Mất tiền tỷ vì muốn ‘ngồi mát ăn bát vàng’

Nhận lời tham gia cộng tác viên cho sàn thương mại điện tử, anh C. (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt hơn 7 tỷ đồng.

Những quảng cáo “hấp dẫn” về công việc cộng tác viên cho các sàn thương mại điện tử.

Miếng pho mát trong bẫy chuột

Công an tỉnh Nghệ An vừa nhận được trình báo của anh C. (trú tại huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) về việc bị một số đối tượng lừa đảo chiếm đoạt hơn 7 tỷ đồng.

Theo trình bày, thông qua mạng xã hội, anh C. nhận được lời mời tham gia cộng tác viên cho sàn thương mại điện tử để nhận tiền “hoa hồng”. Người đàn ông này được các đối tượng đưa vào nhóm chat có 3 người. Trong đó, một người giới thiệu đã làm việc được 2 tuần, còn một người tên Hương mới vào làm.

Theo hướng dẫn của trưởng nhóm, anh C. chỉ cần cho sản phẩm được chỉ định vào giỏ hàng. Sau đó, anh C. mua 1 đơn hàng trị giá 50.000 đồng và 1 đơn hàng trị giá 450.000 đồng.

Khi hoàn thành mua 2 đơn hàng trị giá 500.000 đồng, khoảng 10 phút sau anh C. được nhận về tài khoản ngân hàng của mình 650.000 đồng (“hoa hồng” 150.000 đồng).

Hoàn thành nhiệm vụ thứ nhất, nhóm của anh C. được hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ thứ 2. Ở nhiệm vụ này, số tiền phải chuyển khoản cho mặt hàng chỉ định là 1.100.000 đồng, đơn thứ 2 là 5.999.000 đồng.

Thời gian thực hiện nhiệm vụ là 10 phút, hoàn thành 2 đơn thì sẽ nhận về cả tiền gốc lẫn tiền chi “hoa hồng”. Tuy nhiên, một trong ba người làm chậm nên cả nhóm phải làm bù đơn hàng trị giá 25.999.000 đồng. Vì anh C. và người tên Hương không hoàn thành được, xin bảo lưu nên người còn lại hoàn thành đúng tiến độ, được thanh toán toàn bộ tiền gốc và tiền “hoa hồng”.

“Vì xin bảo lưu nên người hướng dẫn nói tôi và bạn Hương kia cần phải làm thêm một nhiệm vụ nữa mới chi trả thù lao và số tiền gốc. Sau khi hoàn thành đơn hàng 79.999.000 đồng tôi không được thanh toán các khoản tiền như họ hướng dẫn. Tôi hỏi thì được trả lời do chưa trở thành cộng tác viên VIP. Họ bảo tôi phải nâng VIP mới được hoàn trả lại số tiền 199.999.000 đồng”.

Anh C. cho biết là các đối tượng gửi cho anh một bản cam kết, ghi rõ sẽ hoàn trả lại toàn bộ số tiền trên khi anh và bạn trong nhóm tên Hương hoàn thành nhiệm vụ. “Vì nhiệm vụ khó nên họ cho thêm chúng tôi 2 tiếng để thực hiện. Khoảng 17 giờ ngày 15/10, người tên Hương hoàn thành nhiệm vụ. Thấy hai người kia đều rút được tiền gốc và “hoa hồng” nên tôi cũng cố gắng để lấy lại tiền”, anh C. trình bày.

Lần này cũng như lần trước, anh C. không thấy tiền được chuyển về tài khoản. Người hướng dẫn thông báo đơn hàng của anh C. bị rò rỉ, phải xác minh lại. Để xác nhận đúng là lô hàng đã chốt, theo hướng dẫn anh C. phải nạp vào đúng số tiền anh sẽ nhận về khi hoàn thành nhiệm vụ.

Trong thời gian ngắn không gom được số tiền lớn như thế thì anh C. được người hướng dẫn báo lại sẽ hỗ trợ. Đến tối cùng ngày, anh C. nhận cuộc điện thoại từ người hướng dẫn. Người này thông báo mới có được 300 triệu đồng và nhờ anh C. giúp để đẩy nhanh việc cần xác minh đó là lô hàng.

Theo đó, anh C. phải chuyển vào tài khoản chỉ định 70 triệu đồng. Số còn lại người hướng dẫn sẽ nộp. Anh C. chuyển 70 triệu đồng và nhận được thông báo chờ hệ thống trả lại tiền và “hoa hồng” trong vòng 7 – 10 phút.

Đang hồi hộp đợi nhận lại khoản tiền lớn thì anh C. thấy toàn bộ tin nhắn trò chuyện bị xóa sạch và bị đẩy ra khỏi nhóm. Báo lên nhóm quản lý, anh C. tiếp tục nhận được trả lời sẽ kiểm tra, xác minh lại.

Đến 10 giờ ngày 16/10, anh C. nhận được tin báo từ quản lý, “người kia” đã ôm tiền của anh bỏ trốn, hệ thống chưa nhận được số tiền 199.999.000 đồng. Do anh C. chưa hoàn thành nhiệm vụ nên không thể nhận được số tiền 383.300.000 đồng, bao gồm tiền gốc và tiền “hoa hồng”.

Anh C. được hứa là công ty sẽ cứu, đồng ý giải ngân số tiền trên với điều kiện anh phải chuyển vào tài khoản chỉ định bằng đúng số tiền được nhận. Nếu không nộp, công ty sẽ đóng băng tài khoản của anh C., đồng nghĩa mất trắng số tiền anh đã nộp vào.

Muốn gỡ số tiền đã nộp, anh C. đồng ý chuyển tiền và tiếp tục bước vào ma trận “hướng dẫn chốt đơn – chuyển khoản – gặp sự cố về đơn hàng – tiếp tục chuyển khoản để gỡ gạc”. Càng thực hiện, anh C. càng lâm vào hoảng loạn, mất kiểm soát.

Không chỉ rút hết 1 tỷ đồng tiền tiết kiệm từ hồi đi làm việc ở nước ngoài, người đàn ông này còn mượn anh em bạn bè, vay nóng số tiền 6 tỷ đồng để chốt đơn.

Đến khi sực tỉnh, anh C. đã mất trắng số tiền hơn 7 tỷ đồng. Khi đó, người hướng dẫn, quản lý nhóm lẫn các bạn chốt đơn cùng nhóm đều biến mất không để lại dấu vết.

Sử dụng mạng xã hội bằng… cái đầu tỉnh táo

Cơ quan công an cho biết, lừa đảo bằng hình thức tuyển cộng tác viên online các sàn thương mại điện tử lớn không phải là câu chuyện mới. Mặc dù, cơ quan chức năng liên tục cảnh báo nhưng vẫn có nhiều người sập bẫy.

Các đối tượng lừa đảo thường nhắm đến những người chưa có việc làm, phụ nữ đang nuôi con nhỏ, sinh viên, người trung tuổi… Kẻ lừa đảo sẽ trả tiền “hoa hồng” đầy đủ cho 1 – 2 đơn hàng đầu tiên với giá trị thấp.

Từ các đơn hàng tiếp theo, đối tượng đẩy giá trị cao dần và báo đơn hàng gặp vấn đề, yêu cầu chuyển tiền để hoàn thành nhiệm vụ. Nạn nhân thiếu tỉnh táo và vì lòng tham sẽ sập bẫy.

Do vậy, người dân cần sử dụng mạng xã hội một cách tỉnh táo và cảnh giác trước những lời mời chào tham gia làm cộng tác viên bán hàng, chốt đơn với chiết khấu cao.

Một trường hợp khác gần đây nhất, chị L. (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) nhận được lời mời làm cộng tác viên làm nhiệm vụ và được hưởng tiền “hoa hồng”. Người phụ nữ này đã làm theo hướng dẫn, cài đặt ứng dụng “Lark”, tạo tài khoản và làm nhiệm vụ.

Thấy công việc kiếm tiền đơn giản, chị L. tiếp tục thực hiện nhiều nhiệm vụ. Khi số tiền làm nhiệm vụ ngày càng lớn, các đối tượng lừa đảo báo chị cài sai ID tài khoản. Để chứng minh mình không sai, người này phải nộp thêm hơn 300 triệu nữa mới được giải ngân.

Sau nhiều lần như vậy, nạn nhân đã chuyển 3,24 tỷ đồng vào tài khoản của các đối tượng lừa đảo. Khi vỡ lẽ biết mình bị lừa, chị L. mới đến cơ quan công an để trình báo.

Công an tỉnh Nghệ An khuyến cáo, người dân nên tỉnh táo khi đọc các bài đăng tuyển việc làm trên mạng xã hội, cảnh giác trước những lời mời chào tham gia làm cộng tác viên bán hàng, chốt đơn với chiết khấu cao. Ngoài ra, không cài đặt những ứng dụng không rõ nguồn gốc; không truy cập vào website lạ, tên miền không rõ ràng.

Theo Phạm Tâm

Link gốc: https://giaoducthoidai.vn/mat-tien-ty-vi-muon-ngoi-mat-an-bat-vang-post612571.html