Một góc thị trấn Con Cuông. |
Theo Quyết định số 1069 của UBND tỉnh Nghệ An, diện tích nghiên cứu lập quy hoạch là 173.808,39ha, gồm 31 đơn vị hành chính (Thị trấn Con Cuông và các xã: Bình Chuẩn, Bồng Khê, Cam Lâm, Châu Khê, Chi Khê, Đôn Phục, Lạng Khê, Lục Dạ, Mậu Đức, Môn Sơn, Thạch Ngàn, Yên Khê).
Quy hoạch xây dựng vùng huyện Con Cuông được lập nhằm định hướng phát triển thống nhất về không gian, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội gắn kết chặt chẽ với quy hoạch tỉnh; đảm bảo kết nối đồng bộ với các địa phương lân cận như: Nghĩa Đàn, Thái Hòa, Tân Kỳ, Anh Sơn, Tương Dương và Kỳ Sơn; phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, thể thao mạo hiểm, du lịch nông nghiệp, nông thôn dọc Quốc lộ 7; phát triển hài hòa giữa các vùng đô thị và nông thôn. Đồng thời, tôn trọng tự nhiên, ứng phó với các vấn đề về biến đổi khí hậu để đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Quy hoạch xây dựng vùng huyện Con Cuông góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp, tiềm năng và lợi thế của địa phương để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững; văn hóa – xã hội phát triển lành mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; quốc phòng an ninh vững chắc.
Quy hoạch xây dựng vùng huyện Con Cuông nhằm cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; cụ thể hóa định hướng phát triển huyện Con Cuông tại Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Con Cuông lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Đồng thời phát huy vị thế và sức mạnh tổng hợp của huyện trong phát triển kinh tế – xã hội gắn với định hướng bền vững, khai thác có hiệu quả mối quan hệ nội và ngoại vùng. Trong đó tập trung các thế mạnh nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch và các loại hình công nghiệp dịch vụ du lịch. Đề xuất phân bố không gian xây dựng các khu công nghiệp, dịch vụ và hệ thống hạ tầng xã hội và các điểm dân cư nông thôn… trong đó xác định vùng động lực phát triển kinh tế – xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng cân bằng và bền vững…
Quy hoạch xây dựng vùng huyện Con Cuông gồm các nhiệm vụ: Phân tích, đánh giá tổng hợp hiện trạng và các nguồn lực phát triển vùng kinh tế, lao động, dân cư, đất đai; Đề xuất phát triển hệ thống đô thị, các khu dân cư nông thôn tập trung trên cơ sở khai thác lợi thế riêng của huyện Con Cuông về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch và dịch vụ thúc đẩy phát triển đa dạng ngành kinh tế.
Đề xuất cấu trúc không gian vùng huyện với các trục liên kết hệ thống đô thị, trung tâm cụm xã, hệ thống điểm dân cư nông thôn gắn kết với các trung tâm kinh tế huyện và khu vực; Phân bố không gian phát triển nông nghiệp, công nghiệp xây dựng, du lịch – dịch vụ, hệ thống hạ tầng xã hội, các công trình hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo phát triển bền vững đô thị và nông thôn; Bổ sung và khớp nối các dự án đã và đang thực hiện trên phạm vi địa bàn.
Đối với khu vực nông thôn: Đảm bảo thực hiện những quan điểm chủ đạo trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nghiên cứu các mô hình đặc trưng cho khu vực nông thôn huyện Con Cuông.
Xây dựng huyện Con Cuông là trung tâm tiểu vùng phía Tây Nam của tỉnh, phát triển các trung tâm dịch vụ y tế, đào tạo nghề, du lịch… có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng Tây Nam, có tiềm năng phát triển Khu du lịch sinh thái gắn với bảo tồn phát triển Khu dự trữ sinh quyển thế giới (Khu dự trữ sinh quyển Pù Mát) và là huyện có vị trí quan trọng về chính trị, an ninh quốc phòng biên giới phía Tây Nam Nghệ An.
Quy mô dân số hiện trạng là 76.234 người, đến năm 2030 dự kiến khoảng 105.000 – 115.000 người, năm 2050 dự kiến khoảng 125.000 – 135.000 người. Hiện trạng tỷ lệ đô thị hóa khoảng 7% – 8%; đến năm 2030 dự kiến khoảng 28 – 30%; năm 2050 dự kiến khoảng 33% – 35%…
Đề xuất tổ chức không gian đô thị, phân cấp đô thị, lựa chọn hình thái, cấu trúc, chức năng và quy mô các đô thị theo vùng và khu vực. Trong đó trọng tâm là thị trấn huyện lỵ Con Cuông và định hướng trong mỗi phân vùng sẽ quy hoạch điểm đô thị làm trung tâm phát triển cho vùng nhằm khai thác, phát huy các tiềm năng lợi thế của khu vực về phát triển du lịch sinh thái, chế biến nông, lâm sản. Đề xuất hệ thống không gian các khu chức năng, cụ thể về quy mô, loại hình, ưu tiên chế biến lâm sản, dịch vụ nông nghiệp, bố trí các khu vực cần gắn với các địa bàn đô thị, trung tâm cụm xã, nông thôn, vùng sản xuất nông – lâm nghiệp, đảm bảo các yêu cầu về khoảng cách ly an toàn, bảo vệ môi trường.
Đồng thời, rà soát, xem xét sự hình thành của các trung tâm cụm xã trong định hướng tình hình mới về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, du lịch… đặc biệt đối với các xã đã có quy hoạch được duyệt để xác lập những yêu cầu cần thiết của việc điều chỉnh quy hoạch. Rà soát quy hoạch trên địa bàn huyện, các điểm dân cư tập trung có khả năng đô thị hóa, các đô thị mới có khả năng hình thành trên địa bàn huyện. Đề xuất mô hình nông thôn mới, các khu tái định cư phục vụ các dự án động lực, quy mô lớn…
Tác giả: Quang Hợp
Nguồn: Baoxaydung.com.vn