Chuyện ở công an xã “to” nhất tỉnh Nghệ An
“Với tổng diện tích tự nhiên hơn 440 km2, gấp 4 lần diện tích TP Vinh, gấp gần 16 lần thị xã Cửa Lò và tương đương một nửa diện tích tỉnh Bắc Ninh, Châu Khê nắm giữ “kỷ lục” là xã có diện tích lớn nhất Nghệ An. Tôi là trưởng công an xã “to” nhất tỉnh” - Thiếu tá Lê Nam Anh tếu táo chia sẻ với chúng tôi.
Không chỉ rộng lớn, Châu Khê còn là một trong 2 xã biên giới của huyện Con Cuông với 24,414 km đường biên tiếp giáp với nước bạn Lào. Chỉ từng ấy thông tin cũng hình dung ra phần nào những thách thức đặt ra cho công an xã…
1. Ấn tượng đầu tiên khi tôi đến Công an xã Châu Khê là trụ sở… quá đẹp. Khu nhà mới dành cho công an xã được đưa vào sử dụng chưa tròn năm rất khang trang. Cạnh đó, khu nhà ở dành cho cán bộ chiến sĩ đang tiếp tục được xây dựng.
Ngắm trụ sở “xịn xò” trong khuôn viên 800 m2 , chúng tôi hiểu đó là sự quan tâm của UBND tỉnh, Công an tỉnh Nghệ An dành cho công an xã biên giới nhiều đặc thù như Châu Khê.
Trong câu chuyện với chúng tôi, Thiếu tá Lê Nam Anh chia sẻ, không chỉ rộng nhất tỉnh, xã Châu Khê còn có địa hình phức tạp với 70% diện tích là rừng núi, dân cư sống phân tán, thưa thớt, trình độ dân trí không đồng đều. Trước đây, ở xã từng có 1 điểm bán lẻ ma túy với 2 đối tượng nghi hoạt động phạm tội về ma túy, 10 người nghiện và 26 người nghi sử dụng trái phép chất ma túy, có 6 đối tượng mới chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trở về địa phương sinh sống. Chính tệ nạn ma túy khiến đời sống của bà con luôn bất ổn, gây nhiều khó khăn trong công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn. Không những thế, ở Châu Khê số lượng người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương hằng năm đều tăng.
Tháng 6/2018, đang công tác tại Đội Thi hành án và hỗ trợ tư pháp Công an huyện Con Cuông, Thiếu tá Lê Nam Anh được phân công về phụ trách xã Châu Khê. Nhiệm vụ mới, địa bàn công tác mới, nhưng những khó khăn, thách thức đặt ra không làm anh chùn bước.
“Về xã, tôi bắt tay ngay vào việc nắm bắt địa bàn. Phải nhiều ngày mới có thể đi hết địa bàn xã, mới đó mà đã hơn 4 năm gắn bó với bà con”, anh nhớ lại. Ở Châu Khê, bà con các dân tộc Thái, Kinh, Đan Lai và Khơ Mú… phân bố rải rác ở 9 thôn bản. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 35,7%, trình độ dân trí thấp. Hai bản Khe Bu, Khe Nà và cụm dân cư Khe Nóng thuộc bản Châu Sơn còn chưa có điện lưới thắp sáng nên đời sống nhân dân càng nhiều khó khăn. Vì vậy, sau khi nhận nhiệm vụ, anh em lập tức bắt tay vào rà soát địa bàn và lên kế hoạch xử lý dứt điểm các điểm nóng. Chỉ trong thời gian ngắn, công an xã đã bắt và xử lý nhiều đối tượng tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy.
Năm 2019, qua công tác nắm tình hình, công an xã phát hiện trên địa bàn có một số đối tượng từng đi làm ăn xa rồi nghiện ma túy, sau đó quay trở về địa phương sinh sống, nghi vấn hoạt động phạm tội về ma túy. Nổi lên đối tượng Lê Văn Nghĩa, sinh năm 1981, trú tại thôn Khe Choăng, xã Châu Khê. Nghĩa từng có thời gian đi làm ăn bên Lào và trở về địa phương sống cùng mẹ già từ tháng 6/2019.
Qua xác minh, Thiếu tá Nam Anh phát hiện đối tượng Nghĩa nghiện ma túy nặng và từ khi trở về luôn đóng kín cửa, có biểu hiện lén lút sử dụng ma túy tại nhà. Nghi ngờ trước khi về địa phương, đối tượng có mang theo một lượng lớn ma túy về để sử dụng dần. Vì vậy, Thiếu tá Nam Anh đã cho họp bàn và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí trong ban công an xã tiến hành bám sát mọi di biến động của đối tượng. 15h ngày 24/9/2019, tổ công tác của công an xã vào nhà mẹ của Nghĩa kiểm tra hành chính, thu giữ 62 viên ma túy đối tượng mua từ Lào về để sử dụng dần.
Gần đây nhất, ngày 19/8/2022, vào khoảng 1 giờ tại địa phận thôn 2/9, Công an xã Châu Khê phối hợp Công an huyện Quỳnh Lưu bắt giữ Lương Văn Lĩnh, sinh năm 1997, trú tại bản Nà Cọ, xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông về hành vi “Vận chuyển trái phép chất ma túy”, thu giữ 4.200 viên ma túy tổng hợp dạng hồng phiến và 102,2 gam heroin.
Với người đã chấp hành án xong, trở về địa phương, công an xã lập hồ sơ để theo dõi, quản lý, giúp đỡ họ. Đặc biệt, mô hình “điển hình tiên tiến trong công tác tái hòa nhập cộng đồng” là một sáng kiến nhằm mục đích giúp đỡ các đối tượng có quá khứ lỗi lầm tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống. Năm 2007, Nguyễn Hữu Thuận (sinh năm 1971, trú tại thôn Khe Choăng) bị bắt về hành vi “Tàng trữ trái phép chất mà túy”, bị Tòa án nhân dân huyện Tương Dương tuyên phạt mức án 26 tháng tù giam. Năm 2009, chấp hành án xong, trở về nhà, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, anh Thuận đã vượt qua mặc cảm, tu chí làm ăn, trở thành người làm ăn giỏi, có uy tín trong cộng đồng. Tháng 6/2022, công an xã tham mưu UBND xã ra mắt mô hình “Điển hình trong công tác tái hòa nhập cộng đồng”. Anh Thuận chính là gương điển hình đầu tiên của mô hình này.
Đến Công an xã Châu Khê, điều chúng tôi vui và ấn tượng khi biết rằng xã có một nữ cán bộ công an là người dân tộc Đan Lai. Đó là Thiếu úy La Thị Trang, sinh năm 1999. Là một trong số ít con em người Đan Lai có ý thức vượt khó học tập để vươn lên. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng An ninh nhân dân 1, Trang được phân công về quê hương mình làm công an xã từ tháng 10/2020. Ở hai xã biên giới của huyện Con Cuông, chỉ có duy nhất Thiếu úy Trang là nữ công an xã.
2. Chỉ cách đây ít ngày, một đợt lũ kinh hoàng vừa quét qua Nghệ An. Nước ở thượng nguồn đổ về, mực nước sông và khe suối dâng cao khiến địa bàn Châu Khê và nhiều xã khác ngập lụt trên diện rộng. Đất Châu Khê vốn đã rộng nay dường như lại càng mênh mông trong nước lũ, cuộc sống của bà con đã khó khăn lại càng chồng chất khó khăn. Đường vào bảnKhe Bu, Khe Nà và cụm dân cư Khe Nóng thuộc bản Châu Sơn bị chia cắt do nước lũ và sạt lở đất đá. Thiếu tá Nam Anh cùng anh em công an xã đã vào tận các điểm bản này để động viên, hỗ trợ người dân, vận chuyển một số mặt hàng cứu trợ của UBND huyện để hỗ trợ cho các gia đình khó khăn bị ảnh hưởng mưa lũ. Hôm đến trụ sở Công an xã Châu Khê, chúng tôi gặp chị La Thị May (sinh năm 1996) đến làm sổ hộ khẩu. “Trước đây tôi không biết làm hộ khẩu lại quan trọng như thế. Được các anh công an xã về tuyên truyền, hôm nay tôi tranh thủ đi làm”, chị May chia sẻ với chúng tôi.
Nhà chị May mãi tận trong Khe Nóng – một quần cư thuộc bản Châu Sơn với khoảng 50 nóc nhà của bà con Đan Lai sinh sống tách biệt. Muốn đến nhà chị , phải đi gần 20km, lội qua 7 quãng suối mới đến nơi. Chị May bảo từ khi có các anh công an chính quy về xã, chị và bà con trong Khe Nóng năng ra trung tâm xã hơn. Có việc gì về thủ tục, giấy tờ, bà con đều được các anh công an hướng dẫn, giải quyết nên bà con yên tâm lắm. Thường xuyên vượt rừng vào Khe Nóng nên hoàn cảnh từng hộ dân, anh em công an đều nắm rõ cả. Trước khi chị May ra về, Thiếu tá Nam Anh động viên: “Chị May đã tốt nghiệp THCS, giờ 2 con đã lớn, cố gắng làm ăn, xây dựng thôn bản để làm cán bộ thôn bản nhé”. Người phụ nữ Đan Lai cười ngượng nghịu và gật đầu.
Link gốc: https://antg.cand.com.vn/Phong-su/chuyen-o-cong-an-xa-to-nhat-tinh-nghe-an-i672211/