Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh lên tiếng về vụ “Bất thường quy định mời thầu tại Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1”
Trước những quy định “bất thường” trong hồ sơ mời thầu (HSMT) gói “thi công nạo vét tuyến luồng, vùng đậu và quay tàu ra vào cảng Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1” của Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh, gây khó dễ cho các nhà thầu, Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh đã có những phân tích, đánh giá về vấn đề này.
Báo CAND các ngày 29/8 và 23/9 đăng bài viết “Bất thường quy định mời thầu tại Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1” và “Bất thường quy định mời thầu tại Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1: Chủ đầu tư và nhà thầu nói gì?”, phản ánh Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh đưa vào hồ sơ mời thầu gói “thi công nạo vét tuyến luồng, vùng đậu và quay tàu ra vào cảng Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1” với nhiều yêu cầu, điều kiện về thiết bị thi công có dấu hiệu không đúng với quy định pháp luật, không đúng giấy phép được cấp. Những quy định này đã làm khó, hạn chế đối với các nhà thầu tham gia.
Theo đó, Dự án “thi công nạo vét tuyến luồng, vùng đậu và quay tàu ra vào cảng Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1” được thực hiện tại Khu kinh tế Vũng Áng, trên địa bàn xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh do Công ty Điện lực dầu khí Hà Tĩnh làm chủ đầu tư. Dự án này vốn được Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam phê duyệt vào ngày 22/9/2021 tại Quyết định 948/QĐ-ĐLDK, giao cho Công ty Điện lực Dầu Khí Hà Tĩnh thực hiện. Sau 2 lần điều chỉnh, giá trị dự toán của dự án là 101,775 tỷ đồng, gói thi công được điều chỉnh 76,951 tỷ đồng.
Ngày 22/6/2022, Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh ban hành HSMT, trong đó đưa ra nhiều yêu cầu có dấu hiệu trái với quy định, dẫn tới hạn chế các nhà thầu tham gia. Cụ thể, Công ty đưa ra yêu cầu loại và cấp phương tiện đổ thải là tàu VR-SB là không đúng quy định theo Quyết định 1407/QĐ-BTNMT phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án; Quyết định số 2495/QĐ-BGTVT ngày 30/6/2014 về việc công bố tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình và theo Giấy phép nhận chìm số 164/GP-BTNMT ngày 28/9/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp cho dự án này.
Ngoài ra, HSMT còn đưa ra quy định “tàu hút bụng tự hành”, khống chế công suất từ 5.945CV – 8.800 CV là không đúng so với Giấy phép nhận chìm số 164/GP-BTNMT ngày 28/9/2021 do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp (quy định tàu hút bụng tự hành là loại nhỏ hơn 8.800 CV, tức công suất ≤ 8800CV và không quy định công suất tối thiểu).
Sau đó, phía chủ đầu tư là Công ty Điện lực dầu khí Hà Tĩnh đã có văn bản phúc đáp, giải thích về các vấn đề liên quan nhưng phía các nhà thầu vẫn không tán thành nội dung trên và có văn bản gửi Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh đề nghị làm rõ các vấn đề này.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh cho rằng, Công ty Điện lực dầu khí Hà Tĩnh đưa ra các quy định nói trên vào HSMT khiến cho dự án khó khả thi, quá trình thực hiện cũng không hỏi ý kiến Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh. Theo ông Tùng, đối với dự án này thì việc yêu cầu các đơn vị thi công phải sử dụng tàu SB là đúng, nếu được tàu biển thì tốt hơn nhưng do không có tàu biển nên sử dụng tàu VR-SB là hợp lý.
“Tuy nhiên, điều khó hiểu là không biết phía chủ đầu tư lấy căn cứ đâu lại đưa ra công suất lớn và lại khống chế công suất tối đa và tối thiểu. Còn đối với việc quy định phạm vi hoạt động tuyến ven biển 12 hải lý là bình thường. Bởi thực tế thì khi đưa ra phạm vi hoạt động này của tàu thuyền, mục đích là tính từ nơi xuất phát tàu đến điểm nhận chìm, nếu xảy ra sự cố thiên tai thì chạy đến nơi trú ẩn gần nhất. Nếu được cấp phép, chạy quá 12 hải lý sẽ xin ý kiến, bổ sung trang thiết bị, thành lập tổ liên lạc, lập phương án tìm kiếm cứu nạn khi sự cố xảy ra… thì vẫn được phép hoạt động bình thường” – ông Tùng cho biết thêm.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Văn Thắng, Trưởng phòng Pháp chế Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh cho rằng, đối với các tuyến hoạt động trên biển, những tuyến nào đã được Bộ GTVT công bố bằng quyết định, có các điều khoản, chế tài liên quan, tọa độ điểm… nhằm để cảnh báo khi tàu thuyền đi qua thì mới được phép hoạt động, trong phạm vi không được phép vượt qua 12 hải lý. Vấn đề đặt ra ở đây là, tàu VR-SB có được hoạt động trọng phạm vi 12 hải lý hay không? Theo Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh, về nguyên tắc là không được phép vì vùng hoạt động đã nằm ngoài vùng quy định được phép hoạt động của tuyến vận tải ven biển, trong dự án này điểm đổ thải còn cách mép ngoài được phép hoạt động của tàu SB 6km thì đã vượt qua giới hạn tọa độ điểm.
Tuy nhiên, hiện nay năng lực thi công công trình của các tuyến vận tải biển Việt Nam thì phương tiện hầu như chỉ là VR-SB. Do đó, giả sử trong trường hợp Dự án “thi công nạo vét tuyến luồng, vùng đậu và quay tàu ra vào cảng Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1”, vì lý do nào đó mà tàu VR-SB được chấp thuận thì trước khi hoạt động nó phải có những điều kiện đi kèm như phải được cấp phép thi công công trình. Cùng với đó, Cục đăng kiểm cũng sẽ xem xét, bổ sung đặc điểm nào đấy để phương tiện đủ điều kiện hoạt động. Còn theo quy định hiện hành, vượt ra ngoài phạm vi 12 hải lý thì tàu VR-SB không được phép hoạt động.
Trong trường hợp tàu VR-SB được các cấp có thẩm quyền cho phép hoạt động trong vùng biển nói trên thì khung pháp lý để đảm bảo cho tàu VR-SB hoạt động là sẽ rất đầy đủ, được đánh giá và công bố. Cụ thể, trước khi đưa vào hoạt động sẽ được công bố trên toàn quốc, thông qua các phương tiện truyền tin để thông báo về việc sẽ có hành trình của tàu hoạt động trong phạm vi như thế. Quá trình hoạt động, trên đường hành trình tất cả các tàu thuyền trên biển đều có cảnh báo hành động tránh va chạm theo quy chuẩn quốc gia. Đối với Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh cũng sẽ có thông báo cho các phương tiện bằng cách lập tổ điều tiết để cảnh báo, hướng dẫn các tàu thuyền hoạt động trong phạm vi này.
Theo ông Thắng, Cảng vụ hàng Hải Hà Tĩnh là cơ quan quản lý về mặt nhà nước, còn mấu chốt tàu VR-SB có được hoạt động ra ngoài phạm vi cho phép hay không và nếu được thì điều kiện cần và đủ sẽ bao gồm những vấn đề gì thì thẩm quyền vẫn là Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Theo thông tin phóng viên nắm được, đến thời điểm hiện nay, chủ đầu tư là Công ty Điện lực dầu khí Hà Tĩnh đã hủy gói thầu “thi công nạo vét tuyến luồng, vùng đậu và quay tàu ra vào cảng Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1”. Lý do là sau một thời gian mời thầu, không có nhà thầu nào đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, điều kiện mà HSMT đưa ra.
Theo Thiên Thảo
Link gốc: https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/cang-vu-hang-hai-ha-tinh-len-tieng-ve-vu-bat-thuong-quy-dinh-moi-thau-tai-nha-may-nhiet-dien-vung-ang-1-i672851/