Dàn cảnh nhảy sông tự tử để dọa chồng: Người vợ có bị xử lý?
Luật sư cho rằng, hành vi dàn cảnh ôm 3 con nhảy sông tự tử có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.
Sáng 1/3, mạng xã hội chia sẻ hình ảnh kèm theo bức thư của một người phụ nữ để lại trên cầu Đông Trù (quận Long Biên, Hà Nội). Kèm theo đó là hình ảnh 4 đôi dép, một chiếc ô tô mang biển số Vĩnh Phúc.
Nội dung bức thư để lại: “Anh à, em mệt mỏi lắm rồi! Anh nói anh áp lực trong cuộc sống vậy 4 mẹ con em sẽ giải thoát cho anh hết áp lực. Nếu có duyên kiếp sau chúng ta vẫn sẽ là gia đình. Tạm biệt anh! Mẹ xin lỗi các con đã phải khổ theo mẹ”.
Ngay khi nhận được tin, lực lượng công an đã nhanh chóng đến hiện trường và kiểm tra camera cùng với đó là cử tổ công tác xuống sông Đuống để tìm kiếm người.
Tuy nhiên, đến trưa cùng ngày, cơ quan chức năng cho biết đã tìm thấy 4 mẹ con này ở Vĩnh Phúc trong tình trạng sức khỏe tốt. Chiếc ô tô để trên cầu Đông Trù và thư tuyệt mệnh có thể chỉ là hiện trường giả. Người phụ nữ muốn dọa chồng mình, vì hai bên có xích mích với nhau.
Vụ việc gây xôn xao dư luận, khiến lực lượng chức năng vất vả vào cuộc xác minh. Nhiều ý kiến thắc mắc rằng, hành vi của người phụ nữ liệu có bị xử lý?
Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch, Đoàn Luật sư Hà Nội, cho rằng hành vi của người phụ nữ đã vi phạm quy định tại điểm c, khoản 3 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP.
Cụ thể: “Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
c) Báo thông tin giả, không đúng sự thật đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”.
Theo luật sư Tuấn Anh, mặc dù người phụ nữ này không phải là người trực tiếp đến “báo thông tin giả, không đúng sự thật đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”, tuy nhiên với các hành vi như: đỗ xe trên cầu, bỏ lại dép, viết thư tuyệt mệnh với nội dung nhảy cầu tự tử… pháp luật buộc người phụ nữ này phải biết được rằng thông tin giả này sẽ được xử lý bằng cách huy động lực lượng cứu hộ, cứu nạn tổ chức tìm kiếm như trên thực tế đã xảy ra.
Có thể khi thực hiện hành vi, người phụ nữ không lường trước được tác hại của việc này, tuy nhiên chị là người có đủ năng lực nhận thức và pháp luật, buộc phải nhận thức được hậu quả của hành vi do bản thân gây ra và chịu trách nhiệm pháp lý đối với hành vi của mình.
Vẫn theo luật sư, ngoài trách nhiệm hành chính theo quy định nêu trên, cần phải xem xét đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người phụ nữ đối với những thiệt hại về mặt thời gian, công sức, tài sản của lực lượng cứu hộ tham gia tìm kiếm.
“Đây cũng là một bài học cho các chị em khi có ý định dọa chồng thì nên cân nhắc các biện pháp phù hợp, đúng pháp luật, tránh tình trạng gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức khác và cho xã hội”, luật sư Tuấn Anh nói.
Nêu thêm quan điểm về vụ việc, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư Hà Nội, nhận định người phụ nữ còn có thể bị xử phạt về hành vi dừng đỗ xe ô tô trên cầu, mức phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng, theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP; đồng thời bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng.