Gánh nặng SEA Games của bóng đá Việt Nam

Một nghịch lý tồn tại lâu nay có thể trở thành rào cản với sự phát triển của bóng đá Việt Nam đó là, luôn nhắc tới các mục tiêu dài hạn nhưng lại không chấp nhận những thất bại (có thể xảy ra) trước mắt. SEA Games 32 liệu có thể là một cột mốc mới?

1.Nhìn lại 5 năm thành công của đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo, dễ thấy “thế hệ vàng” trong tay nhà cầm quân Hàn Quốc trước đó đã được kinh qua hàng loạt giải đấu trong và ngoài nước. Kỳ tích Thường Châu diễn ra trong bối cảnh U23 Việt Nam như một chiếc lò xo đã bị nén bởi những thất bại liên tiếp trước đó, với lứa cầu thủ gồm những gương mặt xuất sắc nhất như Công Phượng, Duy Mạnh, Quang Hải, Đoàn Văn Hậu, Bùi Tiến Dũng, Văn Thanh, Văn Toàn…Tất cả đều giàu khao khát và đặc biệt có chuyên môn, độ từng trải kinh nghiệm nhất định.

Các cầu thủ U22 Việt Nam tập luyện ngày 20/4

Năm 2018, lứa 1 Học viện HAGL của Công Phượng đã trải qua 3 năm “thử lửa” ở V-League. Dù không thành công, nhưng quá trình bị “vùi dập” ở môi trường khắc nghiệt như V-League rõ ràng bổ ích đối với những đứa trẻ của bầu Đức. Quang Hải, Văn Hậu đều là những nhân tố trẻ được rèn giũa trong màu áo đội 1 CLB Hà Nội. Văn Hậu xuất sắc nhất Đông Nam Á ở lứa tuổi của anh và một năm sau, hậu vệ quê Thái Bình có chuyến xuất ngoại tới SC Heerenveen.

Những thành tích nối tiếp nhau sau giải đấu trên đất Thường Châu của thầy trò HLV Park Hang-seo, đỉnh cao của nó là chiến tích giành vé dự Vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á. Cần chú ý rằng giai đoạn trước đó, cũng lứa quân này đã thất bại thảm hại ở SEA Games 2017 (Malaysia) hay AFF Cup 2016. Câu nói “thất bại là mẹ của thành công” có thể nói áp vào lứa U23 Việt Nam ngày đấy không hề sai.

2. Nếu so với thế hệ đàn anh, U22 Việt Nam hiện nay của Khuất Văn Khang và các đồng đội thật khó có thể so sánh, chí ít ở quá trình “thử lửa”. Doha Cup 2023 bộc lộ rõ những nhược điểm về tuổi tác, trình độ và đặc biệt kinh nghiệm của các cầu thủ trẻ hiện nay. HLV Philippe Troussier đã phải thừa nhận việc đối đầu những đội bóng lớn châu lục đã khiến U22 Việt Nam bộc lộ nhiều sai sót.

Ở 2 kỳ SEA Games gần nhất, Việt Nam đều đoạt HCV dưới sự chỉ đạo của ông Park Hang-seo. Dễ nhận thấy việc sử dụng tối đa 3 suất trên 23 tuổi tạo nên lợi thế lớn đối với U23 Việt Nam. Trong khi đó, các đối thủ ở khu vực như Thái Lan, Malaysia hay Indonesia đều sử dụng phần lớn cầu thủ trẻ. Ở góc độ này, có thể tin rằng các đối thủ trong khu vực đang chấp nhận những thất bại ngắn hạn để hướng tới các mục tiêu xa hơn.

3. Khát khao tấm HCV SEA Games của bóng đá nam là một vấn đề mang tính lịch sử, khi trước đây nó là mục tiêu khó với tới đối với bóng đá Việt Nam. Thành tích lớn nhất trước thời ông Park Hang-seo chỉ là tấm HCB. Trên thực tế ở các kỳ đại hội, bóng đá không phải môn trọng tâm như điền kinh, bắn súng hay bơi lội. SEA Games về mặt chuyên môn đơn thuần chỉ là giải đấu của lứa trẻ.

Những người làm bóng đá không phải không hiểu vấn đề này. Tuy nhiên để có những thay đổi mang tính bước ngoặt lại không hề dễ dàng, bởi sức ép từ dư luận và yêu cầu về thành tích vẫn là gánh nặng rất lớn. Ở đây cần nhắc lại một câu chuyện là sau khi đội tuyển Việt Nam giành vé dự Vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á, HLV Park Hang-seo từng có kế hoạch không dẫn dắt U23 Việt Nam dự SEA Games. Tuy nhiên, nhà cầm quân Hàn Quốc rốt cuộc phải đổi ý định sau các cuộc làm việc với lãnh đạo ngành thể thao. Đó là ví dụ điển hình cho sức ép cả trên và dưới đối với bóng đá Việt Nam.

Tấm HCV SEA Games với bóng đá nam vẫn rất giá trị, nhưng sẽ giá trị thêm gấp bội nếu nó được tạo nên bởi các nhân tố trẻ, mở ra cơ hội cho các mục tiêu xa hơn trong tương lai.

Theo V.P

Link gốc: https://tienphong.vn/ganh-nang-sea-games-cua-bong-da-viet-nam-post1528456.tpo

bóng đá Việt NamSEA Games 32u23 Việt Nam