Khối nợ phình to

Công ty Sách Nghệ An của ông Trần Xuân Toàn là đơn vị có ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường miền Bắc và miền Trung.

Trong vài năm gần đây, ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai việc thay sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Vì vậy, thị trường sách giáo khoa có những đặc thù riêng.

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Công ty Sách Nghệ An có đóng góp lớn. Là đơn vị cung ứng chính sách giáo khoa trên địa bàn tỉnh Nghệ An nhiều năm nay, hồi đầu năm 2023, ông Trần Xuân Toàn – Giám đốc công ty cho biết, hiện nay, sách của các lớp 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9, 10 về cơ bản đã đáp ứng được 100% và tại thời điểm này không có tình trạng thiếu sách giáo khoa.

Góp phần vào việc cung ứng đầy đủ sách giáo khoa cho thị trường cũng là cách Công ty Sách Nghệ An gia tăng doanh thu.

Thế nhưng, trong khi doanh thu ngày càng tăng mạnh, lợi nhuận công ty lại khiêm tốn, dẫn đến chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) vô cùng bèo bọt, chưa tới nửa tỷ đồng mỗi năm. Thế nhưng, Công ty Sách Nghệ An lại đang chứng kiến khối nợ ngày càng phình to.

Cụ thể, tại ngày 31/12/2022, nợ phải trả của Công ty Sách Nghệ An đạt 107 tỷ đồng, tăng 12,6 tỷ đồng, tương đương 13,3% so với cuối năm 2021. Nợ cao gấp 2,55 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 71,8% tổng nguồn vốn.

Kể từ năm 2019, nợ phải trả tại Công ty Sách Nghệ An có xu hướng tăng dần đều, lần lượt đạt 74,9 tỷ đồng (năm 2019), 74,9 tỷ đồng (năm 2020), 94,4 tỷ đồng (năm 2021) và 107 tỷ đồng (năm 2022).

Trong nhiều năm liền, Công ty rơi vào tình cảnh nợ cao vượt trội so với vốn. Tỷ lệ Nợ/Vốn tại công ty này lần lượt là 4,4 lần (năm 2017), 4,8 lần (năm 2018), 3,7 lần (năm 2019), 3,7 lần (năm 2020) và 3,1 lần (năm 2021), 2,55 lần (năm 2022).

Có thể thấy trong năm 2022, tỷ lệ Nợ/Vốn tại Công ty Sách Nghệ An giảm xuống dưới mốc 3% là vì công ty tăng vốn điều lệ giúp giảm tình hình mất cân đối tài chính.

Trong tổng nợ của Công ty Sách Nghệ An, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tại ngày 31/12/2022 chiếm tỷ trọng lớn nhất, lên đến 60,3% (tương đương 64,5 tỷ đồng). Nợ vay cao gấp 1,54 lần Vốn chủ sở hữu.

Nợ vay quá lớn so với vốn đã tác động tiêu cực tới bức tranh tài chính của Sách Nghệ An. Trong năm 2022, công ty đã phải dành 4,3 tỷ đồng cho Chi phí tài chính. Trong đó, tất cả đều là chi phí lãi vay. Chi phí lãi vay cao gấp 1,3 lần lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của công ty.

Cầm cố cả… rèm cửa

Để có thể vay được 64,5 tỷ đồng, Công ty Sách Nghệ An đã nhiều lần ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng, đồng thời cầm cố nhiều tài sản đảm bảo.

Cụ thể, ngày 12/8/2022, Công ty Sách Nghệ An ký Hợp đồng số 72/HĐTC2022 với Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) – Chi Nhánh Nghệ An. Sau đó, công ty thay đổi tài sản đảm bảo. Tài sản đảm bảo cho hợp đồng này là “Toàn bộ máy móc thiết bị thuộc Dự án Siêu thị sách và thiết bị giáo dục Nghệ An tại thị trấn Nghĩa Đàn, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An”.

Danh sách này gồm 38 tài sản, một số tài sản đáng chú ý có thể kể đến như rèm cửa, điều hòa, két đựng tiền, móc treo, kệ mica,…

Trước đó, ngày 2/7/2021, Công ty ký Hợp đồng tín dụng số 85/HĐTC2021 với Vietcombank – Chi nhánh Nghệ An. Sau đó, Công ty thay đổi tài sản đảm bảo. Tài sản đảm bảo cho hợp đồng này là “Toàn bộ máy móc thiết bị hình thành từ vốn vay hình thành trong tương lai thuộc Dự án Nhà sách và thiết bị giáo dục Quỳnh Lưu tại xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, nay đã hình thành một phần”. Danh sách này cũng có đến 36 loại tài sản.

Chưa dừng lại ở đó, ngày 31/3/2022, công ty ký Hợp đồng tín dụng số 135/2022/HDTD/NGA với Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) – Chi nhánh Nghệ An. Giá trị khoản vay là 700 triệu đồng. Tài sản đảm bảo là 1 ô tô con nhãn hiện Ford Ranger.

Tác giả: Quang Dân

Nguồn: thanhtra.com.vn