Xã có 13 mỏ khoáng sản, 58% hộ nghèo và cận nghèo
Xã Châu Hồng (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) là một trong những xã có nhiều mỏ khoáng sản nhất Nghệ An. Nơi đây có đến 13 mỏ khai thác đá trắng và quặng thiếc.
Đường vào xã Châu Hồng là tỉnh lộ 532 dài 25km, đi qua các xã Châu Quang, Châu Cường, Châu Hồng, Châu Tiến, được xây dựng từ những năm 1980. Do phải chịu hàng nghìn lượt xe tải trọng lớn chở quặng “cày” suốt ngày đêm, đường đã xuống cấp nghiêm trọng, chi chít ổ gà, lượn sóng.
Xe ô tô phải đi hàng tiếng đồng hồ mới vào đến Châu Hồng, ngồi trên xe dằn xóc rất mệt; còn người đi xe máy chẳng khác gì tra tấn.
“Mùa hè thì bụi, mưa thì bẩn, lúa hai bên đường cũng bị bụi đường bao phủ làm chết héo”, anh Lương Văn Cầm (bản Na Hiêng, xã Châu Hồng) cho biết.
Dọc hai bên đường, thỉnh thoảng lại bắt gặp những công trường khai thác khoáng sản, đá khổng lồ, với những ngọn đồi núi bị đào bới nham nhở.
Từ năm 2020 đến 2022, người dân xã Châu Hồng bất an bởi tình trạng sụt lún đất, xuất hiện hàng trăm “hố tử thần” ở khắp nơi, nhà cửa bị nứt nẻ nghiêm trọng. Sau khi địa phương đình chỉ hoạt động bơm hút nước ngầm để khai thác khoáng sản của Công ty CP Tân Hoàng Khang, các hiện tượng đó mới chấm dứt.
Đến nay có 449 hộ dân bị ảnh hưởng, thiệt hại, công tác khắc phục hậu quả vẫn chưa xong.
Mặc dù là thủ phủ khoáng sản với sản lượng khai thác lớn, nhưng số người dân xã Châu Hồng làm việc trong các doanh nghiệp chỉ chiếm một tỉ lệ không đáng kể. Tại đây, có đến 28% hộ nghèo, 30% hộ cận nghèo.
Trên đường vào Châu Hồng, phóng viên báo Lao Động được người dân kể có ông chủ đã bán mỏ với số tiền 700 tỉ đồng và đi nơi khác sinh sống.
Xử phạt hàng loạt doanh nghiệp khoáng sản
Theo số liệu từ UBND huyện Quỳ Hợp, đến tháng 3.2023, trên địa bàn huyện Quỳ Hợp có 79 mỏ khoáng sản được cấp phép còn hạn khai thác. Trong đó, có 14 mỏ khai thác quặng thiếc, 34 mỏ khai thác đá hoa trắng, 29 mỏ khai thác đá xây dựng, 1 mỏ khai thác nước khoáng, 1 mỏ cát sỏi.
Ngoài ra Quỳ Hợp còn có 78 mỏ đã hết hạn khai thác. Trong đó có 50 mỏ đã có quyết định đóng cửa mỏ của UBND tỉnh Nghệ An; có 158 xưởng chế biến khoáng sản, trong đó có 47 xưởng sản xuất hộ kinh doanh cá thể. Hoạt động khoáng sản tập trung ở 10 xã trọng điểm gồm: Châu Hồng, Châu Tiến, Châu Lộc, Thọ Hợp, Liên Hợp, Châu Cường, Châu Quang, Châu Thành, Minh Hợp và Nghĩa Xuân.
Trong quá trình khai thác khoáng sản, rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện Quỳ Hợp có sai phạm, vi phạm. Năm 2022, UBND huyện Quỳ Hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với 16 doanh nghiệp khai khoáng, với số tiền phạt lên tới gần 2,7 tỉ đồng. Huyện cũng đề nghị UBND tỉnh Nghệ An xử phạt Công ty CP Tân Hoàng Khang với số tiền hơn 276 triệu đồng.
Các hành vi vi phạm phổ biến là khai thác vượt quá phạm vi cho phép, lấn chiếm đất, không thực hiện đúng các biện pháp bảo vệ môi trường, không lắp trạm cân tại khu vực mỏ, vi phạm về nội quy lao động, không đầy đủ hồ sơ, chứng từ…
Về hiện tượng suối ở xã Châu Hồng đục ngầu, ông Cao Thế Bảo – Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳ Hợp cho biết, chủ yếu do người dân khai thác khoáng sản “chui” trong hệ thống hang các-tơ gây ra.
“Người dân họ làm nhỏ lẻ, ẩn khuất dưới sông suối nên rất khó phát hiện, xử lý”- ông Cao Thế Bảo nói và khẳng định trên địa bàn đến nay không còn hiện tượng doanh nghiệp khai thác khoáng sản chui do kiểm tra gắt gao.
Trước đó, vào tháng 5.2022, trong chuyến công tác tại xã Châu Hồng để chỉ đạo xử lý tình trạng sụt lún đất, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung chia sẻ với những khó khăn, bức xúc của bà con do tình trạng khai thác khoáng sản gây ra.
Chủ tịch tỉnh Nghệ An khẳng định các công ty đóng thuế khi thực hiện hoạt động khai thác khoáng sản chưa đủ để thực hiện tái đầu tư các công trình trên địa bàn bị ảnh hưởng.
Theo Quang Đại
Link gốc: https://laodong.vn/ban-doc/khai-thac-khoang-san-loi-doanh-nghiep-huong-dan-chiu-tran-1153064.ldo