Chủ tịch Quốc hội: Đừng ‘đẻ’ thêm các thủ tục, phải tạo thuận lợi cho người dân

Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong quá trình hoàn thiện Luật Giao dịch điện tử sửa đổi phải tạo thuận lợi cho người dân, đừng "đẻ" thêm các thủ tục, điều kiện bắt buộc.

Sáng 19/9, phát biểu thảo luận về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng trong báo cáo tờ trình và báo cáo thẩm tra vẫn còn một số điểm vướng mắc, các cơ quan cần sớm tháo gỡ trước khi bấm nút thông qua tại nghị trường Quốc hội.

Ông Huệ nêu ví dụ, trong thực tế, tất cả các vấn đề giao dịch về dân sự thì vẫn phải trở về nguyên thủy nhất là văn bản giấy, nhiều báo mạng điện tử đến đâu thì báo giấy vẫn được sử dụng, trong lĩnh vực bưu chính có phát triển muôn hình vạn trạng thì vẫn phải chuyển phát về bưu cục…

“Các đồng chí nói là phải tạo thuận lợi cho người dân, nhưng đừng đẻ thêm các thủ tục, đẻ thêm quy trình, đẻ thêm điều kiện bắt buộc. Ví dụ như đã số rồi, khi giao dịch tự nhiên lại bảo xuất trình bản giấy cho tôi đối chiếu xem xét lại. Tôi đề nghị trong quá trình thiết kế và thực thi chính sách phải làm rõ hơn trong dự án luật này”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Quốc hội, giao dịch điện tử thực chất là một phương cách để thực hiện giao dịch, công dân có quyền thực hiện hoặc không. Ngoài ra, một số trường hợp bất khả kháng người dân không muốn thực hiện giao dịch điện tử.

“Tôi nghĩ trong quan điểm và trong thể hiện điều khoản của luật phải thể hiện được việc đấy, chứ không chỉ nói rằng tôi quy định như thế này hàm ý rằng tôi không bắt buộc vì quyền của công dân, chưa kể những vấn đề thuộc lĩnh vực bí mật riêng tư”, ông Huệ nói.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Về vấn đề mở rộng phạm vi điều chỉnh trong dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) bao gồm cả giao dịch điện tử cơ quan, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại, hành chính, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần xem xét thêm tính khả thi, cân nhắc mức độ mở rộng phạm vi điều chỉnh và lộ trình.

“Chúng ta không bắt buộc nên trong luật phải nêu rõ những quy định này, một phần để đảm bảo thuận lợi cho người dân nhưng, mặt khác cũng đảm bảo an toàn, an ninh như thế nào. Ví dụ như đăng ký kết hôn có nhất thiết phải dắt nhau đến cùng lúc không?”, ông Huệ nói.

Ông Huệ đặt vấn đề, Hiến pháp quy định có những vấn đề liên quan đến quyền thông tin riêng tư và bất khả xâm phạm, liệu có cách nào khi thực hiện về giao dịch điện tử để bảo vệ an toàn cho người dân không? Hạ tầng có phải lúc nào cũng đáp ứng được vấn đề này không?

“Mở rộng là xu hướng đúng nhưng cũng nói thêm về kinh nghiệm thế giới, về lộ trình, cân nhắc phạm vi. Ngoài ra, trong phạm vi đối với các quy định giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước, dịch vụ công, thương mại điện tử, lĩnh vực tài chính ngân hàng có đặc thù riêng thì cần thiết có những quy định riêng hoặc có những quy định khung để sau này làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết hơn”, Chủ tịch Quốc hội nói thêm.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cần xem xét lại các luật mẫu, luật khung hiện hành trên thế giới về vấn đề giao dịch điện tử. Ông Huệ cho rằng việc học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia đi trước là đi tắt, đón đầu, để tránh tình trạng “mãi mãi ta vẫn là người đến sau”.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Dự án luật cơ bản đủ điều kiện trình Quốc hội thảo luận và cho ý kiến.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Ông Hải đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, ý kiến tham gia của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự án luật, lưu ý ý kiến của Chủ tịch Quốc hội để tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng, nhất là Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 để hoàn thiện dự thảo luật, góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện, nhằm phát triển kinh tế số, xã hội số, phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, internet và công không gian mạng…

“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh hồ sơ dự án luật. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường hoàn chỉnh các báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV”, Phó Chủ tịch Quốc hội kết luận.

Theo Anh Văn

Link gốc: https://vtc.vn/chu-tich-quoc-hoi-dung-de-them-cac-thu-tuc-phai-tao-thuan-loi-cho-nguoi-dan-ar701737.html