Việt Nam là 1 trong 15 quốc gia đáng sống nhất thế giới

Theo khảo sát của mạng lưới Internations, Việt Nam đứng thứ 14 trong danh sách 53 quốc gia tốt nhất cho người nước ngoài.

Mới đây, kết quả khảo sát của Internations, mạng lưới người nước ngoài toàn cầu với hơn 4 triệu thành viên cho biết Việt Nam đứng thứ 14 trong danh sách 53 quốc gia tốt nhất cho người nước ngoài. Vị trí này thấp hơn 7 bậc so với năm 2022. Các quốc gia dẫn đầu danh sách năm nay gồm: Mexico, Tây Ban Nha, Panama và Malaysia.

Danh sách những quốc gia có chất lượng tốt nhất thế giới cho người ngoại quốc.

Internations thực hiện một cuộc khảo sát dựa trên 56 yếu tố ảnh hưởng đến cuộc sống ở nước ngoài, điển hình như chi phí sinh hoạt, chi phí nhà ở hoặc khả năng sử dụng Internet tốc độ cao, cơ hội công việc.

Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia châu Á được người nước ngoài đánh giá cao nhất về chỉ số “an ninh”.

Tại châu Á, Việt Nam xếp sau Đài Loan (Trung Quốc), Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Singapore, Bahrain, Qatar, Oman, Hàn Quốc, Nhật Bản và Ả Rập Saudi và nằm ở vị trí thứ 34 thế giới về chỉ số này.

Cùng với đó, Việt Nam được đánh giá là nơi đáng sống bởi chi phí sinh hoạt phải chăng. Ở chỉ số tài chính cá nhân, nước ta dẫn đầu danh sách thế giới. Chỉ số này dựa trên ba yếu tố, bao gồm mức độ hài lòng về tình hình tài chính, chi phí sinh hoạt chung và khả năng thu nhập của người tham gia khảo sát có đủ để sống thoải mái hay không. Cụ thể, 77% số người tham gia khảo sát cho rằng chi phí sinh hoạt thuận lợi. Trong khi đó, mức trung bình toàn cầu là 44%.

Việt Nam có chi phí sinh hoạt phải chăng so với tài chính của người ngoại quốc.

Theo bảng xếp hạng, Việt Nam tạo nhiều cơ hội cho người nước ngoài dễ định cư với những chỉ số tích cực ở hạng mục văn hóa, hiếu khách, dễ kết bạn và sự thân thiện của người bản xứ.

Mặc dù vậy, Việt Nam có chất lượng môi trường kém. Khoảng 55% người cảm thấy không thoải mái với chất lượng không khí, tỷ lệ này cao gấp ba lần mức trung bình toàn cầu. Ngoài ra, người nước ngoài cũng ít hài lòng hơn với các dịch vụ hành chính trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Đồng thời, họ gặp khó khăn trong việc xin thị thực để định cư tại Việt Nam.

Tiếng Việt cũng là một trở ngại. Báo cáo nêu rõ không một người nước ngoài nào sống ở Việt Nam tự tin nói tốt ngôn ngữ này, trong khi tỷ lệ trung bình người ngoại quốc có thể nói tiếng bản địa khi định cư đạt 34%.

Tác giả: An Trần

Nguồn: tienphong.vn