Kinh phí phòng chống dịch COVID-19 còn dư hơn 930 tỉ: Xử lý ra sao?

Nguồn kinh phí phòng chống dịch còn dư ở trung ương 118 tỉ đồng, ở địa phương 814 tỉ đồng.

Xử lý ra sao?

Tại Hội nghị tổng kết công tác phòng chống dịch COVID-19 tổ chức ngày 29.10, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết số tiền mặt và hiện vật vận động được cho phòng chống dịch trị giá khoảng 2.900 tỉ đồng ở MTTQ cấp trung ương, còn ở địa phương con số huy động được khoảng trên 15.000 tỉ đồng.

Về quản lý sử dụng, số tiền tiếp nhận của trung ương sau khi xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ phần lớn được chuyển về Quỹ vắc xin do Bộ Tài chính quản lý (khoảng 79% trong tổng số đó), số còn lại chuyển cho các địa phương để hỗ trợ các lực lượng y tế tuyến đầu.

Tuy nhiên, theo bà Hà, trong bối cảnh đại dịch lần đầu xuất hiện trên phạm vi rất rộng và diễn biến khó lường, chưa có tiền lệ, yêu cầu chống dịch thì phải nhanh chóng, do đó quá trình vận động, quản lý, phân bổ nguồn lực cũng gặp một số khó khăn, đặc biệt là các căn cứ pháp lý. Vì vậy, sau khi đại dịch lắng xuống, cơ quan kiểm tra của Đảng và kiểm toán của nhà nước đã làm việc và một số nơi xảy ra sai sót.

Từ thực tế đó, bà Hà nêu rõ, về kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đối với một số địa phương, đây là khoản các địa phương vận động được và thực hiện tại chỗ theo quy định về “4 tại chỗ”.

Hội nghị tổng kết công tác phòng chống dịch COVID-19

Tại thời điểm đó, mặc dù thời điểm cấp bách nhưng các địa phương đã thực hiện đúng nguyên tắc, tuy nhiên theo kiến nghị của kiểm toán thì thu hồi để nộp quỹ vắc xin, nhưng khoản này đã chi. Vì vậy, đề nghị Thủ tướng cho phép các khoản địa phương đã chi từ nguồn vận động của địa phương thì không phải thu hồi để nộp về quỹ vắc xin.

Thứ hai là đối với nguồn kinh phí phòng chống dịch còn dư, ở trung ương còn dư 118 tỉ đồng, ở địa phương còn dư 814 tỉ đồng thì đề nghị Thủ tướng cho rà soát. Nếu không còn nội dung hỗ trợ thì chuyển toàn bộ kinh phí ấy về trung ương theo quy định tại Nghị định số 93/2021/NĐ-CP của Chính phủ; sử dụng tiếp cho các đợt sau và cho các việc liên quan đến thiên tai, sự cố, dịch bệnh, và ở các địa phương thì trực tiếp sử dụng.

Chống dịch đã khó, mở cửa càng khó hơn

Nêu bài học kinh nghiệm, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng việc sớm thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp và triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch là phù hợp.

Ngoài ra, TP.HCM đã kịp thời huy động các chuyên gia y tế, nhà quản lý đương chức và hưu trí để lắng nghe các đề xuất, kiến nghị. Chính những ý kiến, biện pháp kiến nghị đã góp phần giúp công tác phòng chống dịch đạt kết quả, mặc dù tình hình khi ấy rất phức tạp.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị trực tuyến

Bài học tiếp theo là sự ứng xử chính sách và phối hợp điều hành của các ngành các cấp trên địa bàn.

Việc này ảnh hưởng rất lớn, thậm chí có tính chất quyết định đến kết quả phòng chống dịch, như việc bố trí nguồn lực cho phòng chống dịch, chiến lược vắc xin; sản xuất, lưu thông, sinh hoạt của người dân và doanh nghiệp. Phản ứng chính sách cũng như sự phối hợp điều hành là rất quan trọng.

“Chúng tôi thấy các quyết định phòng chống dịch đã khó, quyết định “mở cửa” càng khó hơn. Thành phố mở cửa nền kinh tế từ ngày 1.10.2021, lúc này cũng còn nhiều ý kiến băn khoăn, thậm chí không đồng tình, phản đối, nhưng trên cơ sở đánh giá tình hình đã mạnh dạn mở cửa, song song với các biện pháp tiếp tục kiểm soát phòng chống dịch”, ông Mãi nêu.

Nhân dịp này, lãnh đạo TP.HCM bày tỏ tâm tư, mong muốn cần giành sự kính trọng, tôn vinh đối với ngành y tế mặc dù xảy ra một số vụ việc thời gian qua, trong đó có lực lượng quân y, “không vì những sai phạm ở Học viện Quân y mà chúng ta nhìn khác hoặc có cái nhìn sai lệch về những cống hiến của lực lương quân y cũng như cả ngành y tế…”.

Khởi tố 104 bị can liên quan phòng chống dịch

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến cho biết chỉ tính riêng trong đợt dịch thứ 4, lực lượng CAND đã huy động trên 3,3 triệu lượt cán bộ chiến sĩ tham gia phòng chống dịch bệnh COVID-19; 6 chiến sĩ hy sinh trong quá trình chống dịch.

Ông Tuyến cũng cho biết công an đã phát hiện, xử lý, tham mưu xử lý gần 800 vụ tham gia tụ tập đông người liên quan đến công tác phòng chống dịch; vô hiệu hóa hàng chục nghìn tài khoản, bài viết xuyên tạc về chủ trương, công tác phòng chống dịch; xử phạt vi phạm hành chính trên 550 người đăng tải thông tin sai sự thật về công tác phòng chống dịch.

Ngoài ra, lực lượng chức năng đã xử lý hành chính 1.295 vụ với 3.232 trường hợp xuất nhập cảnh vi phạm quy định về xuất nhập cảnh; xử phạt vi phạm hành chính 459.368 trường hợp vi phạm các quy định về công tác phòng chống dịch bệnh; xử lý 365 vụ đầu cơ nâng khống giá bán các mặt hàng thiết yếu…

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến phát biểu

Công an các cấp đã khởi tố 37 vụ với 104 bị can, xử phạt vi phạm hành chính 220 vụ, 222 người, với số tiền gần 3 tỉ đồng; tập trung điều tra, xử lý nghiêm minh các hành vi lợi dụng chính sách phòng chống dịch bệnh để tham nhũng tiêu cực, đặc biệt là tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các vụ mà Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng đã chỉ đạo, như vụ án Việt Á.

Thượng tướng Vũ Hải Sản, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng cho biết quân đội đã huy động hơn 192.000 cán bộ chiến sĩ, gồm cả lực lượng y tế và lực lượng khác.

Trong đó, gần 23.000 người thực hiện công tác kiểm soát dịch bệnh và 6.500 người thực hiện công tác tiêm chủng, 116.500 người làm nhiệm vụ cách ly công dân nhập cảnh và hơn 46.000 người làm các nhiệm vụ khác; tăng cường 16.500 cán bộ quân y, 205 phương tiện máy móc các loại phục vụ cho các địa phương thời điểm dịch bùng phát…

Tác giả: Lam Thanh

Nguồn: 1thegioi.vn