Triệt phá đường dây cho vay lãi nặng dùng thiết bị định vị theo dõi khách hàng

Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự và các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Thừa Thiên Huế phá thành công chuyên án cho vay lãi nặng hàng ngàn hợp đồng với số tiền cho vay lên đến 35 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 7 tỷ đồng. Điều khiến nhiều khách hàng hoang mang là các đối tượng đã bí mật cài định vị theo dõi vị trí phương tiện cầm cố nhằm đòi nợ, siết xe.

Gắn chip định vị theo dõi người vay tiền   

Qua công tác nắm địa bàn, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Thừa Thiên Huế phát hiện nhiều người dân có nhu cầu vay tiền làm ăn, sử dụng mục đích cá nhân chưa kịp trả nợ thì bị các đối tượng tìm đến vị trí phương tiện đang đậu đỗ của người vay để đe dọa, khống chế, đòi siết xe. Sự việc này khiến nhiều người vay tiền lo lắng, hoang mang, ảnh hưởng tình hình an ninh, trật tự tại địa phương.

Theo cơ quan Công an, qua thu thập chứng cứ, tài liệu cho thấy, quá trình người vay tiền đưa xe cầm cố đến làm thủ tục vay, các đối tượng cho vay đã bí mật gắn chip điện tử trong xe của người vay (người cho vay chỉ cầm cavet, không giữ xe) để quản lý con nợ. Chị P.T.H. (trú tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, do cần tiền làm ăn nên chị được bạn bè giới thiệu và thông qua mạng xã hội nên biết đến “hộ kinh doanh DNM”. Qua liên lạc, chị H. được một người tên Phát (Facebook Huỳnh Phát) tư vấn cho vay tiền chỉ cần cavet (giấy đăng ký xe) chính chủ.

Cơ quan Công an đọc lệnh bắt khẩn cấp Lương Hoàng Nhật Nam (ảnh trên) và Huỳnh Văn Trường Phát (thứ 2, từ phải qua, ảnh dưới).

Thấy thủ tục đơn giản nên chị H. mang cavet xe SH BKS 75D1-456… của mình đến thế chấp để vay tiền. Sau khi nghe tư vấn, chị H. quyết định vay 30 triệu đồng, với lãi suất 105 nghìn đồng/ngày/30 triệu đồng. Khi hoàn thành xong thủ tục, chị H. được Phát yêu cầu ký vào 2 hợp đồng. Do hợp đồng dài, trong lúc đang cần tiền nên chị H. không quan tâm tới nội dung ghi trong hợp đồng mà chỉ tuân theo thỏa thuận với lãi suất 105 nghìn đồng/ngày/30 triệu đồng. Sau đó, chị H. được giao lại 2 giấy biên nhận liên quan, nhận được số tiền 26,9 triệu đồng (do phải cắt lãi và các loại phí của 30 ngày) và lái xe ra về; còn hộ kinh doanh DNM giữ cavet xe của chị H. Theo thỏa thuận, chị H. đóng lãi theo chu kỳ 10 ngày hoặc 20 ngày thông qua tài khoản ngân hàng mang tên “ho kinh doanh DNM”. Tổng số tiền lãi chị H. đã đóng là 35,7 triệu đồng.

Ngoài ra, chị H. cho biết có một lần quá hạn chưa trả kịp nên các đối tượng đã theo dõi vị trí xe SH BKS 75D1- 456… và tìm về tận nhà chị gái của chị H. tại xã Hương Phong (TP Huế) để đòi siết xe. Sau khi được Công an xã Hương Phong giải thích và người nhà giúp trả nợ toàn bộ số tiền gốc và lãi còn lại thì nhóm đối tượng đòi nợ của hộ kinh doanh DNM mới đồng ý và tháo định vị khỏi xe. Tại cơ quan điều tra, chị H. cho rằng, khi chạy xe SH nói trên đến tiệm cầm đồ, các đối tượng có lấy xe của chị H. đi khoảng 30 phút thì quay trở lại và trả xe cho chị. Lúc này, chị H. cứ nghĩ các đối tượng đưa xe đến cho thợ sửa xe xem xe còn chất lượng hay không chứ không hề hay biết bị các đối tượng gắn định vị trong xe để theo dõi. Việc bị các đối tượng vay gắn định vị theo dõi đã ảnh hưởng đến thông tin riêng tư, tâm lý và công việc của chị H.

Cũng như chị H., một số người vay tiền cũng rơi vào tình cảnh này. Nhiều “con nợ” hoang mang, lo lắng khi biết rằng, lâu nay, phương tiện mà họ đang thế chấp để vay tiền bị các đối tượng gắn định vị để theo dõi. Chị V.T.N. (trú TP Huế) – một trong những người vay tiền bị các đối tượng cài định vị trên xe để theo dõi cũng rất bức xúc. Theo chị N., thông qua mạng xã hội Facebook, khi thấy tài khoản “Phat Huynh” đăng tải các bài viết về cho vay bằng hình thức cầm cavet xe máy nên đã liên hệ Phát để vay tiền. Sau khi gặp gỡ nhân viên tư vấn, chị N. đồng ý vay số tiền 30 triệu đồng bằng hình thức cầm cavet xe SH 125i BKS 75G1-380… với mức lãi là 3,150 triệu đồng/30 ngày.

Sau khi thỏa thuận xong, Phát đưa hợp đồng cho thuê xe và hợp đồng cho thuê lại xe máy của chính mình để đi lại, số tiền lãi đã thỏa thuận ở trên là bằng tổng tiền lãi và phí của 2 hợp đồng cộng lại. Vì cần tiền nên chị N. đã ký các hợp đồng trên để được giải ngân khoản vay 26,850 triệu đồng (trừ đi 30 ngày lãi đầu tiên 3,150 triệu đồng). Đến kỳ đóng lãi (10 ngày hoặc 30 ngày), N. chuyển tiền thông qua tài khoản của Lương Hoàng Nhật Nam, sau đó chuyển qua tài khoản “ho kinh doanh DNM”. Tổng số tiền lãi mà chị N. đã đóng là gần 48 triệu đồng và đã tất toán toàn bộ số tiền gốc.

Tương tự, chị N.N.L rất hoang mang khi biết xe của mình bị các đối tượng cho vay tiền gắn định vị để theo dõi. Theo chị L., khi biết tài khoản Facebook “Phat Huynh” đăng tải các bài viết về cho vay bằng hình thức cầm cavet xe máy nên đã liên hệ để vay tiền và được hẹn đến chung cư Aranya, phường Xuân Phú (TP Huế) để làm hợp đồng vay tiền. Chị L. đã chạy xe và mang giấy chứng nhận đăng ký xe Honda SH Mode BKS 75G1-286… để cầm cố vay tiền.

Lúc này, Huỳnh Phát (sử dụng Facebook “Phat Huynh”) tư vấn có thể cho chị L. vay số tiền 36 triệu đồng (tiền lãi là 5,4 triệu đồng/30 ngày, tương đương 5.000 đồng/triệu đồng/ngày). Phát đưa ra 2 hợp đồng gồm hợp đồng mua bán xe để mua lại xe của chị L. (không chính chủ) và hợp đồng cho thuê lại xe máy để đi lại. Vì cần tiền nên chị L. đồng ý vay và tuân theo thỏa thuận lãi suất như trên. Sau khi giải ngân, chị L. thực nhận số tiền 30,6 triệu đồng (trừ đi tiền lãi 30 ngày đầu tiên là 5,4 triệu đồng).

Đến đầu kỳ trả lãi (10 ngày hoặc 30 ngày), Phát là người nhắc nợ, yêu cầu chuyển tiền lãi vào tài khoản của Lương Hoàng Nhật Nam, sau này chuyển vào tài khoản “ho kinh doanh DNM”. Chị L. đã trả số tiền lãi hơn 50,3 triệu đồng và tất toán toàn bộ tiền gốc… Theo nhiều người vay tiền từ tài khoản của “Huỳnh Phát” cho biết, chỉ cần quá hạn trả lãi 1-2 ngày thì dù họ chạy xe đến đâu cũng bị các đối tượng phát hiện “dí theo” nhằm gây áp lực đòi nợ, đòi siết xe.

Cơ quan Công an thu giữ hàng trăm cuống sim, thẻ sim và nhiều tài liệu liên quan đến cho vay lãi nặng.

Cho vay với lãi suất “cắt cổ” hơn 400%/năm

Qua công tác trinh sát địa bàn, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Thừa Thiên Huế xác định, trên địa bàn xuất hiện một nhóm đối tượng sử dụng mạng xã hội Facebook để quảng cáo hoạt động cho vay (Huỳnh Trường Phát, Tom Le, Nhật Tốp) với các nội dung như: “DNM cho vay bằng: cavet xe máy chính chủ, cavet ô tô chính chủ, sổ đỏ chính chủ, mua bán xe máy, ô tô, quẹt thẻ tín dụng nhận tiền liền với lãi suất thấp, hạn mức tối đa, cam kết không thẩm định, hỗ trợ nợ xấu, giữ cavet, không giữ xe, thủ tục nhanh, bảo mật, giải ngân sau một nụ cười, minh bạch, rõ ràng”.

Qua thu thập thông tin, cơ quan điều tra xác định, nhóm đối tượng này tổ chức hoạt động cho vay tiền dưới hình thức cầm đồ và cho thuê xe máy với tiền lãi dao động từ 3 nghìn đến 11,500 nghìn đồng/triệuđồng/ngày, tương đương lãi suất 109,5%/năm đến 419,75%/năm. Đường dây này thu hút số lượng lớn, lên tới hàng ngàn người vay trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Qua làm việc với một số khách hàng vay tại hộ kinh doanh DNM, được biết, trường hợp quá hạn chưa trả kịp, các đối tượng sẽ đe dọa, theo dõi vị trí xe và về nhà để đòi siết xe, đòi nợ gây mất an ninh, trật tự. Việc bị các đối tượng cho vay gắn định vị theo dõi đã ảnh hưởng đến thông tin riêng tư, tâm lý và công việc của người vay. Trước tình hình đó, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã báo cáo Ban Giám đốc Công an tỉnh và xác lập chuyên án đấu tranh.

Được sự chỉ đạo của Ban Giám đốc, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tổ chức 2 tổ công tác đấu tranh với 2 đối tượng cầm đầu, gồm: Lương Hoàng Nhật Nam và Huỳnh Văn Trường Phát (SN 1996, trú tại TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) và 13 đối tượng khác là nhân viên hành chính, nhân viên thu hồi nợ, nhân viên gắn định vị… Qua đấu tranh, đối tượng Lương Hoàng Nhật Nam – chủ hộ kinh doanh DNM thừa nhận, quá trình cho vay cầm đồ, Nam đã sử dụng hệ thống phần mềm Mecash (địa chỉ https://2cash.pro) để quản lý các hợp đồng cho vay tiền, cũng như tính toán lãi suất, nhắc nợ… thông qua mạng internet.

Từ năm 2019 đến tháng 3/2023, mặc dù chưa có giấy phép kinh doanh cầm đồ nhưng hộ kinh doanh DNM đã tổ chức hoạt động cho vay tiền dưới hình thức cầm cố xe máy, ô tô với tổng tiền lãi và phí dao động từ 109,5%/năm đến 419,75%/năm. Để trốn tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, nhóm đối tượng đã dùng thủ đoạn chia nhỏ lãi suất vay bằng 2 hợp đồng và phân chia tiền lãi thành nhiều khoản phí khác nhau. Cụ thể như sau, hợp đồng cầm cố tài sản đối với xe máy, ô tô có giấy đăng ký xe chính chủ, bao gồm các khoản phí: lãi suất, phí bảo quản, lưu giữ: 1,6%/tháng (19,2%/năm); phí quản lý hồ sơ: 1,9%/tháng (22,8%/năm); phí thẩm định tài sản cầm cố: 1%/tháng (12%/năm). Tổng lãi suất và các loại phí: 4,5%/tháng (tương đương 54%/năm). Hợp đồng này do các đối tượng giữ và in một giấy biên nhận cầm đồ cho người vay giữ, đến khi kết thúc hợp đồng sẽ thu lại. Đối với hợp đồng cho thuê xe, nhằm hợp thức hóa phần lãi suất còn lại thành phí cho thuê xe máy (cho người vay thuê lại chính xe máy của mình) với tiền thuê xe dao động và đúng bằng lãi suất vi phạm (được thỏa thuận với khách vay và quản lý bằng phần mềm) trừ đi số tiền lãi từ hợp đồng cầm cố tài sản.

Kiểm tra 2 địa điểm các đối tượng tổ chức hoạt động cho vay tại số 3 tỉnh lộ 10, phường Phú Thượng, TP Huế và 169 Điện Biên Phủ, phường Trường An, TP Huế, cơ quan Công an phát hiện, thu giữ 1 ô tô, 39 máy tính, điện thoại, camera các loại, nhiều tài khoản ngân hàng, hàng trăm cuống sim, thẻ sim và 2 thùng thiết bị định vị cùng một số tài liệu có liên quan đến hoạt động cho vay. Đồng thời, trích xuất khoảng 2.000 hồ sơ cầm cố từ hệ thống phần mềm Mecash, in ấn khoảng 1.500 trang tài liệu và nhiều hồ sơ liên quan. Các tổ công tác ban chuyên án đã thu thập trên 2.000 hợp đồng vay tiền với tổng số tiền cho vay lên đến 35 tỷ đồng.

Qua phân tích, đánh giá các tài liệu thu thập được, xác định có 1.150 hợp đồng cho vay với mức lãi suất trên 100%/năm (dao động từ 109%-419%) với số tiền thu lợi bất chính là 5,8 tỷ đồng. Ngoài ra, có trên 440 hợp đồng cho vay lớn hơn 20%/năm và nhỏ hơn 100%/năm, với số tiền thu lợi bất chính là 1,3 tỷ đồng. Tổng số tiền các đối tượng thu lợi bất chính là trên 7 tỷ đồng.

Hiện, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với  Lương Hoàng Nhật Nam và Huỳnh Văn Trường Phát về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” được quy định tại Điều 201, Bộ luật Hình sự. Đồng thời, tiếp tục củng cố tài liệu chứng cứ đối với các đối tượng liên quan để xử lý theo quy định.

Tác giả: Hải Lan

Nguồn: cand.com.vn

cho vay lãi nặnggắn chip định vịThu lợi bất chính