Như chúng tôi đã thông tin, theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022 sau soát xét, tính tại thời điểm cuối tháng 6/2022, tổng tài sản của Techcombank ở mức 623.738 tỷ đồng, tăng 9,6% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 391.823 tỷ đồng và ngân hàng cũng đã phải chi ra hơn 4.000 tỷ đồng để dự phòng rủi ro cho vay khách hàng.
Về chất lượng dư nợ, tại thời điểm cuối tháng 6/2022, tổng nợ xấu của Techcombank ở mức 2.359 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức 2.293 tỷ đồng hồi đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng 27% so với đầu năm lên mức 959,2 tỷ đồng; Nợ nghi ngờ mất vốn ở mức 890,7 tỷ đồng, tăng 3,5%. Tỷ lệ nợ xấu của Techcombank ở mức 0,6%.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính, dư nợ cho vay khách hàng của Techcombank chủ yếu nằm ở lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản với 94.358 tỷ đồng, chiếm 24,08% tổng dư nợ cho vay khách hàng; Lĩnh vực xây dựng 13.011 tỷ đồng, chiếm 3,32% tổng dư nợ cho vay khách hàng. Đáng nói, kinh doanh bất động sản là một trong những lĩnh vực được Ngân hàng Nhà nước xếp vào diện rủi ro khi cấp tín dụng.
Theo tìm hiểu của phóng viên dựa trên báo cáo tài chính công bố, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản tính đến cuối tháng 6/2022 tại các ngân hàng đều không vượt quá 30% tổng dư nợ cho vay khách hàng. Thậm chí, nhiều nhà băng còn kiểm soát tỷ trọng này ở mức dưới 10%.
Trong số đó, Techcombank lại là ngân hàng có tỷ lệ dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản lớn nhất toàn ngành, với khoảng 24,08% tổng dư nợ, tức hơn 95.900 tỷ đồng. Như vậy, nếu xét theo giá trị tuyệt đối, dư nợ cho vay bất động sản tại Techcombank đã giảm khoảng hơn 1.500 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2022.
Hiện nay, ông Hồ Hùng Anh đang làm Chủ tịch Hội đồng quản trị của Techcombank, còn ông Nguyễn Đăng Quang là Phó Chủ tịch thứ nhất của ngân hàng. Đây chính là 2 tỷ phú nằm trong top đầu những người giàu nhất Việt Nam, thậm chí là nằm trong danh sách các tỷ phú USD được Tạp chí danh tiếng Forbes công bố hàng năm. Mặt khác, Techcombank cũng là một trong số những ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam.
Mặc dù vậy, trong quá trình hoạt động, Techcombank cũng đã để xảy ra không ít sai phạm trong hoạt động tín dụng, trong đó vụ việc cho Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) vay khoản tiền hơn 500 tỷ đồng mà không cần công chứng, không đăng ký giao dịch đảm bảo, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Theo đó, tại Kết luận thanh tra số 2099/BC-TTCP ban hành ngày 2/12/2020 của Thanh tra Chính phủ có nêu, Vinafood 2 và Công ty Việt Hân Sài Gòn lợi dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại địa chỉ số 33 Nguyễn Du, số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM để lập dự án ‘khống’, rồi mang đi thế chấp ngân hàng, vay tiền ngân hàng trái luật.
Cụ thể, trong giai đoạn từ 2010 đến cuối năm 2015, Vinafood 2 ký hợp đồng tín dụng với Techcombank theo Hợp đồng số CIB20140016/HĐTD ngày 5/12/2014, tổng số tiền được vay là 850 tỷ đồng, để bổ sung vốn kinh doanh thường xuyên cho 4 công ty thành viên, hạch toán phụ thuộc; ký Hợp đồng thế chấp số CIB2015.0022/HĐTC ngày 6/3/2015. Hợp đồng thế chấp này không có chứng nhận của công chứng, cũng không đăng ký giao dịch đảm bảo.
Theo Thanh tra Chính phủ, tổng giá trị tài sản đảm bảo bằng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BB 971073 của 4 cơ sở nhà đất trên được định giá là 696,470 tỷ đồng để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho Techcombank. Sau đó, Techcombank đã giải ngân cho chủ đầu tư hơn 518 tỷ đồng vào ngày 9/3/2015. Đến tháng 12/2015, Vinafood 2 đã trả hết nợ gốc và lãi vay gần 550 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ kết luận, Vinafood 2 đã lập nhiều hồ sơ vay bằng dự án đầu tư khống, thực tế không tồn tại dự án, không có thủ tục xin lập dự án, không có phê duyệt dự án của các cơ quan có thẩm quyền để thế chấp đảm bảo cho nhiều khoản vay vốn trực tiếp tại một số ngân hàng thương mại cổ phần hoặc đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cùng một lúc cho các pháp nhân khác thực hiện các dự án khác, không liên quan đến 4 cơ sở nhà đất này để vay vốn và giải ngân trái pháp luật.
Trước đó, vào năm 2011, báo chí cũng đưa tin, tại Báo cáo số 3944/KL-TTCP-V.II ngày 30/12/2010 của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động cho vay lãi suất tại Techcombank cũng chỉ ra nhiều vi phạm tại nhà băng này.
Cụ thể, qua kiểm tra 89 hồ sơ cho vay hỗ trợ lãi suất với số tiền 14.400 tỷ đồng, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện tổng số tiền cho vay có sai phạm trên 9.777 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất không đúng quy định trên 55 tỷ đồng.
Các khuyết điểm, sai phạm của Techcombank như: Cho vay và hỗ trợ đối với các chứng từ đã cho vay và hỗ trợ tại các ngân hàng khác (hỗ trợ hai lần đối với một khối lượng hàng hóa); hợp pháp hóa hồ sơ để vay vốn và hưởng hỗ trợ lãi suất của nhà nước; cho vay và hỗ trợ đối với hồ sơ chưa đủ căn cứ, các chứng từ, hóa đơn không hợp pháp, hợp lệ; cho vay hỗ trợ lãi suất để thanh toán mua hàng hóa, chi phí sản xuất – kinh doanh đã được tiêu thụ trước khi giải ngân; hỗ trợ lãi suất vượt quá thời gian sử dụng vốn thực tế của doanh nghiệp; cho vay hỗ trợ lãi suất đối với các doanh nghiệp có nguồn vốn dư thừa…
Trước những vi phạm trên, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Techcombank: Thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ; Tiến hành kiểm điểm, xử lý nghiêm đối với các tập thể, cá nhân có sai phạm, khuyết điểm nêu trong Kết luận thanh tra; Tăng cường kiểm tra, kiểm toán nội bộ đối với các hoạt động cho vay hỗ trợ lãi suất; Chấn chỉnh kịp thời và tuân thủ nghiêm các quy trình cho vay theo quy chế cho vay của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Thu hồi số tiền hỗ trợ không đúng quy định để hoàn trả Ngân sách Nhà nước.
Theo PV
Link gốc: https://doanhnghiepkinhtexanh.vn/no-co-kha-nang-mat-von-tang-vot-va-chuyen-nem-hang-tram-ty-vao-du-an-ma-cua-techcombank-a8822.html