Lãi suất ngân hàng sắp giảm tiếp?
Ngân hàng Nhà nước cho biết 97% tổ chức tín dụng hạ dự báo về tăng trưởng tiền gửi và tín dụng, lãi suất tiếp tục giảm trong các tháng cuối năm.
Vụ Dự báo, Thống kê – Ngân hàng Nhà nước vừa công bố kết quả khảo sát xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý IV năm nay. Đối tượng khảo sát là toàn bộ các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, tỷ lệ trả lời đạt 97%.
Theo đó, các ngân hàng thương mại dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng có thể cải thiện tốt hơn trong quý IV. Bởi lẽ, các tổ chức này kỳ vọng tình hình kinh tế tích cực hơn, ngành sản xuất, xuất khẩu dần phục hồi, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng cải thiện nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.
Huy động vốn toàn hệ thống được kỳ vọng tăng bình quân 3,2% trong quý IV và tăng 8,7% trong năm 2023. Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng 4,6% trong quý IV và cả năm tăng 12,3%.
Các tổ chức tín dụng cũng dự báo tình hình thanh khoản sẽ tiếp tục dồi dào trong quý IV và cả năm; đồng thời kỳ vọng bình quân mặt bằng lãi suất huy động và cho vay toàn hệ thống tiếp tục giảm 0,26 – 0,35%.
Đại diện Agribank đánh giá, lãi suất tiết kiệm vẫn có thể giảm nhẹ trong thời gian tới song tốc độ điều chỉnh chậm lại đáng kể so với giai đoạn trước. Thay vì điều chỉnh nhanh và mạnh, lãi suất theo bà đã về vùng ổn định và duy trì đến hết quý I/2024.
Hiện, lãi suất duy trì vùng thấp và dư địa giảm theo vị này cũng không còn nhiều xét trong mối tương quan với các chỉ số vĩ mô như lạm phát, tỷ giá. Các khoản tiền gửi lãi suất cao đáo hạn tới đầu năm sau, theo bà, là cơ hội tốt để ngành ngân hàng giảm thêm nữa lãi suất cho vay.
Phía ngân hàng Agribank dự báo, lãi suất có thể tăng nhẹ vào quý II/2024 khi sức hấp thụ vốn của nền kinh tế tăng lên.
Cuối năm ngoái, lãi suất tiết kiệm từng neo tới 11-12% một năm trong bối cảnh nhiều ngân hàng chạy đua huy động vốn. Tuy nhiên, bước sang 2023, lãi suất tiết kiệm quay đầu giảm nhanh và mạnh. Tới cuối tháng 9, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại một số nhà băng lớn về dưới 5,5% một năm, thấp hơn giai đoạn COVID-19.
Từ đầu tháng 10, các ngân hàng đua nhau giảm lãi suất huy động đi đầu là nhóm Big 4. Lãi suất niêm yết cao nhất tại Vietcombank giảm về còn 5,3%, thấp hơn giai đoạn COVID-19 (quanh mức 5,8% một năm). Còn khoản tiền gửi từ 1 đến dưới 12 tháng dao động 3-4,3% một năm. Tại 3 ngân hàng quốc doanh còn lại là Agribank, BIDV và VietinBank, sau lần điều chỉnh trong tháng 9, hiện lãi suất cao nhất ở mức 5,5% một năm.
Hiện các khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng, niêm yết lãi suất từ 6% một năm trở lên chỉ còn hơn chục nhà băng như Oceanbank, BacABank, SCB, Sacombank, NCB, CBBank, VietBank, NamABank, HDBank, PVComBank, VietABank, BaoVietBank, DongABank…
Hơn 20 nhà băng còn lại đưa lãi suất niêm yết cho kỳ hạn 12 tháng về dưới 6% một năm. Mức lãi suất 6-6,5% có xuất hiện tại một số đơn vị nhưng ở các kỳ hạn dài từ 18 tháng trở đi.
Nhóm niêm yết lãi suất thấp nhất thị trường, không quá 5,5% một năm gồm khoảng chục đơn vị, bao gồm 4 nhà băng quốc doanh và một số ngân hàng tư nhân như VPBank, MSB, Techcombank, SeABank, GPBank, ABBank…
Lãi suất đầu vào giảm nên lãi suất đầu ra cũng giảm theo, mức giảm trung bình đối với các khoản cho vay mới khoảng 1 – 1,5%/năm. Hiện mức lãi suất cho vay bình quân với khoản cho vay ngắn hạn còn khoảng 5,5 – 7%/năm. Còn lãi suất cho vay trung, dài hạn những khoản cho vay mới là khoảng 8,5 – 10%/năm.
Riêng lãi suất của những khoản vay nợ trước đây chưa đến kỳ trả nợ thì có độ trễ do trước đây ngân hàng thương mại huy động lãi suất cao.
Tác giả: Ngọc Mai
Nguồn: tienphong.vn