Giám đốc Sở Giáo dục Hà Tĩnh lý giải tình trạng bạo lực học đường
Đăng đàn trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Hà Tĩnh vào sáng 16/12, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh Đặng Thị Quỳnh Diệp lý giải tình trạng thừa - thiếu giáo viên và bạo lực học đường.
Thiếu gần 3.000 giáo viên
Mở đầu phần trả lời chất vấn, bà Đặng Thị Quỳnh Diệp nêu thực trạng thừa, thiếu giáo viên trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Theo đó, trong 3 năm (2020-2022), toàn tỉnh Hà Tĩnh thiếu 2.883 giáo viên, đã tuyển được 1.750 giáo viên, hợp đồng 996 giáo viên.
Để giải quyết thực trạng này, Giám đốc Sở GD&ĐT tham mưu, đề nghị UBND tiếp tục triển khai một số giải pháp như: Giao Sở GD&ĐT, UBND các địa phương thực hiện điều động theo thẩm quyền đối với giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu, đáp ứng yêu cầu theo cơ cấu bộ môn.
Xác định số giáo viên dôi dư, đánh giá chất lượng giáo viên không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ để thực hiện điều chuyển giữa các cấp học và tinh giản biên chế.
Đề xuất Chính phủ, Bộ Nội vụ xem xét bổ sung đảm bảo chỉ tiêu biên chế giáo viên mầm non, tiểu học.
Hàng năm phê duyệt chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên đảm bảo bổ sung giáo viên còn thiếu theo yêu cầu; nghiên cứu thực hiện thí điểm xây dựng trường tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự; bố trí đủ kinh phí theo kế hoạch biên chế hằng năm…
Người đứng đầu ngành GD&ĐT Hà Tĩnh cũng giải trình nguyên nhân chậm thực hiện được cơ chế tự chủ ở các trường mầm non, phổ thông. Hà Tĩnh đã xây dựng định mức kinh tế – kỹ thuật dịch vụ giáo dục mầm non và phổ thông, nhưng các trường mầm non và phổ thông chưa đủ điều kiện để tính mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế – kỹ thuật.
Từ đó, các giải pháp được đưa ra là tiếp tục thực hiện lộ trình tính đủ chi phí dịch vụ giáo dục từ năm học 2022-2023 theo quy định của Chính phủ.
UBND tỉnh trình quy định mức thu học phí năm học 2022-2023 tại Kỳ họp 11, HĐND tỉnh. Nghiên cứu, xem xét đẩy nhanh lộ trình tính đủ chi phí đối với các trường THCS tuyển sinh trên địa bàn huyện và một số trường THPT ở vùng thành phố, thị xã, thị trấn; phấn đấu từ năm 2025, những đơn vị này tự bảo đảm từ 30% đến dưới 70% chi thường xuyên.
Làm gì để giảm thiểu bạo lực học đường?
Trước sự quan tâm của đông đảo đại biểu HĐND tỉnh về tình trạng bạo lực học đường gây hoang mang dư luận, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, bạo lực học đường hiện nay không có gì khác so với trước đây, điều quan trọng là phải tìm ra nguyên nhân để giải quyết.
“Không có giải pháp nào là chính yếu để ngăn chặn tình trạng này mà phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, kết hợp giữa gia đình – nhà trường và xã hội” – bà Đặng Thị Quỳnh Diệp nói.
Để góp phần ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, theo bà Đặng Thị Quỳnh Diệp, giải pháp được ngành GD&ĐT đưa ra là tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, các kế hoạch của UBND tỉnh về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện…
Sở GD&ĐT phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục, nâng cao nhận thức về pháp luật cho học sinh.
Tăng cường giáo dục kỹ năng sống; phát huy vai trò tổ tư vấn tâm lý học đường, triển khai các biện pháp, kỹ thuật tư vấn tâm lý nhằm hỗ trợ khi học sinh phát sinh các tình huống ứng xử, mâu thuẫn trong môi trường học đường. Thường xuyên rà soát, theo dõi, giám sát nhằm ngăn chặn, xử lý tận gốc tình trạng học sinh giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực.
Về phía học sinh, cần có ý thức rèn luyện và tìm hiểu, nâng cao ý thức về hành động cũng như hậu quả của những hành động bạo lực đó. Các nhà trường cần chủ động trong việc trao đổi thông tin với gia đình học sinh để có thể nắm bắt tình hình cũng như biểu hiện của học sinh.
Đối với gia đình, phụ huynh cần thay đổi quan điểm giáo dục con cái, dành thời gian lắng nghe, thấu hiểu, nắm bắt kịp thời những thay đổi trong tâm sinh lý của học sinh để có phương án giải quyết…
Công an tỉnh tăng cường phối hợp với Sở GD&ĐT, các địa phương thực hiện quy chế phối hợp về đảm bảo an ninh trật tự trong ngành giáo dục; phối hợp điều tra, xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm pháp luật và bạo lực học đường trong học sinh.
Tiếp tục triển khai mô hình “phiên tòa giả định”, diễn đàn “xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường” nhằm tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường… Tăng cường hơn nữa vai trò của gia đình và xã hội trong việc giáo dục, tố giác, ngăn chặn các nguy cơ gây ra bạo lực học đường.
Nói về vụ việc học sinh lớp 11 đâm chết học sinh lớp 12 ở Trường THPT Hương Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đau xót chia sẻ: Sau sự việc xảy ra, Giám đốc Sở đã tổ chức họp, chỉ đạo trực tiếp hiệu trưởng toàn ngành.
“Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật là việc học sinh xích mích với nhau, nhà trường có biết không? Biết các đồng chí ạ. Biết trước đấy cả tuần, học sinh có xích mích, giáo viên chủ nhiệm đã gặp, hiệu trưởng cũng gặp, giáo viên bộ môn, đoàn trường cũng tiếp cận… nhưng chưa giải quyết đến tận cùng. Trong nhà trường, học sinh “dạ – vâng”, “con hiểu rồi”, “con hứa…” nhưng ra ngoài nhà trường thì xảy ra vụ việc hết sức đau lòng như thế” – Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh nhấn mạnh.
Cái này tôi đã chỉ đạo hiệu trưởng toàn ngành là đừng chủ quan, ra ngoài học sinh mới xích mích, khích bác nhau. Đây chính là căn nguyên vấn đề bạo lực học đường và chung ta phải tìm ra nguyên nhân mới giải quyết, đề phòng được.
Ở nhà thì bố mẹ, đến trường là giáo viên chủ nhiệm, còn ngoài xã hội là các tổ chức đoàn, hội, cơ quan chức năng…
“Nhân đây rất mong ngành công an, bộ đội quan tâm hơn và có các biện pháp răn đe để ngành có cơ sở giáo dục phù hợp, tăng cường tuyên truyền, nêu gương” – bà Đặng Thị Quỳnh Diệp đề nghị.
Theo Hạnh Nguyễn
Link gốc: http://daidoanket.vn/giam-doc-so-giao-duc-ha-tinh-ly-giai-tinh-trang-bao-luc-hoc-duong-5705038.html