Ngày 10/8, bác sĩ Trương Đình Phương, Trưởng khoa kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế Tân Kỳ, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An cho biết, trên địa bàn đã xuất hiện ca viêm não Nhật Bản đầu tiên tại xã Nghĩa Hành.
Ngày 28/7, bệnh nhi 9 tuổi có biểu hiện sốt, đau đầu nên gia đình nhờ trạm y tế đến kiểm tra, cho uống thuốc đau đầu. Đến hôm sau, cháu được bố mẹ đưa ra Trung tâm y tế huyện Tân Kỳ để điều trị. Do tình trạng bệnh diễn biến nặng nên bệnh nhi tiếp tục được đưa xuống bệnh viện Sản Nhi điều trị.
“Bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, gây tổn thương hệ thần kinh trung ương, là bệnh có tỷ lệ tử vong cao (25 đến 35%), dù bệnh nhân không tử vong thì sau khi khỏi bệnh cũng có thể để lại những di chứng nặng nề như: rối loạn tâm thần kinh, rối loạn vận động, suy giảm khả năng giao tiếp, nghe kém hoặc điếc…”, bác sĩ Phương nói.
Vì vậy, Trung tâm Y tế huyện Tân Kỳ đã cử đoàn công tác tiến hành điều tra, xử lý. Tại khu vực phát hiện bệnh nhân, đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra thực tế, thực hiện điều tra dịch tễ, giám sát môi trường,… tại gia đình và khu vực xung quanh nhà bệnh nhân sinh sống.
Đồng thời, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An cũng đã chỉ đạo hướng dẫn địa phương các hoạt động phòng, chống dịch viêm não Nhật Bản, như giám sát véc-tơ, môi trường, đồng thời tổ chức truyền thông về bệnh viêm não Nhật Bản.
“Qua kiểm tra, tỷ lệ muỗi vượt mức cho phép, ổ bộ gậy lên đến 175%. Chúng tôi xác định, khả năng xuất hiện những ca bệnh tiếp theo nên triển khai nhiều biện pháp phòng chống, tiến hành giám sát véc-tơ, môi trường tại xóm; phun hóa chất xử lý môi trường; tham mưu, phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các hoạt động phòng, chống viêm não Nhật Bản như truyền thông về bệnh; rà soát các trường hợp chưa tiêm, tiêm chưa đủ mũi vắc-xin viêm não Nhật Bản để tiến hành tiêm vét…”, bác sĩ Phương cho biết thêm.
Hiện, bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ em từ 1 đến 15 tuổi, là bệnh lây truyền qua muỗi đốt. Tuy nhiên, bệnh viêm não Nhật Bản hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ có thể tiêm phòng vắc-xin để phòng bệnh.
Trưởng khoa kiểm soát dịch bệnh cho biết thêm, mặc dù trẻ đã được tiêm phòng đầy đủ nhưng kháng thể sẽ giảm dần sau 3 năm, do đó nguy cơ mắc bệnh có thể tăng trở lại nếu trẻ không được tiêm phòng nhắc lại. Vì vậy việc tiêm vắc-xin đầy đủ và nhắc lại là hết sức quan trọng để phòng bệnh viêm não Nhật Bản. Vậy, để chủ động phòng bệnh cho trẻ, các bà mẹ hãy đến các trạm y tế xã/thị trấn để đăng ký tiêm cho con đầy đủ và đúng lịch.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An, tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh viêm não Nhật Bản.
Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền theo đường máu, gây nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương ở người lớn và trẻ em do virus viêm não Nhật Bản thuộc nhóm B họ Togaviridae, giống Flavivirus gây ra. Các nguồn lây bệnh viêm não Nhật Bản chủ yếu là các loài chim hoang dã và gia súc như lợn, trâu, bò, ngựa.
Đường lây qua trung gian truyền bệnh là muỗi Culex. Muỗi sẽ bị nhiễm virus gây bệnh viêm não Nhật Bản sau khi hút máu từ các loài động vật bị bệnh, sau đó truyền sang người thông qua vết muỗi đốt. Muỗi Culex sinh sản mạnh vào mùa hè nên bệnh Viêm Não Nhật Bản thường bùng phát vào mùa hè, nhất là từ tháng 5 – 7.
Theo Nguyễn Anh Ngọc
Link gốc: http://www.nguoiduatin.vn/nghe-an-ghi-nhan-ca-benh-viem-nao-nhat-ban-canh-bao-di-chung-nang-ne-a563901.html