia đình tôi đang có nhu cầu mua một chiếc ô tô giá khoảng 700 triệu đồng cả chi phí lăn bánh. Tuy nhiên, tôi hiện mới chỉ có 300 triệu đồng nên sẽ phải trả góp phần còn lại. Xác định vay mua trả góp, nhưng năm nay lãi suất ngân hàng tăng cao nên gia đình tôi đang cân nhắc lại. Sau một thời gian tính toán kỹ lưỡng, chồng tôi đưa ra quyết định mua một chiếc xe cũ lướt với mức giá 350 triệu đồng và không phải lo nghĩ trả lãi ngân hàng”.
Cũng tương tự chị Thu, anh Trần Quý Kiên (Xuân Đỉnh – Bắc Từ Liêm – Hà Nội) chia sẻ: “Mỗi tháng trả lãi 7-10 triệu đồng và cả tiền gốc nữa là 20 triệu đồng là mức vượt khả năng tài chính của vợ chồng tôi vì còn mức lương 2 người không quá cao. Do đó, gia đình tôi đang cân nhắc không mua xe mới trả góp mà chuyển hướng xe cũ mức giá hợp lý hơn”.
Không chỉ người dùng chuyển hướng mua xe do lãi suất ngân hàng mà đại lý cũng đang đau đầu giải quyết bài toán doanh số dịp cuối năm.
“Hiện nay, ở phân khúc xe bình dân trong khoảng 500 – 700 triệu đồng được người dùng lựa chọn rất nhiều. Mặc dù vậy, số tiền mà nhiều người có chỉ khoảng 200 – 300 triệu đồng, phần còn lại sẽ trả góp. Số lượng khách hàng trả góp ngân hàng khi mua ô tô phải chiếm trên 50%. Thời điểm này, lãi suất ngân hàng quá cao khiến nhiều người không cố để mua xe trả góp, do đó doanh số bán xe trong tháng này của tôi giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái”, chị Thu Hà, nhân viên bán hàng chia sẻ.
Ngân hàng khó cho vay, người dùng chuyển hướng mua xe cũ phù hợp với điều kiện tài chính để không phải trả lãi hàng tháng là xu hướng mới của thị trường ô tô Việt Nam. Điều này cũng khiến đại lý đang than trời vì doanh số sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Rõ ràng, ngân hàng đang tác động lớn và làm thay đổi nhu cầu mua xe để phù hợp với điều kiện tài chính của gia đình.
Theo Khải Phạm
Link gốc: https://danviet.vn/lai-suat-vay-mua-o-to-tra-gop-cao-ngat-dai-ly-gong-minh-chay-doanh-so-20221128211647272.htm