Thấy gì bên trong các cụm công nghiệp?
Không chỉ quy hoạch gần khu dân cư, thiếu hệ thống xử lý chất thải, các cụm công nghiệp trên địa bàn TP Vinh (Nghệ An) còn thiếu sự giám sát, quản lý của cơ quan nhà nước dẫn đến nhiều doanh nghiệp xây dựng sai quy hoạch, thậm chí vi phạm mục đích sử dụng đất, gây ô nhiễm môi trường.
“Nhốn nháo” bên trong các cụm công nghiệp
Từ khi quy hoạch cho đến nay các cụm công nghiệp (CCN) tại Nghệ An đã góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa làm các ngành công nghiệp phụ trợ cho các tập đoàn lớn, dự án lớn mà Nghệ An đã và đang thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế. Chính CCN trở thành “vệ tinh” để Nghệ An khai thác tiềm năng của các vùng miền, các địa phương, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế tại các huyện trên địa bàn tỉnh.
Tính đến năm 2022, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 53 CCN được quy hoạch tại một số nơi như Diễn Châu, Quỳ Hợp, thị xã Thái Hòa… Trong đó, có 24 CCN đã thu hút được khoảng trên 250 DN đi vào đầu tư sản xuất, kinh doanh với tỷ lệ lấp đầy đạt trên 80%. Riêng TP Vinh có 5 CCN gồm: CCN Hưng Đông 1, Hưng Đông 2, Đông Vĩnh, Hưng Lộc, Nghi Phú.
Tuy nhiên, đến nay hạ tầng ở các CCN về cơ bản đang thiếu đồng bộ đã ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của DN và khu vực dân cư cận kề. Không những vậy, việc quản lý chồng chéo, đã khiến bên trong CCN bị “băm nát”, ô nhiễm môi trường, sai quy hoạch. Đơn cử như CCN Nghi Phú đóng tại xã Nghi Phú, TP Vinh. Đây là một trong 5 CCN hoạt động sớm nhất, từ những năm 2003, thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, CCN này đã có những sai phạm trong quy hoạch, sử dụng đất dẫn đến gây ô nhiễm môi trường.
Cụ thể, ngày 6/12/2022, UBND TP Vinh đã có Quyết định số 640 xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH In tem bưu điện (Chi nhánh Nghệ An) với số tiền 45 triệu đồng, cho hành vi “không phân loại chất thải đã qua sử dụng, không có khu vực lưu giữ đáp ứng yêu cầu kỹ thuật môi trường, không ký hợp đồng thu gom rác thải theo quy định”, được quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 26 Nghị định 45/2022 của Chính phủ. Không những vi phạm quy định bảo vệ môi trường, mà công ty này còn vi phạm quy hoạch, vi phạm sử dụng đất, bởi vị trí mà đơn vị này đang sản xuất in ấn là do thuê lại của một đơn vị khác. Mà theo quy hoạch được phê duyệt, khu đất này chỉ sử dụng làm kho xưởng, không được sản xuất. Thậm chí, trong đề án sản xuất do cấp có thẩm quyền phê duyệt cho công ty này cách xa nơi họ đang sản xuất hàng chục km.
Còn tại Công ty TNHH Long Lưu (chuyên sản xuất rượu) nằm trong CCN Nghi Phú gần năm nay, trong khuôn viên công ty xuất hiện một căn nhà sàn bằng gỗ 2 tầng, được bài trí khang trang, xung quanh dựng hàng chục cây cảnh. Theo người dân sống gần đó thì căn nhà được xây dựng gần 2 năm nay…
Cũng tại TP Vinh còn có CCN Hưng Lộc đóng tại xã Hưng Lộc. Dù có quy mô 8,89ha thu hút 11 DN hoạt động. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác xử lý môi trường có cải thiện, nhưng vẫn chưa triệt để. Người dân 2 xóm Hòa Tiến, Mỹ Hạ nằm sát CCN này đã nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan chức năng về vấn đề khói bụi, tiếng ồn, nước xả thải… của các công ty sản xuất giấy, ván ép, nhựa tái sinh.
Cơ quan chức năng nói gì?
Vừa qua HĐND tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết về các chính sách hỗ trợ cụ thể cho các CCN, trong đó có chính sách ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng cơ bản như đầu tư, nâng cấp đường sá, cầu cống, điện, nước. Đối với công tác xử lý môi trường, sẽ hoàn chỉnh hệ thống thu gom, xử lý nước thải đạt chuẩn để giảm tải áp lực về môi trường, hạ tầng giao thông đến các địa phương có CCN. Trong khi đó, theo Sở Công thương tỉnh Nghệ An, các CCN trên địa bàn tỉnh này đã thu hút được 251 dự án vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, chủ yếu là các lĩnh vực chế biến khoáng sản, dệt may, gia công cơ khí, tái chế kim loại, tái chế nhựa… các nhóm lĩnh vực này đều có nguy cơ ô nhiễm cao nhưng chỉ mới có 10/24 CCN có hệ thống xử lý nước thải.
Khi nói về CCN Nghi Phú có những sai phạm trong quy hoạch, sử dụng đất, ô nhiễm môi trường, ông Nguyễn Văn Hiệp – Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp (Sở Công thương Nghệ An) cho biết: “Đó là một thực trạng, dù là đơn vị quản lý về mặt nhà nước, nhưng để xử lý các vi phạm trong CCN, chúng tôi cần phải phối hợp với các ngành liên quan. Bởi, chúng tôi không thể xử phạt khi họ gây ô nhiễm môi trường, không thể cấp phép đầu tư, cũng như không xử phạt trong sai phạm quy hoạch, sử dụng đất”.
Link gốc: http://daidoanket.vn/thay-gi-ben-trong-cac-cum-cong-nghiep-5706758.html