Chặn “biến tướng” kinh doanh đa cấp
Lợi dụng lòng tin để lôi kéo, dụ dỗ người dân tham gia để trục lợi, lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản, thu lợi bất chính… là những gì mà hoạt động kinh doanh đa cấp đang “biến tướng".
Những hành vi nói trên đã được cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn nhưng tình trạng này vẫn còn tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau chưa thể ngăn chặn một cách dứt điểm.
Nhận diện đa cấp
Theo quy định hiện hành, kinh doanh, bán hàng đa cấp là phương thức bán hàng được pháp luật Việt Nam công nhận, được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động. Bởi mục tiêu của bán hàng đa cấp là đưa hàng hoá từ nhà sản xuất trực tiếp tới tay người tiêu dùng nhằm thoả mãn nhu cầu tiêu dùng trên thị trường, góp phần tạo ra dòng chảy của nền kinh tế.
Cũng theo quy định của pháp luật, bán hàng đa cấp là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận đăng ký bán hàng đa cấp thì mới đủ điều kiện hoạt động. Mặt khác, theo quy định hiện hành, hoạt động bán hàng đa cấp chỉ được phép thực hiện đối với đối tượng là hàng hoá. Và, tất cả các hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không phải là mua bán hàng hoá đều không được pháp luật cho phép.
Pháp luật Việt Nam cũng quy định những hàng hóa không được kinh doanh theo phương thức đa cấp gồm: thuốc; trang thiết bị y tế; các loại thuốc thú y (bao gồm cả thuốc thú y thủy sản); thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn hạn chế sử dụng và cấm sử dụng trong lĩnh vực gia dụng và y tế và các loại hóa chất nguy hiểm; sản phẩm nội dung thông tin số – là sản phẩm nội dung, thông tin bao gồm văn bản, dữ liệu, hình ảnh, âm thanh được thể hiện dưới dạng số…
Tuy nhiên, hoạt động bán hàng đa cấp có đặc thù riêng, đó là việc tiếp thị bán hàng được thực hiện bằng phương pháp truyền miệng, không thực hiện quảng cáo, marketing… như bán hàng truyền thống. Bộ Công Thương cũng khuyến cáo, khi được giới thiệu, chào mời tham gia vào bất kỳ doanh nghiệp kinh doanh đa cấp nào, người dân cần kiểm tra kỹ xem đơn vị đó đã được cấp giấy phép hoạt động trên địa bàn Việt Nam hay chưa?
Bởi thực trạng hiện nay dưới nhiều “vỏ bọc” khác nhau, nhiều doanh nghiệp kinh doanh đa cấp với mô hình trả thưởng cùng với một số hình thức có thể kể đến như mua bán tiền điện tử, kinh doanh dịch vụ giáo dục, kêu gọi đầu tư các dự án… đều bị pháp luật nghiêm cấm, người tham gia không được pháp luật bảo vệ nếu gặp rủi ro.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp vi phạm các hình thức kinh doanh “biến tướng” đa cấp nói trên có thể bị xử phạt hành chính tới 200 triệu đồng, riêng cá nhân bị xử phạt tới 100 triệu đồng hoặc có thể xử lý hình sự với mức phạt 05 tỷ đồng hoặc 05 năm tù giam theo điều 217a Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi và bổ sung năm 2017.
Nhiều dấu hiệu kinh doanh đa cấp vi phạm pháp luật hiện nay có thể dễ nhận biết như: Yêu cầu người khác đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định hoặc phải mua một sản phẩm nhất định để tham gia vào hệ thống; Cho người tham gia nhận hoa hồng từ việc tuyển dụng, giới thiệu người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp; Nói quá thông tin để dụ dỗ người khác tham gia…
Ngăn chặn “biến tướng” kinh doanh đa cấp
Kinh doanh theo phương thức đa cấp là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới.
Ông Cao Minh Tú – Phó Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho rằng, công tác quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp thực tế hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề trong công tác tuyên truyền, quản lý về mặt nhà nước. Hậu quả của hoạt động kinh doanh đa cấp “biến tướng” đã khiến nhiều gia đình “tán gia bại sản”, thậm chí nhiều người đã rơi vào vòng xoáy của hệ thống bán hàng trái với quy định pháp luật chưa thể dứt ra được.
Cách đây chưa lâu, trên địa bàn Nghệ An cũng đã xuất hiện một số doanh nghiệp, tổ chức cá nhân, sử dụng mạng xã hội, các trang điện tử để huy động tài chính theo phương thức đa cấp nhằm thu lợi bất chính như dự án Cowd1, MyAladinzs, WinsBank, Lion Group với chiêu thức lôi kéo người tham gia nộp tiền vào hệ thống trên các sàn điện tử để hưởng tiền lãi hàng tháng với mức lãi 0,8-1%/ngày, tức 290 – 365%/năm.
Trong khi đó, trên thực tế, các nhà đầu tư tài chính hàng đầu thế giới như Berkshire Hathaway của Buffett, Quỹ Quantum của George Soros thì lợi nhuận trong cả năm cao nhất cũng chỉ khoảng 20% – 30%/năm… Chưa kể, một số tổ chức tự xưng phát triển tại một số địa phương, núp bóng dưới các tên như: “cộng đồng đầu tư tài chính”, “kinh doanh 4.0”… hoạt động rầm rộ trên nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo… có dấu hiệu bất thường trong huy động, kinh doanh ngoại hối để trục lợi.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 14 doanh nghiệp bán hàng đa cấp được Bộ Công Thương cấp phép hoạt động với gần 40.000 người tham gia bán hàng đa cấp tại địa phương, vùng miền… Theo đó, hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp được pháp luật Việt Nam công nhận cũng đã góp phần không nhỏ trong việc lưu thông, tiêu thụ hàng hoá từ nhà sản xuất tới tay người tiêu dùng.
Tuy nhiên, thời gian qua cũng đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp kinh doanh đa cấp bất chính thường dụ dỗ, lôi kéo người tham gia bỏ ra một khoản tiền để gia nhập hệ thống, xem như chi phí để gia nhập dưới nhiều chiêu trò khác nhau như: Yêu cầu nộp tiền làm thẻ thành viên, mua tài liệu đào tạo, tham gia khoá huấn luyện…
Trước tình trạng vi phạm kinh doanh bán hàng đa cấp diễn ra trên địa bàn, vào tháng 04/2021, ông Phan Văn Hoá Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cũng đã ký, phát văn bản đề nghị cơ quan chức năng khởi tố đa cấp huy động vốn trái phép.
Theo Ngọc Thái
Link gốc: https://diendandoanhnghiep.vn/chan-bien-tuong-kinh-doanh-da-cap-245437.html