Ai được sử dụng xe công vụ, dùng sai mục đích bị xử lý ra sao?

Sau sự việc Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Tĩnh đi chúc Tết, kết hợp đón con gái đi từ sân bay Vinh về Hà Tĩnh, quá trình di chuyển, tài xế đã bật đèn ưu tiên và còi, dư luận đã 'lật lại' những vụ lùm xùm liên quan sử dụng xe công và đặt câu hỏi ai được sử dụng xe ô tô công và dùng sai mục đích sẽ bị xử lý ra sao?

Vừa qua, dư luận xôn xao việc xe ô tô biển xanh 38A-066.88 cấp cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Tĩnh chở bà N.T.L.H – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Tĩnh đi chúc Tết cán bộ lão thành ở Nghệ An, rồi kết hợp đón con gái đi từ sân bay Vinh về Hà Tĩnh. Đáng chú ý, quá trình di chuyển, tài xế đã bật đèn ưu tiên và còi.

Xe biển xanh 38A-066.88 xuất hiện tại sân bay Vinh đón người thân lãnh đạo gây xôn xao dư luận.

Sau khi mạng xã hội và báo chí phản ánh, Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã làm rõ, lái xe là ông P.H.S (SN 1972, trú phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh) có hành vi vi phạm khi xe không được quyền ưu tiên lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên. Đồng thời xử phạt 2,5 triệu đồng về hành vi nêu trên, tước GPLX 2 tháng, tịch thu bộ còi, đèn ưu tiên và thông báo vi phạm đến cơ quan công tác của ông S.

Trước đó, năm 2020, cũng xảy ra vụ việc ô tô biển xanh 78A-001.14 đón ông Lương Minh Sơn – thời điểm đó là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phú Yên tại cầu thang máy bay trong sân bay Tuy Hòa (Phú Yên). Cùng đi với ông trong chuyến bay này còn có người nhà của ông nên tiện thể đón luôn.

Một trường hợp khác sử dụng xe ô tô công vụ đón người nhà cũng khiến dư luận xôn xao, đó là vào năm 2019, Bộ Công Thương dùng xe biển xanh đưa đón người nhà lãnh đạo bộ ngay tại chân cầu thang máy bay.

Sau sự việc xảy ra, vị lãnh đạo đã gửi thư xin lỗi tới công luận, toàn thể nhân dân và các cơ quan liên quan. Bộ Công Thương đã lập Hội đồng kỷ luật, trên cơ sở xem xét kỹ, đã đưa ra mức kỷ luật 3 trường hợp liên quan, từ nhân viên đến trưởng phòng lễ tân và văn phòng bộ. Trong đó có 2 trường hợp bị khiển trách, một trường hợp bị kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Ai được sử dụng xe công?

Liên quan đến việc cấp, sử dụng xe ô tô công, luật sư Nguyễn Thanh Tùng – Công ty Luật ICC cho biết, hiện nay, Nghị định số 72/2023/NĐ-CP ngày 26/9/2023 của Chính phủ đã có những quy định cụ thể về việc quản lý, sử dụng xe ô tô công (gọi tắt là xe công). Theo Nghị định này, đối tượng áp dụng gồm:

Cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc; Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, đơn vị sự nghiệp công lập, ban quản lý dự án sử dụng vốn nhà nước (sau đây gọi là cơ quan, tổ chức, đơn vị);

Doanh nghiệp do Nhà nước, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động nắm giữ 100% vốn điều lệ, bao gồm cả các doanh nghiệp là công ty con và đơn vị trực thuộc (sau đây gọi là doanh nghiệp nhà nước).

Các hội quần chúng có tính chất đặc thù được Nhà nước hỗ trợ xe ô tô theo quy định tại Điều 20 Nghị định này. Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc xác định, ban hành, áp dụng tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô.

Theo luật sư Tùng, nghị định trên quy định rõ các chức danh được sử dụng thường xuyên một xe ô tô, kể cả khi đã nghỉ công tác; các chức danh được sử dụng thường xuyên một xe ô tô trong thời gian công tác; các chức danh được sử dụng xe ô tô đưa, đón từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại và đi công tác. Đồng thời, quy định mục đích sử dụng xe gồm: xe ô tô phục vụ công tác các chức danh; xe ô tô phục vụ công tác chung; Xe ô tô chuyên dùng; xe ô tô phục vụ lễ tân Nhà nước.

Về quản lý sử dụng các xe công này, luật sư Tùng cho biết, nghị định cũng quy định tùy từng trường hợp mà áp dụng Luật Quản lý, sử dụng tài sản công hoặc Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

“Việc sử dụng xe công được giao phải đúng đối tượng, đúng mục đích theo quy định của pháp luật. Trường hợp giao sai đối tượng, sử dụng sai mục đích có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi giao, sử dụng tài sản công không đúng mục đích theo Nghị định số 63/2019/NĐ-CP với mức phạt từ 10 triệu đến 20 triệu đồng” – luật sư Tùng nêu.

Luật sư Tùng cũng cho rằng, quá trình sử dụng xe công phục vụ công tác, việc sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên như còi, cờ, đèn cũng phải tuân thủ các quy định tại Nghị định số 109/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Nếu vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Người đứng đầu có trách nhiệm liên đới

Thực tiễn vừa qua có xảy ra một số trường hợp sử dụng xe công vào việc cá nhân không đúng mục đích, ngoài ra còn sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên gây bức xúc trong dư luận. Do đó, luật sư Tùng nêu quan điểm ngoài việc xử lý kỷ luật, xử phạt đối với cá nhân có vi phạm cũng cần xem xét đến trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong việc quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị mình.

Luật sư Tùng phân tích việc này đã được quy định rõ tại Khoản 2 Điều 11 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, đó là: “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm giải trình và phải chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.

Có như vậy thì mới đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, là những người được giao trách nhiệm cũng như có thẩm quyền trong việc quản lý tài sản công, xe công tại đơn vị mình. Qua đó nâng cao hiệu quả trong việc quản lý sử dụng tài sản công nói chung và xe công nói riêng.

Tác giả: Thanh Phong

Nguồn: tienphong.vn