“Lối đi” nào cho các cơ sở karaoke? Đây là câu hỏi được đặt ra trước thực trạng nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke ở Hà Nội vẫn chưa đủ điều kiện hoạt động trở lại sau đợt tổng kiểm tra về phòng cháy chữa cháy.
Người dân có còn mặn mà?
Trước khi “vắng bóng”, mô hình kinh doanh dịch vụ karaoke ở Hà Nội đã rất thu hút và hấp dẫn được rất nhiều khách hàng, đặc biệt là giới trẻ. Dịch vụ này đem lại lợi nhuận vô cùng hấp dẫn cho các chủ quán. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, sau đó liên tiếp xảy ra những vụ cháy lớn tại các cơ sở karaoke làm thiệt hại về người vô cùng nghiêm trọng, buộc phải tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh karaoke. Điều này, khiến cho các chủ đầu tư karaoke không khỏi lo lắng, sốt ruột và cũng khiến cho các khách hàng cảm thấy tiếc nuối vì mất đi một địa điểm giải trí, tụ tập bạn bè, đối tác.
Vậy nhưng, sau một thời gian dài “vắng bóng” thói quen của khách hàng cũng đã dần thay đổi, nhiều dịch vụ giải trí mới mẻ khác xuất hiện ngày càng được yêu thích, khiến cho mô hình kinh doanh karaoke dần dần bị quên lãng. Thay vì tổ chức tiệc sinh nhật, lễ kỷ niệm… tại quán karaoke, nhiều khách hàng đã tìm đến những quán ăn rộng rãi được trang bị thêm những hệ thống âm thanh, ánh sáng đạt chuẩn, hay những quán cà phê trang bị đầy đủ màn hình, loa kéo cho khách thỏa mãn với “đam mê” ca hát.
Theo anh Nguyễn Thanh Xuân (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ, trước đây, anh hay cùng bạn bè tổ chức sinh nhật tại các cơ sở karaoke, khi biết rằng mô hình kinh doanh này bị đình chỉ hoạt động tạm thời và không còn an toàn cho khách hàng nữa. Vì vậy, anh sẽ lựa chọn những dịch vụ giải trí có chất lượng tốt và đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy.
Những vị khách trước kia, luôn lựa chọn đón tiếp những đối tác làm việc tại các cơ sở karaoke sang trọng, nay cũng lựa chọn những dịch vụ khác như: Mời ca sĩ về hát, thuê ban nhạc tới để giao lưu trực tiếp, chi phí tốn kém hơn nhưng hiệu quả công việc cũng tăng lên rõ rệt. Nhờ vậy, dịch vụ thuê ca sĩ, ban nhạc đến các điểm tổ chức liên hoan, tổ chức sự kiện ngày càng phát triển rõ rệt.
Liệu rằng karaoke sẽ bị “khai tử”?
Tình trạng “cửa đóng, then cài” của dịch vụ kinh doanh karaoke trong khi nhiều mô hình giải trí lên ngôi, khiến cho các chủ đầu tư và nhiều khách hàng lo lắng cho dịch vụ này.
Các chuyên gia cho rằng, sau đại dịch Covid-19 và một số vụ cháy tại các quán karaoke, việc hát karaoke ở nhà riêng, khu vực công cộng lại trở nên phổ biến hơn. Điều này chứng tỏ nhu cầu hát karaoke của người dân là có thật, nhưng hệ lụy của sự đổi hướng này là ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng đến sinh hoạt cộng đồng.
Do đó, hoạt động kinh doanh karaoke nên được đưa trở lại nhằm đảm bảo quyền lợi cho các chủ doanh nghiệp cũng như thỏa mãn nhu cầu văn hóa nghệ thuật của người dân. Tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh phải hoạt động theo đúng quy định pháp luật. Cần phải tuân thủ đầy đủ những nội dung yêu cầu của Công an thành phố về phòng cháy chữa cháy, về lối thoát nạn, đường thoát nạn, hệ thống báo cháy, chữa cháy
Để mô hình kinh doanh này hồi sinh trở lại trên địa bàn Hà Nội, việc nghiên cứu kỹ lưỡng các quy định của pháp luật, đáp ứng đầy đủ về yêu cầu phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ, cơ sở vật chất đầy đủ sẽ là “lối đi” để ngành này sớm hoạt động trở lại.
Tác giả: Nguyễn Hằng
Nguồn: congthuong.vn