Như Báo điện tử Xây dựng đã thông tin, từ đầu năm 2021, nhiều doanh nghiệp có dự án nhà ở tại tỉnh Nghệ An đã nhận được thông báo của Cục Thuế tỉnh này yêu cầu chủ đầu tư nộp phạt khoản tiền nộp bổ sung, trong thời gian được gia hạn tiến độ đối với toàn bộ diện tích đất của dự án nhà ở, trong đó bao gồm cả diện tích đất của các hộ gia đình cá nhân thuộc dự án đã nhận chuyển quyền sử dụng đất và được UBND tỉnh Nghệ An ủy quyền cho Sở Tài nguyên và Môi trường làm thủ tục, cấp giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật và phần diện tích đất đã hoàn thành đầu tư xây dựng công trình, theo bản vẽ quy hoạch chi tiết xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Các doanh nghiệp cho rằng, việc xử phạt và thông báo nộp khoản tiền nêu trên đối với doanh nghiệp là chưa hợp tình, hợp lý. Bởi đối với các lô đất đã được cấp có thẩm quyền cho phép phân lô, bán nền chuyển quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng nhà ở thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp cho người dân. Vì vậy, người sử dụng đất trong trường hợp này là các hộ gia đình, cá nhân chứ không phải chủ đầu tư. Trước tình hình đó, từ tháng 8/2021 đến nay, đại diện các doanh nghiệp đã nhiều lần có đơn gửi UBND tỉnh Nghệ An kiến nghị nội dung liên quan đến việc xác định diện tích đất thu tiền chậm tiến độ khi gia hạn tiến độ tại các dự án khu đô thị mới và đầu tư xây dựng nhà ở, nhưng vẫn chưa nhận được hướng giải quyết thỏa đáng từ phía chính quyền địa phương.
Ông Nguyễn Văn Khang – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trường Sơn bức xúc cho biết: “Việc cơ quan Ban, ngành Nghệ An đưa tình tiết các khu vực đất đã chuyển nhượng cho dân chưa xây dựng nhà, để quy vào chậm tiến độ toàn dự án là bất hợp lý. Bởi cơ quan chức năng đã có văn bản chấp thuận để chủ đầu tư chuyển nhượng, cấp bìa và cho phép người dân tự xây dựng nhà thì chủ quyền lô đất đó thuộc về các hộ dân. Cấp “bìa đỏ” cho dân rồi giờ chủ đầu tư có nhắc họ xây dựng họ bảo khi nào có tiền họ mới làm, chủ đầu tư cũng “bó tay” luôn. Giờ có những trường hợp khách hàng mua đất đứng tên mình để sau này cho con, nhưng không may họ qua đời rồi chưa kịp sang tên cho con thì bắt họ làm nhà như thế nào? Với những tình huống như thế này, nếu cứ áp dụng theo kiểu còn một nhà chưa xây dựng là chậm tiến độ toàn dự án, rồi đổ lên đầu phạt chủ đầu tư thế thì tiến độ sẽ bị chậm dài dài và không thể dứt điểm được thì coi như bị phạt triền miên.
Đợt này, dự án chúng tôi cũng đã làm hồ sơ, thủ tục gia hạn tiến độ một vài hạng mục cuối của dự án như trồng cây xanh, sân tiểu cảnh và sân thể thao nhưng chúng tôi không gia hạn phần đất đã chuyển nhượng cho dân để dân tự xây dựng nhà, vì bây giờ khu vực đó là phần của Nhà nước quản lý trực tiếp và để chờ xem chính quyền xử trí vấn đề này như thế nào?”.
Trong khi đó, đại diện một doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Vinh (xin được dấu tên) cho biết: “Theo tôi được biết, người sử dụng đất là người có nghĩa vụ nộp khoản tiền trên, còn về người sử dụng đất thì trên “bìa đỏ” đều có ghi rõ. Về luật là như vậy, còn về lý thì chủ đầu tư không được làm gì về phần đất này (Điều 166, Luật Đất đai ghi rõ người sử dụng đất được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm về đất đai của mình). Chủ đầu tư cũng không làm gì sai ở đây, vì đã tuân thủ đúng quy định của pháp luật khi chuyển quyền sử dụng đất cho gia đình hộ cá nhân. Mặt khác về luật thì chủ đầu tư hoàn toàn được phép chia tách chuyển nhượng một phần của dự án, nên lúc này chủ đầu tư mới hoàn toàn có thể là hộ gia đình, cá nhân, hoặc chủ đầu tư mới. Vậy nên pháp luật rất chặt chẽ và cũng rất nhân văn khi quy định rõ người nộp tiền là người sử dụng đất.
Về nộp thuế thì tổng số tiền không đổi, thu của doanh nghiệp cũng như của dân. Tuy nhiên mục đích chính của Điều 64, Luật Đất đai là thúc đẩy đưa đất vào sử dụng, mà đối với hộ gia đình cá nhân thì chỉ có Nhà nước, UBND, Sở, Ban, ngành ra quyết định họ mới tuân thủ theo. Chủ đầu tư không có quyền hành để có thể thúc đẩy họ triển khai xây dựng nhà.
Còn với khoản tiền gia hạn, chủ đầu tư phân bổ rồi thu của hộ gia đình cá nhân thì càng không hợp lý vì không có tính pháp lý, không có quy định và khi bị kiện hoặc thanh tra thì chắc chắn bị xử lý vì không đúng luật”.
Chị T.T.N (một khách hàng nhận chuyển nhượng lại lô đất của một trong những dự án bị phạt chậm tiến độ trên địa bàn thành phố Vinh) cho biết: “Tôi có mua lại một lô đất thuộc dự án trên địa bàn thành phố Vinh có diện tích 140m2, khi nhận chuyển nhượng và làm thủ tục sang tên đổi chủ, tôi được chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng trong bìa chỉ ghi: “Hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để tự xây nhà ở phải thực hiện việc xây dựng nhà ở theo đúng giấy phép xây dựng, tuân thủ quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị đã được duyệt”. Không có dòng nào yêu cầu nào cá nhân nhận chuyển nhượng phải xây dựng nhà theo tiến độ. Hơn nữa, chúng tôi mua lô đất đó là để cho con sau này vì gia đình chúng tôi đã có nhà cửa đầy đủ, khang trang. Giờ mà bắt chúng tôi xây nhà trên lô đất đó thì chúng tôi không thể thực hiện được. Bởi xây nhà lên thì để cho ai ở vì con vẫn còn chưa trưởng thành và cũng chưa có tiền để xây”.
Có thể nói, việc chủ đầu tư dự án chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân, chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất công nhận quyền sở hữu cho người dân. Thậm chí nhiều lô đất đã được chính quyền cấp bìa nhiều lần là thực hiện quy định và văn bản chấp thuận của chính quyền sở tại. Hơn nữa có những bìa đất nhận chuyển nhượng chỉ ghi “Hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để tự xây nhà ở phải thực hiện việc xây dựng nhà ở theo đúng giấy phép xây dựng, tuân thủ quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị đã được duyệt”, không yêu cầu người dân phải xây dựng nhà theo tiến độ thì chế tài nào để bắt người dân xây nhà cho kịp tiến độ dự án.
Như vậy, khi người dân nhận chuyển nhượng chưa chịu xây dựng nhà, thì tiến độ dự án vẫn còn chậm và chủ đầu tư vẫn phải nộp phạt dài dài, vấn đề này chính quyền Nghệ An sẽ gỡ khó cho doanh nghiệp ra sao?
Theo Quang Hợp
Link gốc: https://baoxaydung.com.vn/nghe-an-cho-phep-chuyen-nhuong-dat-phan-lo-dan-chua-xay-dung-nha-chu-dau-tu-ganh-tien-do-cong-lung-355646.html