G36 vừa công bố báo cáo soát xét bán niên 2022, với con số lợi nhuận sau thuế hợp nhất âm 4,7 tỷ đồng.
Lý do được Công ty giải trình là, giá trị công trình chuyển tiếp sang năm 2022 thấp, trong khi cùng kỳ năm ngoái Công ty ghi nhận doanh thu từ dự án bất động sản B6 Giảng Võ.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Tổng công ty 36 ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 513,1 tỷ đồng, tăng vọt so với con số âm 290,1 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 4,1 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 290,9 tỷ đồng, chủ yếu do tăng vay nợ.
Tổng công ty 36 được thành lập từ năm 1996, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thi công xây lắp công trình, đầu tư phát triển bất động sản, dự án BOT. Kể từ khi đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM vào năm 2016 tới nay, dòng tiền kinh doanh của Công ty liên tục trong tình trạng âm, nhưng chưa khi nào thâm hụt lớn như hiện nay.
Quan sát thêm về diễn biến dòng tiền của doanh nghiệp này, có thể thấy, từ năm 2016 đến cuối tháng 6/2022, dòng tiền đầu tư âm lên tới 1.022,51 tỷ đồng, dòng tiền tài chính dương 204,46 tỷ đồng và dòng tiền kinh doanh dương 486,11 tỷ đồng.
Như vậy, dòng tiền hoạt động kinh doanh không đủ để mở rộng đầu tư, Công ty phải sử dụng dòng tiền bên ngoài (chủ yếu phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ 430 tỷ đồng lên 1.017,6 tỷ đồng) và quỹ tiền mặt tại Công ty để bù đắp.
Về kết quả kinh doanh, lợi nhuận Công ty đạt đỉnh năm 2018 là 85,98 tỷ đồng, sau đó suy giảm dần.
Năm 2022, Công ty đặt kế hoạch tổng doanh thu 2.258,1 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 13,1 tỷ đồng.
Chính vì kinh doanh lao dốc, cũng như dòng tiền thâm hụt vốn, quy mô tài sản của Tổng công ty tại thời điểm cuối tháng 6 đã giảm 18,1% so với thời điểm 31/12/2016, tức giảm 1.113,1 tỷ đồng, về mức 5.021,7 tỷ đồng. Trong đó, tổng nợ vay tăng thêm 39,6 tỷ đồng, lên 1.475,6 tỷ đồng, chiếm 29,4% tổng nguồn vốn (đầu kỳ chiếm 23,4% tổng nguồn vốn).
Có thể thấy, khó khăn trong kinh doanh, thậm chí lỗ trong 6 tháng đầu năm 2022 chính là nguyên nhân Công ty khó huy động vốn bên ngoài và phải thực hiện cầm cố cổ phiếu của Chủ tịch để có thể vay được vốn tại ngân hàng.
Nếu tính theo giá thị trường 10.200 đồng/cổ phiếu (ngày 29/8/2022), 12,54 triệu cổ phiếu của ông Nguyễn Đăng Giáp có giá trị 127,91 tỷ đồng. Như vậy, mặc dù có cầm cố hết cổ phiếu của Chủ tịch, giá trị tài sản đảm bảo cũng chỉ chiếm 2,5% tổng nguồn vốn.
Nhiều năm qua, hiệu quả sử dụng tài sản của Tổng công ty 36 duy trì ở mức thấp. Riêng trong năm 2021, ROA là 0,44%, thấp hơn trung bình ngành 5,28% và ROE ghi nhận 2,02%, thấp hơn trung bình ngành 11,87%.
Về dự án đầu tư, tính tới cuối quý II/2022, Công ty đang ghi nhận 672,7 tỷ đồng tài sản dở dang. Trong đó, dự án lớn nhất là Khu tái định cư Tây Bắc – TP. Sapa – Lào Cai với giá trị 262,4 tỷ đồng; dự án số 6-8 đường Chùa Bộc, phường Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội trị giá 213,7 tỷ đồng; dự án Công trình hỗn hợp và TS huyện Nghi Lộc (dự án Quán Hành) trị giá 143,1 tỷ đồng …
Được biết, Dự án 6-8 đường Chùa Bộc có tổng diện tích 9.825,7 m2, dự kiến hoàn thành vào quý IV/2025; dự án Quán Hành với diện tích 11.512 m2, dự kiến hoàn thành vào quý I/2023…
Ngoài ra, Công ty cũng triển khai thêm 31 dự án xây dựng. Trong đó, các dự án lớn như Gói thầu xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai; dự án xây dựng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội; dự án nhà kỹ thuật nghiệp vụ và các công trình phụ trợ – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc …
Trước đó, trong năm 2021, Công ty đã trúng 10 gói thầu xây lắp tổng giá trị 2.609,25 tỷ đồng và trúng đấu giá quyền sử dụng đất 4 dự án ở Lào Cai (2 dự án), Nghệ An (1 dự án) và Quảng Ninh (1 dự án) với tổng vốn đầu tư 433,51 tỷ đồng.
Công ty nhà nước chuyển sang công ty gia đình
Tổng công ty 36 từng là đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng. Đến năm 2016, Công ty được cổ phần hoá theo phương án bán 42,21% vốn điều lệ (18,15 triệu cổ phiếu) cho nhà đầu tư chiến lược; 10% vốn điều lệ (4,3 triệu cổ phiếu) chào bán thông qua đấu giá; 40% còn lại thuộc về cổ đông nhà nước (17,2 triệu cổ phiếu).
Kết thúc đợt IPO, vốn điều lệ Tổng công ty tăng lên 430 tỷ đồng. Trong đó, cổ đông chiến lược là Công ty cổ phần Xây lắp và thương mại Trường Lộc sở hữu 32,9% vốn điều lệ (14,15 triệu cổ phiếu); Công ty cổ phần Vận tải và thương mại Anh Quân sở hữu 9,3% (4 triệu cổ phiếu). Nhóm hai cổ đông chiến lược mua vào với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Đối với kế hoạch IPO, Công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện đã mua vào 4,25 triệu cổ phiếu, chiếm 9,87% vốn điều lệ và trở thành cổ đông lớn. Trong đó, giá IPO trung bình là 15.102 đồng/cổ phiếu.
Công ty cổ phần Xây lắp và thương mại Trường Lộc được thành lập năm 2003, cổ đông sáng lập là ông Nguyễn Đăng Giáp, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty 36 tại thời điểm đó. Trong khi đó, Công ty cổ phần Vận tải và thương mại Anh Quân được thành lập năm 2008, cổ đông sáng lập là ông Nguyễn Đăng Ngọ, em trai ông Nguyễn Đăng Giáp. Như vậy, hai cổ đông chiến lược đều liên quan tới Chủ tịch Công ty.
Hiện ông Giáp chỉ còn giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị do theo yêu cầu tách bạch vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc tại công ty đại chúng.
Tới năm 2017, Công ty thực hiện tăng vốn điều lệ từ 430 tỷ đồng lên 727,3 tỷ đồng; trong đó, thực hiện chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1,33, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Kết thúc đợt chào bán, tỷ lệ sở hữu của Bộ Quốc phòng còn 18,38% vốn điều lệ (17,2 triệu cổ phiếu, tương đương đầu năm 2016). Ngược lại, danh sách cổ đông lớn bất ngờ xuất hiện ông Nguyễn Đăng Giáp sở hữu 13,16%; ông Nguyễn Văn Hiền sở hữu 10,27%…
Như vậy, sau đợt cổ phần hóa doanh nghiệp và đợt phát hành tăng vốn mà việc chào bán cổ phiếu cho cổ đông chiến lược, IPO, chào bán cho cổ đông hiện hữu và Nhà nước không tham gia, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước giảm mạnh theo thời gian từ 100% xuống còn 40% và hiện tại chỉ là 18,38%, không còn khả năng chi phối doanh nghiệp.
Ngược lại, tỷ lệ sở hữu của ông Nguyễn Đăng Giáp và người có liên quan tăng lên hơn 40% và về cơ bản quyền chi phối doanh nghiệp đã chuyển sang nhóm cổ đông tư nhân.
Báo cáo quản trị công ty bán niên 2022 của Công ty cho biết, trong 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Đăng Thuận đã bán hết hơn 582.000 cổ phiếu nắm giữ (tương ứng 0,57%); ông Nguyễn Văn Hiền bán hết hơn 320.000 cổ phiếu (tương đương 0,32%), Công ty Trường Lộc và Công ty Quân Anh bán ra mạnh.
Ở chiều ngược lại, ông Giáp và hai người em là Nguyễn Đăng Hùng và Nguyễn Đăng Hiếu lại gia tăng sở hữu.
Ngày 8/8/2022, Tổng công ty 36 công bố thông tin về việc thanh lý hợp đồng soát xét báo cáo tài chính bán niên và kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022 với Công ty Kiểm toán AASC và ký kết hợp đồng thực hiện các dịch vụ này với Chi nhánh Công ty TNHH Kiểm toán và dịch vụ tin học MOORE AISC.
Theo thông lệ, việc lựa chọn công ty kiểm toán được Hội đồng quản trị trình đại hội cổ đông tại kỳ họp thường niên, tổ chức vào đầu năm. Việc Tổng công ty 36 thay kiểm toán “giữa đường”, nhất là vào thời điểm gần đến hạn chót phải công bố báo soát xét bán niên (15/8/2022) gợi ra không ít băn khoăn.
Số liệu trên báo cáo soát xét của doanh nghiệp cũng cho thấy, lợi nhuận trên báo cáo tài chính riêng lẻ và báo cáo hợp nhất 6 tháng đầu năm sau soát xét chênh lệch so với báo cáo Công ty đã công bố trước đó theo hướng tăng lỗ.
(Theo Vũ Duy Bắc/ Tin nhanh Chứng khoán)
Link gốc: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/tong-cong-ty-36-g36-dang-sau-viec-chu-tich-cam-co-co-phieu-vay-von-post304999.html