Bi hài chuyện Công an chính quy về xã

Công an chính quy về xã, góp phần làm thay đổi căn bản tình hình an ninh, trật tự ở cơ sở theo hướng ổn định và bình yên hơn. Cũng chính vì gần dân, sát dân, có nhiều câu chuyện phát sinh mang yếu tố bi, hài.

Đại úy Nguyễn Quang Liêng – Trưởng Công an xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc đang giải đáp thắc mắc cho người dân.

“Kỳ án” cây đỗ non và tình làng nghĩa xóm

Nhắc đến những vụ việc phát sinh khi về xã, ở cơ sở, Thượng úy Trần Ngọc Quyết – Công an viên xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An vẫn phì cười khi nhắc đến “kỳ án cây đỗ non” do mình trực tiếp phá án. “Về xã không phải cứ áp dụng cứng nhắc các quy định mà đòi hỏi mỗi cán bộ Công an phải linh hoạt, khéo léo, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà đưa ra cách xử lý hợp lý, hợp tình. Điều quan trọng là để bà con hiểu hơn các quy định của pháp luật để lần sau không tái phạm”, Thượng úy Quyết cho hay.

Theo Thượng úy Quyết kể, bà T. và bà B. là hàng xóm của nhau nhưng hay chấp mấy chuyện vặt vãnh. Những ganh ghét, đố kị nhỏ nhặt đã khiến cho mâu thuẫn của hai bà ngày càng lên đến đỉnh điểm. Một hôm, bà T. dắt trâu đi ăn cỏ thì nghé con nhảy xuống ruộng đỗ vừa nảy mầm của gia đình bà B.. Dù thiệt hại không đáng kể nhưng đã “châm ngòi” cho một cuộc đấu khẩu kịch liệt giữa hai người phụ nữ. Sau 2 giờ chửi bới nhau bất phân thắng bại, hai bà dắt trâu lên Công an xã nhờ phân xử.

Thượng úy Quyết yêu cầu lần lượt từng người trình bày rồi in phát mỗi người một bản quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác, quy theo đó những lời lẽ họ dành cho nhau đã vi phạm các quy định này. “Cầm tờ giấy trên tay, từ hằm hằm tức giận, nét mặt hai người bỗng dưng chuyển sắc, hai bà sửng sốt hỏi rõ mức phạt là bao nhiêu tiền. Tôi như nắm được tâm lý của họ nên nhanh ý theo hướng giải quyết của riêng mình. Sau khi thông báo mức phạt, tôi yêu cầu 2 người ra ruộng kiểm đếm số cây đỗ bị hư hỏng để “làm căn cứ xử lý”, Thượng úy Quyết cười mỉm.

Cũng vì lo lắng mình sẽ bị phạt nên hai người phụ nữ lặng lẽ đi ra ruộng đếm cây. Sau khi yêu cầu bà T. và bà B. đếm đi đếm lại 7 lần, tổng số đỗ bị thiệt hại được tính là 78 cây. “Tôi quan sát, trong lúc đếm, hai bà từ giận nhau đã chuyển sang trò chuyện với nhau nên thầm hiểu rằng mâu thuẫn giữa họ đã bắt đầu được tháo gỡ. Sau khi mời họ về trụ sở, giải thích cái sai của từng người, bà T. và bà B. đã quên phéng mâu thuẫn từ trước đó. Sau lần đó, chúng tôi còn cố tạo ra một vài tình huống để gắn kết tình làng, nghĩa xóm của hai người. Một thời gian sau, tôi thấy họ còn chở nhau đi chợ, nói chuyện thân tình như chưa có chuyện gì xảy ra”, Thượng úy Quyết chia sẻ.

Bữa cơm ấm áp của Ban Công an xã Quỳnh Lập với ông Ngô Sơn Hải.

Nuôi cơm, cảm hóa “sâu rượu”

Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) là xã miền biển. Thời điểm trước năm 2019, Quỳnh Lập được xem là một điểm nóng về an ninh trật tự. Đây cũng là một trong 10 địa phương ở Nghệ An thí điểm thực hiện đề án bố trí Công an chính quy về xã. Do tập quán lao động và sinh hoạt từ việc đi biển đã khiến tình trạng sử dụng, lạm dụng rượu bia khá phổ biến.

“Ở đây, đàn ông thường nửa tháng đi biển, nửa tháng còn lại say sưa bên chai rượu. Cũng từ rượu mà khiến an ninh trật tự tại địa phương bị ảnh hưởng. Các tệ nạn đánh bạc hay mâu thuẫn gia đình cũng xuất phát từ đây. Toàn xã có 60 đối tượng bị khởi tố vì đánh bạc. Ngoài ra, nhiều trường hợp chưa đủ căn cứ xử lý hình sự, xã đã thông báo trên hệ thống loa truyền thanh, gắn trách nhiệm giáo dục, quản lý của gia đình, dòng họ”, Thiếu tá Nguyễn Đình Châu – Trưởng Công an xã Quỳnh Lập cho hay.

Câu chuyện Công an xã nuôi cơm và cảm hóa “ma men” vẫn được người dân xã Quỳnh Lập nhắc tới như một “sự kiện” làng biển này. Đó là trường hợp ông Ngô Sơn Hải (1972) bị vợ đuổi ra khỏi nhà, đòi ly hôn vì ngập chìm trong bia rượu. Trở thành người “vô gia cư”, ông Hải lang thang khắp xã, ai cho gì ăn nấy. Một ngày cuối năm 2022, ông Hải vào nằm co ro trên chiếc ghế đá trong sân trụ sở UBND xã. Lúc này, Thiếu tá Nguyễn Đình Châu ra hỏi chuyện thì mới hay biết sự tình. “Lúc đó trong đầu tôi lóe lên quyết định phải bằng mọi cách giúp người đàn ông này cai rượu. Chính rượu là nguồn cơn của mọi sự việc, khiến vợ chồng ông bất hòa, gia đình tan vỡ. Việc giúp ông Hải cai rượu sẽ lấy lại niềm tin từ người vợ và từ đó mới tháo gỡ được khúc mắc”, Thiếu tá Châu tâm lý.

Ông Ngô Sơn Hải được Công an xã xin việc làm tại cơ sở nước đóng chai.

Vậy là Công an xã Quỳnh Lập quyết định “nuôi cơm” người đàn ông này. Dưới sự giám sát chặt chẽ của Công an, ông Hải từ việc ôm cả chai rượu uống đã giảm dần về số lượng và sau một thời gian kiên trì, ông Hải đã dứt bỏ được con “ma men”. “Thực ra, ông Hải nằm trong danh sách đối tượng đưa đi tập trung, vừa an toàn lại khỏe cho Công an xã. Nhưng chúng tôi muốn đưa ông ấy quay về với cuộc sống bình thường, đặc biệt là lấy lại lòng tin với vợ và trở về với mái ấm gia đình”, Thiếu tá Châu cho biết thêm.

Cai xong rượu, điều quan trọng là phải giúp cho ông Hải có công ăn việc làm, tránh nguy cơ tái nghiện. Ban Công an xã Quỳnh Lập đã quyết định xin việc làm cho ông Hải. “Chúng tôi liên hệ một cơ sở kinh doanh nước đóng chai trên địa bàn để “gửi” ông Hải làm việc với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, chúng tôi thống nhất để lại một khoản cho ông Hải chi tiêu cá nhân, còn lại gửi về cho vợ để lo cho con. Đây cũng là một “lối mở” để vợ ông sớm đón nhận người chồng từng là “sâu rượu” như ông Hải”, Trung úy Văn Đức Dự – Phó trưởng Công an xã Quỳnh Lập cho hay.

Theo Dương Hóa

Link gốc: https://cadn.com.vn/bi-hai-chuyen-cong-an-chinh-quy-ve-xa-post271994.html