Gần đây dọc bãi biển từ cảng cá Cửa Sót đến vùng giáp ranh với xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà (dài khoảng 4km) bèo tây trôi dạt về một khối lượng rất lớn. Từng bãi bèo nổi dập dềnh trên biển, sau đó phân hủy, thối rữa khiến cho nước biển có biểu hiện đổi màu, sủi váng bọt.
Bèo tây nổi nhiều trên biển, hoặc bị sóng đánh lên bờ kéo theo nhiều rác rưởi, chai lọ, túi nilon, không chỉ gây ô nhiễm môi trường tại bãi tắm mà còn ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch biển. Bãi biển Cửa Sót từ chỗ thu hút rất đông du khách thập phương đến tắm biển, nghỉ dưỡng, nay vì bèo tây mà trở nên vắng vẻ, không còn mấy ai hào hứng về với biển.
Bà Đào Thị Tam (ở thị trấn Lộc Hà) cho biết, từ trước đến nay chưa bao giờ bèo tây trôi về biển dày đặc đến như vậy. Hiện tại, bà và một số người dân được chính quyền thị trấn Lộc Hà hợp đồng để trục vớt, chôn lấp bèo tây nhưng khối lượng quá lớn, dự kiến, ít nhất cũng phải mất cả tháng mới có thể thu dọn xong.
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND thị trấn Lộc Hà Văn Thành Đô cho biết, nguyên nhân bèo xuất hiện dày đặc trên biển Cửa Sót là do mở cống Đò Điểm (thuộc hệ thống kênh trục sông Nghèn) để tiêu thoát lũ.
“Địa phương cũng đã có kế hoạch huy động các đoàn thể ra quân thu gom, xử lý bèo tây, phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển. Vì thực tế, những người dân đã hợp đồng trước đó không thể xử lý nổi một khối lượng rất lớn bèo tây đã và đang trôi dạt về vùng biển Cửa Sót” – ông Thành chia sẻ.
Qua quan sát của phóng viên, bèo tây trôi dạt về biển Cửa Sót, đặc biệt là ở khu vực bãi tắm Xuân Hải khiến cho môi trường biển có nguy cơ bị ô nhiễm, hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch cuối mùa nắng nóng bị chững lại. Hầu hết người dân, du khách đến với biển Cửa Sót chỉ giao lưu, ăn uống, không có ai tắm biển như trước đây.
Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lộc Hà Phan Tiến Dũng cho biết, phát hiện bèo tây trôi dạt về với khối lượng rất lớn sau mưa lũ, huyện đã ban hành văn bản yêu cầu các xã, thị trấn huy động lực lượng, phương tiện ra quân trục vớt, xử lý bèo. Phương án trước mắt đối với bèo và rác hữu cơ sẽ được thu gom, chôn lấp tại những vị trí nhất định, còn các loại rác khó phân hủy sẽ vận chuyển về bãi rác của huyện để xử lý.
Kịp thời trục vớt, xử lý bèo tây, trả lại môi trường biển Cửa Sót trong sạch là hết sức cần thiết. Có như vậy thì hoạt động kinh doanh du lịch biển ở Lộc Hà mới có thể khai thác xứng tầm, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.
Theo Văn Chương
Link gốc: https://kinhtedothi.vn/ha-tinh-beo-tay-xuat-hien-day-dac-o-bien-cua-sot.html