Giám đốc phải vay tiền ngân hàng để ứng trước lương cho nhân viên bảo vệ rừng
Ngày 11.12, trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Thái - Trưởng Phòng Tổ chức tuyên truyền và xây dựng lực lượng - Chi cục Kiểm lâm Nghệ An cho biết, nhiều năm qua, lực lượng lao động hợp đồng chuyên trách bảo vệ rừng thuộc các đơn vị ngành lâm nghiệp của tỉnh hết sức khó khăn, bức xúc vì bị chậm lương nhiều tháng.
Theo đó, căn cứ nội dung hợp đồng lao động được xây dựng trên cơ sở Bộ Luật Lao động, lương của người lao động phải được người sử dụng lao động trả đầy đủ, đúng hạn, không được chậm quá thời hạn một tháng.
Tuy nhiên, thực tế, đội ngũ lao động hợp đồng chuyên trách bảo vệ rừng tại Nghệ An bị chậm lương hàng năm trời. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm.
Nguyên nhân do nguồn kinh phí chi trả lương cho lực lượng lao động hợp đồng chuyên trách bảo vệ rừng thuộc các đơn vị ngành lâm nghiệp của tỉnh lấy từ nguồn kinh phí bảo vệ rừng của Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững do Trung ương cấp vào cuối năm.
Cụ thể, để có nguồn kinh phí cho năm 2022, từ ngày 19.7.2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An đã có báo cáo gửi Tổng cục Lâm nghiệp, trong đó có vấn đề nguồn kinh phí bảo vệ rừng. Nhưng đến ngày 22.11.2022 thì Nghệ An mới được cấp hơn 54 tỉ đồng theo Quyết định số 1449 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2022.
Tiền từ Trung ương đã cấp về, nhưng vẫn chưa thể chi trả cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng do còn vướng mắc thủ tục, cơ chế.
“Tình hình hết sức khó khăn. Lương đã thấp, lại bị chậm nhiều tháng, nên một số lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ, Công ty Lâm nghiệp đã phải chấp nhận đi vay ngân hàng (trả lãi) để cho anh em bảo vệ rừng tạm ứng duy trì cuộc sống trong khi chờ nguồn trả lương. Biết rằng việc trả chậm lương như vậy là sai luật nhưng không có cách nào khác” – ông Phạm Văn Thái nói.
Được biết, hiện nay các Ban Quản lý rừng phòng hộ, Công ty Lâm nghiệp và Tổng đội Thanh niên xung phong của tỉnh Nghệ An có trách nhiệm quản lý hơn 318.000 ha rừng tự nhiên; trong đó, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của các đơn vị này đang có trách nhiệm quản lý, bảo vệ 131.000 ha, với con số lên tới hàng trăm người.
Do điều kiện thường xuyên xa nhà, sống bám rừng, điều kiện làm việc hết sức khó khăn, khắc nghiệt, lương thấp lại thường xuyên bị chậm, cộng thêm áp lực trách nhiệm rất lớn nếu để rừng bị mất, nên đã có rất nhiều lao động chuyên trách bảo vệ rừng nghỉ việc.
Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, toàn ngành lâm nghiệp Nghệ An có 158 người nghỉ việc; trong đó chủ yếu là lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.
Riêng thời điểm từ năm 2020 – 2022, có 93 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc lực lượng kiểm lâm và chuyên trách bảo vệ rừng tỉnh Nghệ An nghỉ việc. Tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương, trong tổng số 33 lao động chuyên trách bảo vệ rừng thì có tới 12 người viết đơn xin nghỉ việc.
Link gốc: https://laodong.vn/ban-doc/giam-doc-phai-vay-tien-ngan-hang-de-ung-truoc-luong-cho-nhan-vien-bao-ve-rung-1126232.ldo