Theo đơn tố cáo, tình trạng tự tung, tự tác trong quản lý đất đai từ trước đến nay tại xã Quỳnh Thanh là rất phổ biến. Kết luận thanh tra số 22/KL-UBND, ngày 28/12/2018 của UBND huyện Quỳnh Lưu, mới tính từ năm 2012 đến 2018 xã Quỳnh Thanh đã để xảy ra 59 trường hợp vi phạm trong quản lý và sử dụng đất đai.
Chỉ trong 3 năm (2012 đến 2014) đã có 11 trường hợp vi phạm trong sử dụng đất với 2.763m2, trong đó có 2 trường hợp lấn chiếm đất đai và 9 trường hợp vi phạm sử dụng đất sai mục đích.
Thế nhưng, do không xử lý một cách triệt để nên từ 2014 đến 2017, tại Quỳnh Thanh vấn đề này lại xuất hiện nhiều hơn, với 17 trường hợp lấn chiếm đất đai với tổng diện tích trên 15.230m2. Trong đó có 5 trường hợp dân đổ đất lấn chiếm bờ sông để xây dựng công trình, đào ao, làm chòi canh; 4 trường hợp lấn chiếm đất rừng phòng hộ để làm ao nuôi tôm; 8 trường hợp lấn chiếm hành lang an toàn giao thông…
Điều đáng quan tâm là tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích vẫn tiếp diễn ngày càng rầm rộ hơn với 44 trường hợp đổ sỏi, đá, xây dựng công trình, nhà, lều canh trên đất nông nghiệp, trên đất thầu khoán công ích của xã, bồi đắp lên đất trồng lúa để làm đất màu với tổng diện tích 8.510m2. Cũng theo bản kết luận này, trước khi Đoàn thanh tra vào cuộc tại địa phương, chính quyền xã đã xử lý tháo dỡ 20 công trình, trả lại mặt bằng ban đầu với tổng diện tích 8.923m2, có 5/30 trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích đã trả lại mặt bằng với gần 369m2…(?).
Sự thật về việc UBND xã xử lý sai phạm sau 2 lần thanh tra ra sao, chỉ có những người trong cuộc mới trả lời được. Trong quá trình xác minh, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều, tại địa phương dư luận cho rằng Thông báo số 330/TB-HĐND, ngày 24/11/2020 của đoàn giám sát do ông Hồ Sỹ Nguyệt, Phó chủ tịch HĐND huyện ký là không đúng với thực tế tại địa phương.
Theo họ đoàn giám sát về xã chỉ “cưỡi ngựa, xem hoa” nên hoàn toàn dựa vào báo cáo của chính quyền xã, do đó thông tin khác xa với sự thật. Dư luận ở địa phương cho rằng Thông báo số 330 nói trên đã bỏ qua các hành vi sai phạm của 23 hộ dân vi phạm (?).
Bằng chứng là, chỉ riêng tại xóm 12 từ năm 2015 đến 2017 đã có 5 hộ lấn chiếm đất rừng phòng hộ tại Sông Mơ với tổng diện tích trên dưới 8.200m2. Trong đó, hộ ông Trần Tín, xóm 12 (giáo viên trường THCS xã Quỳnh Thanh) năm 2017 xây tường bao lấn chiếm trái phép trên 30m2 kênh mương đã được chính quyền xã làm ngơ. Cá biệt có hộ ông Trần Xuân Lương, trú tại xóm 1, cậu ruột của Chủ tịch UBND xã, từ 2015 đến 2017 đã ngang nhiên đổ đất lấn chiếm đất nông nghiệp ngay trước trụ sở UBND xã gần 500m2, khi đoàn giám sát về xã các hộ này vẫn giữ nguyên hiện trường.
Hộ ông Nguyễn Bá Dương, thời điểm 12/2022 về trước làm Chi hội trưởng nông dân xóm 3 cũng công khai đổ đất lên 300m2 trên đất nông nghiệp, đã xây móng nhà ở kiên cố trên 120m2.
Hộ ông Bùi Văn Truyền, trú tại xóm 10, từ năm 2013 đến 2017 khi lấn chiếm 100m2 đất nông nghiệp để xây trại chăn nuôi tại Rộc Ráng, ông Truyền đã thuê máy múc của gia đình ông Hồ Xuân Xuyên để “thi công”…
Việc lấn chiếm đất công ở xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu xảy ra liên tục trong nhiều năm, nếu không có sự che chắn, thậm chí tiếp tay của chính quyền xã thì làm sao các đối tượng vi phạm lại lộng hành và khinh nhờn kỷ cương, phép nước đến vậy?
Còn theo người dân thì hầu hết các đối tượng vi phạm đều là người thân, bạn bè, ân nhân của Chủ tịch xã nên mới có chuyện không ai bị xử lý, vô hình chung khiến các đối tượng khác có cơ hội làm càn. Đây là lý do, giải thích vì sao Thông báo kết luận số 330 của đoàn giám sát của HĐND huyện lại bị dư luận phản ứng và tình trạng công khai lấn chiếm đất công rầm rộ, gây thất thoát ngân sách địa phương rất lớn.
Theo đơn tố cáo của công dân, từ năm 2021 đến nay đã có thêm 16 vụ vi phạm mới liên quan đến đất đai và xây dựng nhà ở, các kiến trúc trái phép khác trên đất nông nghiệp, đất 5%, đất ven sông, đất rừng phòng hộ mà chính quyền xã đã không xử lý.
Trong 16 vụ việc kể trên, chúng tôi xin dẫn một số vụ việc điển hình để chứng minh: Hộ ông Hồ Văn Thiên (xóm 5), tháng 6/2022 ông Thiên làm đơn xin Đảng ủy, chính quyền hỗ trợ chỗ ở cho các thành viên trong gia đình…(!?) Thực tế thời điểm đó ông Thiên là một trong số những hộ giàu của xóm 5.
Được “bật đèn xanh”, năm 2021 và 2022, ông Thiên ngang nhiên dùng phương tiện hút bùn, đổ đất, san nền trên dưới 4.000m2 đất, sau đó dựng lên 1 ngôi nhà gỗ chạm trổ 3 gian hoành tráng cùng với 2 nhà bằng vật liệu bê tông 6 gian với đầy đủ công trình vệ sinh, gara ô tô, vườn hoa, cây cảnh… Ông Thiên còn bỏ tiền ra mở rộng đường cho các loại xe ô tô vào nhà mình thuận lợi. Còn căn nhà cũ tại Trung tâm xóm ông ngăn tường cải tạo thành các ốt kinh doanh để cho thuê và làm nơi buôn bán thực phẩm. Theo “gương” bố, năm 2021 – 2022, anh Hồ Sỹ Phượng, đang ăn ở trên đất của bố ông Thiên để lại (diện tích trên 700m2) đã bán cho một cán bộ xã, sau đó ngang nhiên đổ đất lấn chiếm bờ sông (sát cống Phan Định) khoảng 700m2 và hiện đã xây nhà kiên cố trên diện tích khoảng 160m2.
Có thể kể ra hàng loạt trường hợp vi phạm khác như hộ con bà Bình Phước; hộ con trai ông Hồ Hòe, hộ ông Hồ Hương đều trú tại xóm 5; hộ ông Đoàn Thái ( xóm 6); hộ ông Trần Thường và hộ ông Trần Đường (xóm 13)…
Theo Võ Thanh Mai
Link gốc: https://nongnghiep.vn/sai-pham-quan-ly-dat-dai-o-quynh-thanh-vi-sao-khong-xu-ly-d354028.html