Cảnh giác trước nguy cơ bệnh lao trở lại
Bệnh lao, một trong những loại bệnh “truyền thống”, từng là nỗi sợ hãi, từng bị đẩy lùi. Nhưng mối lo là bệnh lao đã có dấu hiệu trở lại. Hiện có khoảng 40% ca lao tiềm ẩn trong cộng đồng chưa được phát hiện, cùng với 2% bệnh nhân lao kháng thuốc, là nguyên nhân lây lan chính trong cộng đồng. Gần 30% người dân Việt Nam có tiếp xúc với vi khuẩn lao.
Đây là thực trạng được nêu lên tại Hội nghị triển khai công tác năm 2024 của Ủy ban quốc gia về chấm dứt bệnh lao, vừa diễn ra tại Hà Nội.
Cái khó hiện nay là 12/63 tỉnh, thành chưa có bệnh viện lao và bệnh phổi, dẫn đến thiếu nhân sự chuyên trách để triển khai các can thiệp phòng, chống lao. Trong khi đó, mô hình y tế tuyến huyện chưa đồng nhất tại 63 địa phương gây ra các khó khăn khi thực hiện thanh toán thuốc lao và các dịch vụ khám bệnh lao từ bảo hiểm y tế.
Cán bộ y tế chuyên ngành phòng, chống lao rất thiếu, chế độ chính sách hạn chế. Nguồn kinh phí viện trợ quốc tế cho hoạt động phòng, chống lao có xu hướng giảm dần; trong khi ngân sách địa phương cho hoạt động này còn hạn chế.
Nhận thức của người dân về bệnh lao đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn sai lệch, chưa đầy đủ. Ví dụ nghĩ đến bệnh lao là chỉ nghĩ đến lao phổi, lây lan, từ đó kỳ thị và mặc cảm… Đa số bệnh nhân lao lại có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.
Bệnh lao là vấn đề sức khoẻ cộng đồng (SKCĐ) nên cần có sự tham gia của mọi người dân để chấm dứt căn bệnh này. Theo các chuyên gia về bệnh lao, phổi và chăm sóc SKCĐ, yêu cầu quan trọng nhất là phát hiện sớm, điều trị ngoại trú tại cơ sở và có mạng lưới giám sát để bệnh nhân lao điều trị khỏi hoàn toàn.
Việt Nam đã có mạng lưới phòng, chống lao đến tận cơ sở. Chúng ta cũng có chương trình hành động chăm sóc SKCĐ và hệ thống y tế dự phòng đến tận cơ sở. Đây là lợi thế lớn đẩy lùi bệnh lao, chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Chúng ta từng thành công khi thực hiện các giải pháp chính sách pháp luật; giải pháp truyền thông; giải pháp chuyên môn kỹ thuật và dịch vụ phòng, chống bệnh lao; giải pháp hợp tác quốc tế; giải pháp cung ứng thuốc và hậu cần kỹ thuật phòng, chống bệnh lao; giải pháp bảo đảm nguồn tài chính công cho công tác phòng, chống, khám, chữa bệnh lao; giải pháp bảo đảm nguồn nhân lực; giải pháp kiểm tra giám sát.
Hiện nay, nguy cơ mắc bệnh lao có thể xảy ra với tất cả mọi người, không miễn trừ ai. Đầu tư cho phòng, chống lao là góp phần quan trọng vào xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao sức khỏe của người dân Việt Nam.
Tại Hội nghị nêu trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Y tế phải chỉ rõ các khó khăn, thách thức, nguy cơ bùng phát và gánh nặng điều trị nếu không có giải pháp kiểm soát và đẩy lùi hữu hiệu bệnh lao. Ngoài nỗ lực của Chính phủ, cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bệnh lao, chủ động khám sàng lọc, phòng ngừa.
Tác giả: Ngô Đức Hành
Nguồn: baophapluat.vn