Đại dự án hoang tàn ở Hà Tĩnh: Kế hoạch nuôi 250.000 con bò đổ vỡ, nghìn ha đất bỏ phí

Dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt do Công ty cổ phần Chăn nuôi Bình Hà làm chủ đầu tư là một trong những dự án lĩnh vực nông nghiệp thuộc hàng lớn nhất miền Bắc. Tuy nhiên, sau một thời gian đầu tư, loạt lãnh đạo công ty bị truy tố. Công ty Bình Hà đã tái cơ cấu lại dự án nhưng đến nay dự án vẫn tình trạng “chết yểu”, hàng ngàn ha đất đang trở dần hoang phí...

Đại dự án hoang tàn ở Hà Tĩnh: Kế hoạch nuôi 250.000 con bò đổ vỡ, nghìn ha đất bỏ phí

Dự án chăn nuôi bò của Công ty cổ phần Chăn nuôi bò Bình Hà (Bình Hà) được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2015 với diện tích đất khảo sát khoảng hơn 6.000ha, quy mô đàn bò dự kiến 150.000 con bò/năm, vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng.

Năm 2016, dự án được điều chỉnh với tổng diện tích đất thực hiện 2.000ha, tổng đàn bò 254.200 con/năm, tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng.

Nhà đầu tư đưa ra viễn cảnh của dự án rất tươi sáng nhưng không lâu sau khi dự án đi vào vào hoạt động thì bị đình trệ. Vào cuối tháng 3/2017, dự án ngừng nuôi, hệ thống chuồng trại bỏ không.

Dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt do Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà làm chủ đầu tư được triển khai thực hiện trên địa bàn thuộc huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh, Hà Tĩnh.

Tháng 5/2021, Công ty Bình Hà có chủ trương tái cơ cấu, khởi động lại dự án theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) và được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương tại Quyết định số 29/QĐ-UBND ngày 11/5/2021. Qua đó, dự án được triển khai trên diện tích 1.227,54ha (trong đó địa bàn Kỳ Anh là 538,56ha và Cẩm Xuyên là 688,98ha) để tái cơ cấu. Quy mô vật nuôi giảm xuống còn 35.000 con bò, đồng thời bổ sung thêm quy mô trồng các loại dứa, chuối, ngô, cây ăn quả, cỏ, dược liệu với tổng vốn đầu tư giảm còn 1.800 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2023, doanh nghiệp đã được tỉnh Hà Tĩnh cho thuê đất, bàn giao thực địa 819,87ha, trong đó đất đã GPMB, khai hoang sử dụng để trồng cỏ và xây dựng chuồng trại là 633,81 ha.

Viễn cảnh của dự án rất hoành tráng nhưng không lâu sau khi dự án đi vào vào hoạt động thì bị “chết yểu”…

Tiếp đó, Công ty Bình Hà và đối tác kinh doanh là Công ty cổ phần thương mại đầu tư phát triển Do Holdings (TP. Hồ Chí Minh) đã kết hợp chăn nuôi và trồng ngô, sắn nguyên liệu, cỏ, dứa và cây dược liệu… trên diện tích đã được chấp thuận song không hiệu quả. Vào hồi cuối 3/2023, đối tác đã rút lui khỏi dự án…

Giữa tháng 11/2023, Công ty Bình Hà tiếp tục có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh, xin không thực hiện việc ký quỹ đầu tư dự án hoặc xin chậm thời gian thực hiện việc ký quỹ trong thời gian chờ thi hành án và tìm kiếm đối tác nhận chuyển nhượng dự án, với số tiền 15,5 tỷ đồng.

Hiện phần đất dự án tại xã Cẩm Quan, Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Xuyên), cả dãy dài tít tắp chuồng nuôi vẫn đang bỏ hoang, không nuôi một con bò nào. Nhiều chuồng mái tôn đã bị gió tốc mái, hư hỏng, hoen gỉ…

Tuy nhiên, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh đã có văn bản bác yêu cầu nói trên. Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh cho biết, Dự án Chăn nuôi bò và trồng cây nguyên liệu tại Hà Tĩnh của Công ty cổ phần Chăn nuôi Bình Hà là dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn… đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh cho hưởng các chính sách theo quy định cụ thể. Do vậy, yêu cầu Công ty nghiêm túc thực hiện ký quỹ đầu tư dự án theo đúng quy định.

Cùng với đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh cũng yêu cầu Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục, tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện dự án đúng nội dung, tiến độ đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư…

Khu nhà công nhân, hành chính của công ty bỏ hoang, nhếch nhác, vương vãi phân gia súc.

Theo ghi nhận của PV VietnamFinance, đến những ngày cuối tháng 4/2024 này, phần đất dự án tại xã Cẩm Quan, Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Xuyên), cả dãy dài tít tắp chuồng nuôi vẫn đang bỏ hoang, không nuôi một con bò nào. Nhiều chuồng mái tôn đã bị gió tốc mái, hư hỏng, hoen gỉ.

Một bảo vệ tại đây cho biết, hiện công ty có nuôi bò ở dãy chuồng thuộc huyện Kỳ Anh, tại huyện Cẩm Xuyên này chủ yếu chỉ trồng sắn và sắp sửa trồng dứa.

 

Người dân địa phương cho biết nhiều năm dự án không còn chăn nuôi, trồng trọt nên thấy đất bỏ hoang, họ tiếc nuối…

Các máy móc chất đầy kho bãi, một số phơi mưa phơi nắng, toàn bộ khu nhà công nhân, trụ sở hành chính của công ty bỏ hoang, nhếch nhác, vương vãi phân gia súc… đang tạo nên một “bức tranh” vô cùng ảm đạm tại dự án chăn nuôi vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.

Tác giả: Văn Tuân