WHO: COVID-19 vẫn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu
Hôm 19.10, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết COVID-19 vẫn là tình trạng khẩn cấp toàn cầu, gần ba năm sau khi nó lần đầu tiên được tuyên bố như vậy.
Ủy ban khẩn cấp của WHO lần đầu tiên đưa ra tuyên bố COVID-19 là tình trạng khẩn cấp toàn cầu vào ngày 30.1.2020. Tuyên bố như vậy có thể giúp đẩy nhanh nghiên cứu, tài trợ và các biện pháp y tế công cộng quốc tế để ngăn chặn dịch bệnh.
Những tháng gần đây, cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc cho biết trong khi các ca mắc COVID-19 đang giảm ở nhiều nơi trên thế giới, các quốc gia vẫn cần duy trì cảnh giác và thúc đẩy các nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất tiêm vắc xin.
Ủy ban của WHO cho biết: “Mặc dù công chúng nhận thức rằng đại dịch đã kết thúc ở một số nơi trên thế giới, nhưng nó vẫn là một sự kiện sức khỏe cộng đồng tiếp tục ảnh hưởng xấu và mạnh mẽ đến sức khỏe dân số thế giới”.
Ủy ban của WHO lưu ý rằng mặc dù số người chết hàng tuần do COVID-19 là thấp nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu, chúng vẫn ở mức cao so với các loại vi rút khác.
Tổng giám đốc WHO – Tedros Adhanom Ghebreyesus nói với các phóng viên: “Đại dịch này đã gây ngạc nhiên cho chúng ta trước đây và rất có thể sẽ xảy ra một lần nữa”.
Thụy Sĩ tiêu hủy 9 triệu liều vắc xin COVID-19 của Moderna hết hạn sử dụng
Thụy Sĩ sẽ tiêu hủy 9 triệu liều vắc xin COVID-19 của Moderna đã hết hạn sử dụng. 5,1 triệu liều vắc xin khác sẽ chịu chung số phận vào tháng 2.2023, chính phủ Thụy Sĩ cho biết hôm thứ Tư.
Sự lãng phí phản ánh chiến lược của Thụy Sĩ là đặt mua nhiều vắc xin hơn mức cần thiết để đảm bảo dân số khoảng 8,7 triệu người sẽ có đủ nguồn cung cấp ngay cả trong trường hợp nguồn cung bị tắc nghẽn hoặc các vấn đề về chất lượng.
Các quốc gia khác cũng đã tiêu hủy hàng trăm triệu liều vắc xin COVID-19 hết hạn sử dụng.
Nội các Thụy Sĩ cho biết: “Với chiến lược được lựa chọn có chủ ý này, người ta đã chấp nhận rằng quá nhiều vắc xin sẽ được mua sắm và một số liều lượng được mua sắm sẽ phải được bán, chuyển giao hoặc có thể bị tiêu hủy”.
Kể từ cuối năm 2020, Thụy Sĩ đã nhận được 31,9 triệu liều vắc xin COVID-19 từ Moderna và các nhà cung cấp khác, trong đó 16,1 triệu liều đã được sử dụng. Chính phủ Thụy Sĩ cho biết 3,2 triệu liều vắc xin COVID-19 khác đã được chuyển cho các nước thứ ba.
70,6% dân số Thụy Sĩ đã tiêm ít nhất một liều vắc xin COVID-19, trong khi 69,6% tiêm đủ liều. Tỷ lệ này thấp so với nhiều nước Tây Âu khác.
Các nhà chức trách Thụy Sĩ đã báo cáo 4,2 triệu ca mắc COVID và gần 13.700 ca tử vong kể từ khi bắt đầu đại dịch.
Moderna: Vắc xin tăng cường nhắm Omicron vẫn có tác dụng cao sau 3 tháng
Hôm thứ Tư, Moderna cho biết vắc xin tăng cường COVID-19 nhắm Omicron BA.1 đã tạo ra đáp ứng miễn dịch mạnh mẽ chống lại biến thể đó, với kháng thể duy trì ở mức cao trong ít nhất ba tháng.
Các vắc xin tăng cường nhắm Omicron của Pfizer và Moderna đã được cơ quan quản lý ở một số quốc gia cấp phép. Mỹ đã tiên phong cho các loại vắc xin tăng cường nhắm vào biến thể phụ BA.4 và BA.5 đang lưu hành.
“Dữ liệu thử nghiệm lâm sàng hiện chỉ ra rằng đáp ứng miễn dịch vượt trội do vắc xin tăng cường lưỡng trị của chúng tôi tạo ra có độ bền trong ít nhất ba tháng“, Stephane Bancel, Giám đốc điều hành của Moderna, cho biết trong một tuyên bố.
Moderna mong đợi dữ liệu từ các thử nghiệm trên người với vắc xin nhắm mục tiêu BA.4/BA.5 vào cuối năm nay.
Theo Sơn Vân
Link gốc: https://1thegioi.vn/moderna-vac-xin-moi-nham-omicron-van-co-tac-dung-cao-sau-3-thang-188479.html