Ám ảnh tái chế rác thải bẩn thành hộp nhựa đựng thức ăn dùng một lần
Tiện dụng, dễ mua, giá rẻ cho nên những hộp xốp, cốc nhựa dùng một lần thường là lựa chọn hàng đầu của những quán cơm, phở từ sang trọng tới bình dân. Tuy nhiên, khi biết được quy trình để tạo ra những sản phẩm này sẽ khiến nhiều người phải rùng mình.
Độc cũng phải chịu!
Trong vai khách mua buôn cốc nhựa, hộp xốp dùng một lần, chúng tôi tìm về thôn Minh Khai (thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, Hưng Yên) – nơi được coi là “thủ phủ” tái chế đồ nhựa lớn nhất miền Bắc.
Ngay từ đường 5 dẫn vào thị trấn Như Quỳnh rồi vào thôn Minh Khai, hầu như các hộ gia đình đều mở xưởng nấu nhựa. Túi nylon, bao PP phế liệu, rác thải chất cao thành núi. Nhựa phế thải khắp nơi từ Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… đều được chở về đây, bốc mùi hôi thối. Tiếng máy cạo, máy xay, máy nghiền rác inh ỏi suốt ngày đêm, khét nồng nặc.
Chị Thuận, chủ một xưởng tái chế nổi tiếng tại đây đon đả tiếp chuyện khi biết chúng tôi có nhu cầu mua số lượng lớn hộp xốp, hộp nhựa đựng thực phẩm một lần. Chị cho hay, làng Khoai (tên gọi khác của thôn Minh Khai) có hơn 1.000 hộ thì có tới hơn 800 hộ sống, làm giàu bằng nghề tái chế rác, sản xuất nhựa và các đồ dùng từ nhựa như ống hút, hộp xốp, hộp đựng thực phẩm, túi nylon.
Quy trình để làm ra một sản phẩm hộp xốp, hộp nhựa đựng thức ăn khiến nhiều người rùng mình. Rác thải từ sinh hoạt, y tế, sau khi được phân loại sơ và rửa, được đem vào các cỗ máy thủ công, hoen rỉ để nghiền nhỏ. Sau đó, những nguyên liệu này được đổ vào lò nấu, nung chảy từ nhiệt độ cao, tạo ra một loại hỗn hợp đặc sệt. Hỗn hợp này tiếp tục được cho vào máy cán sợi để tạo ra các hạt nhựa.
“Hạt nhựa sẽ phân thành 2 loại là nhựa HD có độ dẻo, màu trắng trong, giá thành cao và một loại nhựa giá “bèo” hơn, có màu đục là nhựa PP. Hàng nhựa bao giờ cũng độc, hàng HD, nhựa Zin thì đỡ hơn. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, nên đa số những xưởng tái chế nhựa dùng một lần, các sản phẩm hộp xốp đựng thực phẩm đều có pha nhựa PP. Độc cũng phải chịu” – chị Thuận cho hay.
Thời điểm chúng tôi ghi nhận, trong nhà xưởng rộng chừng 70m2 của chị Thuận, có 3 công nhân, không ai đeo găng tay, không mũ bảo hộ, ngồi bệt, tách từng đống bao tải rác tổng hợp cho vào máy nghiền nhỏ để nấu ra hạt nhựa. Mùi khét của nhựa tái chế bốc lên nồng nặc, hoà lẫn mùi hôi thối của rác thải khiến không gian ngột ngạt.
“Hộp nhựa đựng thức ăn mà dùng từ hạt nhựa HD thì không ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng bị pha với hạt nhựa PP thì đựng thực phẩm vẫn có mùi, không tốt cho sức khỏe, nhất là khi đựng đồ ăn nóng” – chị Thuận nói.
Trộn nhựa rẻ tiền để tăng lợi nhuận
Rời xưởng chị Thuận, chúng tôi tìm đến một nhà xưởng sản xuất hộp đựng thực phẩm dùng một lần, ống hút tái chế, thìa nhựa túi nylon thuộc diện lớn nhất làng. Căn nhà xưởng của chị Lan chứa hàng trăm cuộn nylon màu đen và hộp xốp trắng.
Chị Lan cho biết, hiện tại, xưởng nhà chị sản xuất hai loại hộp nhựa dùng một lần đựng thực phẩm, loại bóng không chịu nhiệt, đựng thức ăn nguội có giá 450.000 đồng/bao/600 chiếc; loại tốt hơn có giá 550.000 đồng, chịu được nhiệt, đựng được thức ăn nóng.
Ban đầu, chị Lan chủ xưởng khẳng định, sản phẩm của xưởng chủ yếu làm từ các hạt nhựa cao cấp đủ an toàn vệ sinh. Tuy nhiên, sau một hồi phân bua chị cũng phải thừa nhận: Nếu dùng toàn nguyên liệu “xịn” thì chi phí rất cao, khó cạnh tranh với các hộ khác trong làng. Để tăng lợi nhuận, xưởng tái chế nhà chị cũng như các hộ sản xuất khác trong làng thường trộn các loại hạt nhựa tái chế vào.
Khi chúng tôi hỏi có hộp xốp màu trắng mà các quán ăn hay sử dụng không? – chị Lan nói xưởng nhà chị không sản xuất loại này, tuy nhiên, chị Lan dẫn chúng tôi sang nhà chị Lý và cho rằng: “ở đây hộp xốp nào cũng có, giá rất rẻ”. Tại đây, loại hộp xốp màu trắng dùng một lần có giá 40.000 đồng/400 chiếc.
Biết sản phẩm của mình làm ra từ các loại nhựa bẩn, người dân nơi đây chẳng mấy ai dùng sản phẩm hộp nhựa, hộp xốp, bởi theo họ, không chỉ nó gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng, mà còn vì sự mất vệ sinh trong quá trình làm hạt nhựa.
“Ngày nào các xưởng nấu nhựa tái chế cũng thải ra mùi hăng nồng, khét lẹt. Từ khi họ sản xuất nấu nhựa đến giờ, hầu như lúc nào gia đình tôi cũng phải đóng kín cửa. Vào những ngày gió lớn, mùi hôi bay vào nhà, chỉ ngửi một chút là chóng mặt, buồn nôn” – ông Hoan – một người dân sống tại thôn Minh Khai – cho hay.