Điều đáng nói là cuộc đua tranh ở cấp độ trẻ này không hề thua kém về mức độ “ăn thua” giữa các đối thủ, khiến câu chuyện không dừng ở lứa U mà lên cả các liên đoàn bóng đá quốc gia, lên cả khu vực, với những màn kiện cáo, bỏ cuộc, thậm chí rút không tham gia cấp khu vực như câu chuyện của Liên đoàn Bóng đá Indonesia sau giải U19 trên sân nhà mới đây.
Ở trong nước, dù hiếm khi nói ra thì ai ai cũng biết mỗi cuộc tập trung các đội tuyển trẻ là một lần chứng minh công tác đào tạo trẻ “ai hơn ai”, quân ai đông, quân ai hẻo, quân ai được gọi thêm, quân ai bị trả sớm. Khi V-League được xếp lịch nghỉ, nhường sân cho Đội tuyển Việt Nam hay U23 Việt Nam, mỗi cái tên được xướng lên luôn mang lại một niềm tự hào to lớn của các đội bóng và các fan hâm mộ.
Nhưng khi V-League là “mặt trận hàng đầu”, việc được gọi lên tuyển hay ở lại thi đấu cho đội nhà là bài toán có nhiều lời giải tùy theo nội tình lực lượng của từng đội bóng. Tất nhiên, câu chuyện “nghĩa vụ quốc gia” là bắt buộc với bất kỳ cầu thủ của bất cứ đội bóng lớn nhỏ nào, bởi nếu kháng lại FIFA Day thì hậu quả luôn không thể lường hết.
Còn nhớ, mấy tháng trước đây, khi Đội tuyển Việt Nam tập trung thi đấu Vòng loại thứ 3 World Cup 2022, AFF Cup 2021, U23 Việt Nam chuẩn bị cho U23 châu Á và SEA Games 31, bóng đá Việt dành “tất cả cho đội tuyển và U23” thì việc cầu thủ câu lạc bộ nào đó không được gọi, hoặc gọi tập trung nhưng không trụ lại nổi tới danh sách cuối cùng luôn mang lại nỗi buồn lo thực sự đối với người hâm mộ. Chẳng hạn không còn một tên tuổi Sông Lam Nghệ An nào trụ lại danh sách cuối cùng U23 Việt Nam, thậm chí khiến nhiều người nghĩ lò đào tạo trẻ này phải chăng đã tụt sâu, đã hết thời so với các lò mới nổi khác?
Mới đây, khi U19 Việt Nam tập trung thi đấu giải khu vực, Sông Lam Nghệ An cũng chỉ có 2 cái tên xuất hiện là trung vệ Trịnh Hoàng Cảnh và thủ môn Văn Bình cũng khiến nhiều người ngạc nhiên bởi lứa U19 của Sông Lam Nghệ An hiện tại chính là lứa U17 vài năm trước từng đoạt Huy chương vàng, là niềm hy vọng và tự hào lớn nhất của lò đào tạo danh tiếng này. Phải chăng chỉ sau 2 năm, U19 Hà Nội với Văn Tùng, Văn Trường mới thực sự là niềm hy vọng của bóng đá trẻ Việt?
Cũng mới đây, U16 Việt Nam dự giải khu vực và Sông Lam Nghệ An cũng chỉ được gọi vài cái tên như tiền vệ Trọng Tuấn, tiền đạo Long Vũ. Nghĩa là quân Sông Lam Nghệ An chỉ được chọn ngày càng ít đi, ngày càng chìm đi so với các nơi khác, kể cả những lò thường thường bậc trung, tỉnh lẻ. Và phải chăng đó là điều cảnh báo nghiêm khắc về công tác đào trẻ dù lò này vẫn vô đối ở lứa U11, U13, U15… nhưng càng lên cao thì chất lượng càng… xuống thấp mà thực tế gần đây luôn cho thấy điều đó?
Có một chuyện kiểu “thức lâu mới biết đêm dài” trong bóng đá, chẳng hạn nhiều cầu thủ không được ông Park Hang-seo đánh giá cao khi lên tuyển nhưng trở lại Câu lạc bộ lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Văn Quyết ở Hà Nội FC, Hữu Tuấn ở Hoàng Anh Gia Lai, Văn Vũ ở Becamex Bình Dương… là minh chứng cũ càng nhưng luôn đúng; nay có thêm các minh chứng trẻ và mới như Sỹ Hoàng ở Sông Lam Nghệ An, Xuân Tú ở Hà Nội FC… Ở lứa U19, các nhân tố không cùng dự giải khu vực nhưng rất được nóng lòng sẽ có mặt ở U20 châu Á tới đây chắc chắn là Xuân Tiến, Văn Cường ở Sông Lam Nghệ An, Phi Hoàng ở SHB Đà Nẵng, Vỹ Hào ở Becamex Bình Dương…
Đây là những nhân tố không thể thiếu của các đội bóng nói trên ở cuộc đua đường dài V-League. Thành tích nào cũng quan trọng, có thành tích trước mắt thì mới có cơ sở cho thành tích lâu dài nhưng với những tài năng trẻ kể trên, được vào sân hàng tuần ở V. League mới thực sự là “thành tích” cần nhất mà họ ao ước và cần phải làm tốt nhất, làm bằng mọi giá. Rất đáng mừng là sau màn thể hiện ở các trận đấu của V-League, nhiều người đã lọt “mắt xanh” các nhà tuyển trạch viên, thậm chí có cầu thủ sẽ tiến bước dài lên thẳng Đội tuyển Việt Nam như có người dự báo, Phi Hoàng của SHB Đà Nẵng, chẳng hạn?
Với Sông Lam Nghệ An, công tác đào tạo trẻ vừa giữ được nền tảng căn cơ, có chiều sâu, mặt bằng tốt nhất nhưng tầm cao là điều chưa thể đạt tới như Hà Nội FC, Viettel hay PVF. Hiện tại Xuân Tiến, Văn Cường, Văn Bách… tuy cùng lứa nhưng không thể cùng “đẳng cấp” với Văn Trường, Văn Tùng, Danh Trung, Văn Khang hay Phi Hoàng, Đình Duy… nên nếu chủ quan, thỏa mãn một li là “đi sau cả một dặm”.
Đó thực sự là điều đáng suy nghĩ về tầm vóc của một lò đào tạo trẻ, về những lứa đàn em chưa thể sánh được với các đàn anh như Trọng Hoàng, Ngọc Hải gần đây hay như Công Vinh, Văn Quyến trước đó và nhiều gương mặt khác?
Theo Phú Châu
Link gốc: https://baonghean.vn/vi-sao-ngay-cang-it-cau-thu-tre-slna-duoc-len-tuyen-post257136.html