Trong bối cảnh biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron xuất hiện ở bệnh nhân mắc COVID-19 tại TPHCM, có thể dẫn đến nguy cơ tăng nhanh số ca nhiễm mới, ngành y tế TPHCM đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch.
Hiện, tất cả các bệnh viện trên địa bàn TPHCM thực hiện đồng thời 2 chức năng, vừa khám, chữa bệnh thông thường vừa điều trị người mắc COVID-19 có các bệnh lý cấp/mạn tính hoặc bệnh lý nền kèm theo tại các khoa/đơn vị điều trị COVID-19.
7 bệnh viện gồm: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố, Chợ Rẫy, Thống Nhất, Quân y 175 tiếp tục đóng vai trò tuyến cuối về điều trị COVID-19 tại TPHCM.
Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 13 với 1.000 giường hiện tạm ngưng nhận bệnh, nhưng sẵn sàng kích hoạt lại khi cần thiết.
Bà Lê Thiện Quỳnh Như – Phó Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM cho hay khi nào số F0 nhập viện đầy tất cả giường điều trị COVID-19 đã được chuẩn bị, thành phố mới kích hoạt bệnh viện dã chiến.
Bên cạnh đó, các quận, huyện trên địa bàn thành phố cũng có kế hoạch sẵn sàng mở lại bệnh viện dã chiến trong trường hợp F0 tăng cao trở lại.
Thời gian tới, khi 100% các bệnh viện trên địa bàn (trừ các bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ) thành lập khoa/đơn vị điều trị COVID-19, tổng số giường sẽ được nâng lên 10.000, trong đó có 1.000 giường hồi sức cho người bệnh.
Theo Sở Y tế TPHCM, điều quan trọng hiện nay là các biện pháp dự phòng COVID-19. Mới đây, TPHCM kéo dài đợt cao điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 đến hết ngày 31.7 nhằm tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho người dân trên địa bàn.
Để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng của người dân và duy trì miễn dịch cộng đồng, tất cả các điểm tiêm cố định trên địa bàn (bệnh viện đa khoa thành phố, bệnh viện chuyên khoa sản, nhi, bệnh viện tuyến quận, huyện, trung tâm y tế, trạm y tế) thực hiện tiêm tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ bảy và chủ nhật.
Theo Thanh Chân
Link gốc: https://laodong.vn/y-te/nguy-co-tai-bung-phat-covid-19-tphcm-san-sang-kich-hoat-benh-vien-da-chien-1067217.ldo