Khai thác tiềm năng du lịch sức khỏe

Du lịch sức khỏe đang là xu hướng được nhiều người lựa chọn. Việt Nam là quốc gia được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển loại hình du lịch này.

Du lịch sức khỏe đang là xu hướng được nhiều người lựa chọn. (Nguồn: Vietravel)

Những xu hướng du lịch sức khỏe mới

Trong vài năm qua, du lịch sức khỏe cũng có nhiều xu hướng khác nhau. Từ việc vừa đi du lịch, vừa trị liệu, chữa bệnh cho đến các tour du lịch kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh, chữa lành về tâm trí kết nối thiên nhiên, dược liệu. Trong đó nổi bật là những loại hình như tắm rừng, tắm cát, suối nước nóng, các liệu pháp spa như mát-xa, chăm sóc da, tắm bùn, xoa bóp bấm huyệt truyền thống, chữa bệnh bằng năng lượng hay những khoá tu tâm linh bình yên…

Ngoài ra, gần đây bắt đầu xuất hiện thêm các nhu cầu du lịch mới về sức khỏe. Ví dụ như du lịch ngủ được dự báo là một xu hướng trong năm 2024. Theo nhiều nghiên cứu quốc tế cho thấy sự phát triển của thời đại khiến con người thường xuyên mất ngủ do căng thẳng trong công việc, cuộc sống. Nhiều du khách chọn đi du lịch để thay đổi môi trường, tìm sự an tĩnh nhằm có được giấc ngủ sâu. Số liệu được ứng dụng Booking (trụ sở ở Hà Lan) công bố tháng 3 vừa qua cho thấy gần 70% du khách Việt Nam lựa chọn các chuyến du lịch để ngủ, “nạp lại năng lượng” sau một thời gian căng thẳng, mệt mỏi.

Tại Việt Nam, những địa điểm du lịch ngủ được du khách trong và ngoài nước ưa thích nhất là Đà Lạt, Đà Nẵng. Đây là những nơi có khí hậu ôn hòa, phong cảnh đẹp, yên tĩnh, phù hợp để thư giãn, nghỉ ngơi. Với xu hướng du lịch ngủ, nhiều khách sạn, nhà nghỉ ở Việt Nam đang thay đổi cách tiếp cận khách hàng bằng những dịch vụ thư giãn, phòng nghỉ yên tĩnh và đồ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng.

Ngoài du lịch ngủ, du lịch gắn liền với các hoạt động thể dục thể thao, các giải thi đấu thể thao quần chúng cũng đang được nhiều du khách quan tâm. Đặc biệt, tại Việt Nam gần đây đang phát triển mạnh mẽ các phong trào như: Chạy bộ, đạp xe, leo núi, chèo sup-kayak, yoga, golf… cùng nhiều cuộc thi quy mô khác nhau được tổ chức.

Như năm 2023, các cuộc thi Marathon quốc tế di sản vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), giải thi đấu Yoga Hướng mặt trời lần I diễn ra ở tỉnh Thanh Hóa, giải đua thuyền kayak trên hồ sông Đà (tỉnh Hòa Bình)… đã thu hút hàng trăm người tham gia, đóng góp vào việc phát triển du lịch ở các địa phương. Thực tế, du lịch gắn với các hoạt động thể dục thể thao đang là một xu hướng để phát triển du lịch mùa Thu – Đông ở nhiều nơi.

Với đặc thù này, xu hướng du lịch gắn với thể thao càng có ý nghĩa quan trọng trong mùa thấp điểm. Ưu điểm của loại hình du lịch trên là không bị hạn chế bởi nhiều yếu tố như văn hóa, giới tính hay trình độ và hướng tới mọi đối tượng. Điều này đã và đang giúp các hoạt động sự kiện văn hóa, thể thao gắn với du lịch mang lại những trải nghiệm mới mẻ cho du khách, từ đó thu hút được lượng khách đông đảo tham gia.

Tạo liên kết, mở rộng tiềm năng

Du lịch sức khỏe được nhiều nước trên thế giới phát triển mạnh mẽ, các quốc gia đi đầu về mô hình du lịch sức khỏe này phải kể đến Nhật Bản với hình thức tắm onsen, Hàn Quốc tắm đá muối, Ấn Độ với các tour du lịch kết hợp thiền định và yoga… Việt Nam là đất nước có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sức khỏe, nhờ nguồn tài nguyên dồi dào, điều kiện khí hậu, địa hình thuận lợi để đầu tư các hệ thống chăm sóc sức khỏe, tổ chức các hoạt động thể dục thể thao ngoài trời.

Tuy nhiên, xét về tổng thể, việc đầu tư cho du lịch sức khỏe ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu và đạt chuẩn quốc tế. Việc liên kết, hợp tác giữa địa phương, cơ quan y tế, cơ sở kinh doanh du lịch và các hãng lữ hành còn thiếu đồng bộ. Công tác truyền thông quảng bá cho du lịch chăm sóc sức khỏe chưa được đẩy mạnh. Đặc biệt, Việt Nam chưa tận dụng được nguồn “tài nguyên” về y học cổ truyền, các trung tâm chăm sóc sức khỏe để tạo ra những tour du lịch mang lại độ hài lòng cao cho khách hàng.

Lấy ví dụ, để đưa thể thao trở thành sản phẩm độc đáo của du lịch Việt Nam, cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và định hướng dài hạn để xây dựng, nâng cấp hạ tầng theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; cần có chiến lược quảng bá để gia tăng cơ hội đăng cai nhiều sự kiện thể thao hấp dẫn. Mặt khác, cần có sự phối hợp giữa ngành du lịch và thể thao, để các sản phẩm không chỉ dành cho du khách Việt mà còn đưa hình ảnh sôi động, hiếu khách đến du khách quốc tế. Như năm 2023, giải chạy “Da Lat Music Run 2023” diễn ra tại TP Đà Lạt, thu hút hơn 4 nghìn người trên cả nước tham gia. Đây là giải chạy bộ ngoài trời kết hợp với âm nhạc chất lượng lần đầu có tại Việt Nam. Hay như giải chạy Marathon quốc tế TP HCM Techcombank lần thứ năm thu hút hơn 14.000 người đến từ 64 quốc gia.

Hoặc để thực hiện được tour du lịch ngủ, ngoài địa điểm du lịch có phong cảnh, không gian yên tĩnh, cần sự kết hợp của các công ty du lịch – lữ hành, nhà nghỉ, khách sạn với những chuyên gia, trung tâm cung cấp, tư vấn dịch vụ trị liệu, hỗ trợ giấc ngủ ngon như: đệm, gối, máy đo các chỉ số…

Tác giả: Hương Ngọc

Nguồn: baophapluat.vn

Khai thác tiềm năng du lịch sức khỏe