Đề nghị công an tuần tra, ngăn chặn tình trạng vứt heo nghi nhiễm bệnh xuống kênh thủy lợi
Liên tiếp phát hiện heo chết trôi trên kênh, huyện Yên Thành đề nghị công an bố trí lực lượng tuần tra để ngăn chặn tình trạng vứt heo ra môi trường.
Ngày 1/11, ông Bùi Trọng Long – Bí thư xã Mã Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) – cho biết, địa phương này vừa vớt và tiêu hủy xác 2 con heo chết trôi trên kênh Đào (đoạn qua địa phận xã Mã Thành). Công an huyện Yên Thành cũng đã đi rà soát dọc sông Đào để tìm đối tượng vứt heo chết ra kênh.
Theo ông Bùi Trọng Long, số heo chết bị vứt xuống kênh Đào nghi là heo nhiễm dịch tả heo châu Phi. Do chờ đợi tiền hỗ trợ tiêu hủy heo quá lâu, có thể một số người chán không còn muốn báo chính quyền địa phương để tiêu hủy mà vứt heo xuống kênh.
“Nhiều xã ở phía thượng nguồn con kênh này cũng vớt được nhiều heo chết. Hành vi vứt xác heo này rất nguy hiểm, không chỉ gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ lây lan dịch bệnh cho vật nuôi mà còn cả con người nữa nên khiến người dân địa phương rất bức xúc” – ông Bùi Trọng Long nói.
Theo người dân địa phương, tình trạng heo chết trôi dạt trên kênh Đào xuất hiện gần 1 tháng trở lại đây. Nhiều thời điểm họ phát hiện 3 đến 4 con ở 1 xã. Heo chết có đủ loại, từ heo con, heo mẹ; có con được bỏ vào bao tải, có con nằm trơ, phân hủy dưới nước.
Kênh Đào dẫn nước từ sông Lam, bắt đầu từ huyện Đô Lương, chảy qua huyện Yên Thành, Diễn Châu và Quỳnh Lưu, cung cấp nước tưới và nước sinh hoạt cho hàng trăm ngàn người dân. Tình trạng heo chết trôi dạt số lượng lớn trên kênh giữa thời điểm dịch tả heo châu Phi đang bùng phát mạnh ở huyện Yên Thành khiến nhiều người dân bức xúc, lo lắng.
Một lãnh đạo UBND xã Xuân Thành (huyện Yên Thành) cho biết, trong hơn 1 tuần qua, địa phương này đã vớt được 10 con heo chết trôi trên kênh Đào đoạn qua địa bàn để tiêu hủy. Heo chết đã bốc mùi, có con đã phân hủy, có thể bị vứt ra sông từ phía thượng nguồn từ nhiều ngày trước.
Tình trạng trên còn khiến nhiều hộ dân chăn nuôi heo lo lắng khi sử dụng nguồn nước từ dòng kênh này để tắm, vệ sinh chuồng heo mỗi ngày. “Không biết sử dụng nước từ kênh để tắm cho heo thì có nhiễm bệnh không nữa. Để đảm bảo an toàn, chúng tôi phải khoan một cái giếng để thay thế nguồn nước từ gần 1 tháng qua” – bà Trần Thị Linh (một hộ chăn nuôi heo ở xã Liên Thành, huyện Yên Thành) nói.
Yên Thành là huyện thuần nông, hiện có đàn heo hơn 82.000 con. Dịch tả heo châu Phi tái xuất đang đe dọa nhiều trang trại và các chủ hộ chăn nuôi nhỏ. Từ đầu tháng 9/2023, dịch tả heo châu Phi bùng phát mạnh ở huyện Yên Thành, đến nay đã lây lan ra 11 xã, thị trấn. Đến nay, đã có hơn 534 con heo mắc dịch tả heo châu Phi (tổng trọng lượng hơn 21 tấn) trên địa bàn được tiêu hủy.
Ông Lê Văn Hồng – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Thành – cho biết, thời gian qua trên kênh Đào và một số khu vực môi trường tự nhiên xuất hiện tình trạng xác heo chết được vứt bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Có thể người dân vứt trực tiếp xuống kênh hoặc là hệ thống mương khác rồi chảy ra con kênh này.
UBND huyện Yên Thành đã giao chính quyền các xã có kênh Đào chảy qua theo dõi, kịp thời vớt xác heo trôi trên kênh tiêu hủy. Công an huyện Yên Thành cũng được yêu cầu bố trí lực lượng tuần tra để phát hiện, xử lý những người vứt heo chết do dịch bệnh ra môi trường tự nhiên, gây ô nhiễm và phát tán mầm dịch.
Ngoài huyện Yên Thành, dịch tả heo châu Phi cũng được phát hiện lây lan diện rộng tại huyện Diễn Châu và Quỳ Hợp. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, trên địa bàn Nghệ An trong hơn 9 tháng đầu năm 2023 đã có 64 ổ dịch tả heo châu Phi.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành công điện khẩn yêu cầu các địa phương tập trung mọi nguồn lực triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống, không để dịch lây lan, kéo dài và phát sinh ổ dịch mới.
Đồng thời chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo dẫn đến dịch lây lan rộng, gây ảnh hưởng đến người dân và cộng đồng.